Bệnh nhân HIV tự thiêu còn 20kg muốn sống nhờ hành động dũng cảm của bác sĩ

23/07/2017 - 15:38

PNO - Nghe vợ bệnh nhân gào to trong ước mắt: 'Anh ấy bị HIV', nhưng bác sĩ Ngô Đức Hiệp vẫn lao vào cấp cứu. Sau một năm giành lại mạng sống cho bệnh nhân, bác sĩ Hiệp chia sẻ: ‘Nếu quay lại, tôi vẫn làm vậy’

Đến nay đã tròn một năm, nhưng khi nhắc lại bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vẫn cho rằng đó là công việc thường ngày mà bất kỳ người bác sĩ nào cũng phải làm.

“Các anh cẩn thận, anh ấy bị HIV”

Hơn 20h đêm ngày 23/7/2016, bác sĩ Ngô Đức Hiệp cùng các đồng nghiệp được thông báo chuẩn bị tiếp nhận một ca phỏng xăng nặng đang nguy kịch từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.

Tình trạng của anh T.V.H. (35 tuổi, hiện ở Quận 8, TP.HCM) rất nặng, phỏng hơn 50% cơ thể, cấp độ 2,3 (trong đó 32% cơ thể bị cấp độ 3), phỏng hô hấp, vết thương bong tróc, lở loét khủng khiếp.

Ngay lập tức, bác sĩ Hiệp và đồng nghiệp lao nhanh vào cấp cứu. 

Benh nhan HIV tu thieu con 20kg muon song nho hanh dong dung cam cua bac si
Không chỉ đối với bệnh nhân bị HIV, nhân viên y tế còn có nhiều nguy cơ lây bệnh khi cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa.


Nhìn bác sĩ hối hả cấp cứu, vợ anh H. gào to trong nước mắt: “Các anh cẩn thận, anh ấy bị HIV”. Quay lại người vợ trong thoáng chốc, bác sĩ Hiệp cùng êkip vẫn quyết định đưa bệnh nhân của mình vào phòng mổ. 

“Lúc đó tôi phải cảm ơn chị ấy mới đúng, vì chị đã không ngần ngại nói ra bệnh của chồng mình để chúng tôi biết, cẩn thận hơn để tránh bị lây nhiễm HIV. May mắn anh H. được cứu sống mà cả êkip lẫn bệnh nhân đều không gặp sự cố gì”, bác sĩ Hiệp điềm nhiên nói.

Theo bác sĩ Hiệp, thời gian chăm sóc sau đó cho anh H. mới thực sự khó khăn. Vì điều trị HIV hơn 10 năm, anh H. đã gần như tuyệt vọng, tinh thần, sự ham sống của anh dường như không còn.

Anh không có ý chí sinh tồn, không muốn tiếp tục sống nên mặc dù phỏng nặng, nằm bất động nhưng khi ai đến gần anh cũng trở nên rất hung dữ và không chịu hợp tác.

Lúc này, ngoài nghiệp vụ chuyên môn mà một bác sĩ cần phải làm, bác sĩ Hiệp thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên, chia sẻ với anh những điều quan trọng, đẹp đẽ về cuộc sống. Suốt mấy tháng liền, từ một bác sĩ khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Hiệp trở thành… bác sĩ tâm lý cho anh H.

Cuối cùng, anh H. nhận ra anh vẫn còn có mẹ, có vợ, người thân đang từng này chờ anh trở về. Đặc biệt, có bác sĩ Hiệp - người dưng nhưng lại hết lòng vì anh, nên anh quyết sống. Số ngày sống ở cõi tạm còn ít ỏi, anh cố sống, bởi anh muốn về nhà. Anh gật đầu đồng ý điều trị.

"Nếu chọn lựa lại, tôi vẫn sẽ làm vậy"

Dù anh H. đã ý thức phải sống, nhưng cơ thể lúc này chỉ khoảng từ 20-30 kg, phần phỏng liên tục bị hoại tử, anh ăn uống ngày một khó khăn. 

Trong suốt thời gian điều trị, anh H. trải qua gần 10 ca phẫu thuật, mỗi đợt phẫu thuật truyền ít nhất hai đơn vị máu, trung bình chỉ kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ nhưng chăm sóc sau phẫu thuật lại mất khá nhiều thời gian. Mỗi đợt thay băng cho anh, điều dưỡng phải thật cẩn thận để không… lôi tuột mảng da ra ngoài. 

Benh nhan HIV tu thieu con 20kg muon song nho hanh dong dung cam cua bac si
Bác sĩ Hiệp thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Ngoài việc điều trị, nhiều lúc, bác sĩ ở bất kỳ chuyên khoa nào cũng trở thành bác sĩ... tâm lý.


Cứ như thế, suốt nhiều tháng liền đồng hành, cuối cùng anh H. đã bình phục, xuất viện về nhà. Đến nay, sau một năm được trở về từ "quỷ môn quan", anh H. đang có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc cùng người vợ son sắt.

Chị N.T.H.H. (vợ anh H.) cho biết: “Lúc đó anh buồn nhiều việc nhưng không nói. Không ai nghĩ anh có thể tự thiêu khủng khiếp như vậy. Sau khi xuất viện, chồng tôi đã bình tĩnh lại, anh ấy không đòi chết nữa. Biến chứng sau phỏng ít, anh vẫn có thể vận động, ít sẹo co kéo. Chỉ là vận động không linh hoạt như trước.

Hiện tại các vết thương đã lành, anh tăng được gần 10 ký và sống vui vẻ. Tôi cảm ơn các bác sĩ đã hết lòng vì anh ấy. Mặc dù biết anh bị căn bệnh thế kỷ nhưng vẫn quyết tâm cứu sống anh bằng mọi giá”.

Khi được hỏi về sự chọn lựa, bác sĩ Hiệp cho rằng: “Cứu sống anh H. không phải là công sức của chỉ riêng bản thân tôi, mà là kết quả của cả tập thể, cả êkip. Tôi tự hào về công việc, về những đồng nghiệp của tôi. Họ đã không hề ngại ngần khi làm việc.

Ngành y là để cứu người, nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn sẽ làm hết sức mình. Tôi tin, đồng nghiệp của tôi cũng sẵn sàng làm như vậy để cứu anh H".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI