Bệnh nhân hôn mê sau khi chích thuốc, bác sĩ cho rằng dị ứng thức ăn

09/07/2015 - 08:19

PNO - PN - Sau khi ăn bánh xèo nấm khoảng ba giờ, ông Huỳnh Ngọc Nhụy (47 tuổi, ngụ tại H.Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thấy đau rát họng nên đã đến Trung tâm Y tế (TTYT) H.Đất Đỏ để khám. Khi được tiêm hai loại thuốc kháng viêm và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tím tái ngay khi chích thuốc

Theo người nhà bệnh nhân, sáng 30/6, sau bữa ăn sáng (bánh xèo nấm rơm) chừng ba giờ, ông Huỳnh Ngọc Nhụy có dấu hiệu khó thở và đau cổ. Ông Nhụy tự chạy xe gắn máy tới trạm y tế xã xin cấp giấy chuyển tuyến để lên TTYT H.Đất Đỏ khám bệnh. Tại TTYT huyện, ông Nhụy được đưa vào phòng cấp cứu theo dõi.

Benh nhan hon me sau khi chich thuoc, bac si cho rang di ung thuc an

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet.

Sau khi kiểm tra huyết áp và khám lâm sàng, bác sĩ (BS) TTYT huyện chỉ định chích hai mũi thuốc cho bệnh nhân (BN). Đáng nói, khi vừa được chích thuốc, ông Nhụy bỗng nhiên có dấu hiệu tím tái, rồi hôn mê, ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức, BS TTYT đã dồn sức cấp cứu, hồi sức, bóp bóng cho BN. Sau khoảng 15 phút, khi BN được đặt nội khí quản và dần hồi tỉnh, BS TTYT huyện đã quyết định chuyển BN lên tuyến trên. Trên đường chuyển viện, từ TTYT H.Đất Đỏ lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ống đặt nội khí quản của người bệnh bị sút, khiến người bệnh tiếp tục co giật và hôn mê.

Ông Huỳnh Tuấn Điệp, em trai của BN cho biết: “Trước khi anh trai tôi tới bệnh viện, ngoài họng đau rát thì mọi thứ đều không có gì bất thường. Vì sao sau khi tiêm hai mũi thuốc, anh tôi bỗng nhiên tím tái, ngưng thở? Gia đình chúng tôi nghĩ tới khả năng anh tôi bị sốc thuốc, ngành y tế lại “nghiêng” về việc anh tôi bị dị ứng do thức ăn.

Điều đáng lưu ý, TTYT H.Đất Đỏ chẩn đoán anh tôi có tiền sử hen phế quản ác tính/cao huyết áp độ 1 và viêm phù nề tắc nghẽn thanh khí quản. Trong khi đó, kết luận của BVĐK tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì cho rằng anh tôi bị dị ứng từ thức ăn. Chẩn đoán cũng nghĩ tới khả năng choáng sốc do dị ứng. Vậy anh tôi bị dị ứng do thuốc hay thức ăn? Sao không cụ thể rõ ràng mà chỉ lập lờ?”.

Theo ông Điệp, BN chỉ đau họng chứ không bị khó thở như bệnh án ghi, từ trước đến nay, ông Nhụy chưa từng bị hen suyễn. Tuy nhiên, ông Điệp cũng thừa nhận, khi BS TTYT H.Đất Đỏ khai thác thông tin tiền căn người bệnh, vợ của ông Nhụy đã cung cấp cho BS, bệnh nhân từng bị hen suyễn.

Khó phân định, nên cảm thông?

Theo BS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc TTYT H.Đất Đỏ, bệnh lý của ông Nhụy diễn tiến nhanh và hết sức phức tạp. Trước đó, ông Nhụy tới TTYT huyện khám bệnh trong trạng thái vẫn chủ động hành vi, đi lại nói chuyện bình thường, ngoại trừ ba vấn đề: huyết áp hơi cao, đau rát họng, và hơi khó thở. Nhưng khi ông Nhụy tới khu khám bệnh của TTYT huyện thì bệnh tình mới bắt đầu diễn tiến phức tạp, có dấu hiệu thở co kéo. Do đó, BS cho vào phòng cấp cứu và chỉ định chích thuốc. BN được chích thuốc kháng viêm và giãn phế quản.

Sau đó, BN có dấu hiệu tím tái, hôn mê… BS TTYT huyện khi đó đã nỗ lực hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản. Sau đó, TTYT huyện đã hội chẩn và thống nhất chuyển BN lên tuyến trên để được điều trị tốt hơn. Về quy trình và chuyên môn, BS TTYT đã thực hiện đúng quy định của ngành y tế. Tuy nhiên, trong vụ việc này có hai tình huống bất khả kháng. Đó là trong quá trình cấp cứu tại TTYT huyện, do bệnh diễn tiến quá nhanh nên BS phải tập trung xử lý cấp cứu cho BN, chưa kịp khai thác đầy đủ tiền căn bệnh lý của người bệnh. Vấn đề thứ hai, trong quá trình chuyển viện đã xảy ra sự cố tuột ống thông nội khí quản. Dù nhân viên y tế đã cố gắng khắc phục, nhưng do thanh mô sưng lớn nên việc đặt lại nội khí quản đã thất bại.

BS Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, BN nhập viện lúc 11g20 ngày 30/6, trong tình trạng giãy giụa, tím tái, sau đó thở ngáp và ngưng thở, phù nề xung quanh thanh môn và vùng lưỡi gà, không thấy dây thanh. Chẩn đoán khi bệnh nhân nhập viện: ngưng hô hấp tuần hoàn/theo dõi suy hô hấp cấp do phù thanh quản. Tình trạng lúc chuyển tuyến: hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở. Theo dõi phản ứng dị ứng muộn do thức ăn, nghi ngờ do dị ứng thức ăn vì triệu chứng xuất hiện trước khi vào TTYT H.Đất Đỏ.

Sau đó, BN được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Sau một tuần nằm viện, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Theo một BS tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua xét nghiệm chỉ số IgE của BN là 168, chứng tỏ có dị ứng. BN bị viêm phù nề tắc nghẽn thanh khí quản là chính xác. Tuy nhiên, vẫn không thể nào chứng minh dị ứng do thức ăn hay nguyên nhân nào khác (sốc thuốc…).

Trao đổi với chúng tôi, nhiều BS, chuyên gia y tế cho rằng, tuy cách diễn đạt nội dung, câu chữ giữa các cơ sở y tế có vẻ khác nhau, nhưng mỗi cơ sở đều có cái lý của họ và thực tế thì hướng chẩn đoán điều trị không sai. Trong trường hợp này, kể cả BN bị sốc phản vệ do thuốc thì cũng cần cảm thông, vì việc sốc phản vệ là do cơ địa người bệnh.

VINH NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI