Bệnh nhân khó sử dụng chung giấy xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến cuối

18/07/2017 - 09:00

PNO - Theo quy định của Bộ Y tế, từ tháng 7/2017, khoảng 30 – 40 bệnh viện thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189 phải sử dụng chung kết quả xét nghiệm cho người bệnh.

Mục đích này là giúp hạn chế tình trạng xét nghiệm nhiều lần gây lãng phí cho người bệnh, từ xét nghiệm vi sinh, sinh hóa, cho đến huyết học...

Benh nhan kho su dung chung giay xet nghiem o cac benh vien tuyen cuoi
 

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mỗi năm các cơ sở y tế thực hiện tới 475 triệu lượt xét nghiệm, tăng khoảng 10% mỗi năm.

Chỉ cần giảm 1% các xét nghiệm lãng phí không cần thiết hay trùng lặp thì mỗi năm đã tiết kiệm được trên 200 tỉ đồng.

 Xét nghiệm chuẩn ISO chưa đồng bộ

Cả nước có 30 – 40 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189, (với khoảng 50 phòng), nhưng không phải tất cả các bệnh viện này đều thực hiện được hết các xét nghiệm chuẩn ISO 15189. Và việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm trong năm 2017 của Bộ Y tế sẽ khó thực hiện.

“Không phải có xe hơi là biết chạy! Nhiều khi máy móc đạt chuẩn ISO nhưng bác sĩ thực hiện, phương pháp ứng dụng của bệnh viện đó chưa đạt!”, Phó giáo sư bác sĩ Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết – Sinh học, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nhận định.

Benh nhan kho su dung chung giay xet nghiem o cac benh vien tuyen cuoi
 

Đơn cử như khoa Vi sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM mới được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn ISO 15189 vào ngày 2/6/2017. Trong danh mục Vi sinh cũng chỉ có 9 loại mẫu xét nghiệm đạt chuẩn.

Bệnh viện Nhi đồng 1 có tất cả 16 nhân viên y tế đạt chuẩn ISO Vi sinh nhưng chỉ có 2 bác sĩ, 1 cử nhân mới đủ thẩm quyền công bố 9 loại mẫu xét nghiệm Vi sinh, còn lại 13 người thì có người chỉ được công nhận giờ trực, có người lại không được công nhận xét nghiệm HIV nếu thực hiện mẫu bệnh phẩm.

Benh nhan kho su dung chung giay xet nghiem o cac benh vien tuyen cuoi
 

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội, trực thuộc Bộ Y tế) cũng mới chỉ có khoa Vi sinh và khoa Hóa sinh được Bộ công nhận đạt chuẩn ISO, trong khi khoa Huyết học lại chưa đạt.

Riêng xét nghiệm Giải phẫu bệnh, chưa thấy Bộ Y tế công bố bệnh viện nào đạt chuẩn ISO, nhất là các bệnh viện có điều trị bệnh ung thư rất cần hạn chế tốn kém khi xét nghiệm và giảm đau đớn khi phải thực hiện mổ xẻ lấy mẫu bệnh phẩm từ khôi u bệnh nhân đi xét nghiệm.

Phó giáo sư Trần Văn Bình nhận định: Nếu các bệnh viện chưa đồng bộ về chuẩn ISO 15189 thì việc người bệnh thụ hưởng chung một giấy xét nghiệm khi đến nhiều bệnh viện sẽ khó khả thi!

Không chuyển bệnh chỉ vì giấy xét nghiệm

Các bác sĩ cho rằng, người bệnh sẽ khó được hưởng lợi từ liên thông kết quả xét nghiệm giữa bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.

Hầu hết những bệnh viện đa khoa này đều điều trị được tất cả các bệnh, nên dù xét nghiệm không đạt chuẩn hết 100% ISO nhưng bệnh viện cũng sẽ không chuyển người bệnh sang bệnh viện khác.

Benh nhan kho su dung chung giay xet nghiem o cac benh vien tuyen cuoi
 

Hơn nữa, hệ thống xét nghiệm các bệnh viện đang sử dụng cũng chính xác trên 70% nên cũng không muốn chuyển người bệnh đi, ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện.

Mặt khác, nếu chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác, chưa chắc bệnh viện khác đã có chuẩn ISO 15189. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP.HCM, Bộ Y tế mới công nhận chuẩn ISO15189 ở một số lĩnh vực cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thuộc bệnh viện đa khoa), ở  các bệnh viện chuyên khoa có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM.

Dựa vào đây, các bệnh viện điều trị trẻ con không thể chuyển trẻ lên bệnh viện người lớn chỉ vì thiếu một giấy xét nghiệm chưa đạt chuẩn ISO, trong khi hệ thống xét nghiệm đang sử dụng vẫn tốt.

Và giữa các bệnh viện đa khoa tuyến cuối lại càng không thể chuyển sang bệnh viện đa khoa ở các tỉnh, mất thời gian của người bệnh, việc chuyển mẫu đi cũng khó khăn, tốn kém…

Benh nhan kho su dung chung giay xet nghiem o cac benh vien tuyen cuoi
 

Một chuyên gia ở lĩnh vực khẳng định, quy định sử dụng chung giấy xét nghiệm chỉ hiệu quả khi Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa bệnh viện tuyến quận/huyện lên bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Những bệnh viện quân/huyện là đầu vào của hàng loạt bệnh, sau đó mới được phân luồng bệnh nặng/nhẹ, bệnh đa thương hay cần chuyên khoa…

Thế nhưng, những bệnh viện quận/huyện hiện nay tại TP.HCM chưa có bệnh viện nào đạt chuẩn ISO 15189, do đó, bệnh nhân làm xét nghiệm ở tuyến dưới thì khi chuyển viện lên tuyến trên buộc phải làm lại hết. Do đó, việc liên thông giấy xét nghiệm của Bộ Y tế rất khó khả thi.

Hồ Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI