Bệnh nhân ghép tạng có ký ức và tính cách của người hiến tặng

31/12/2024 - 18:14

PNO - Nhiều người được ghép tạng đã báo cáo những thay đổi kỳ lạ về cảm xúc, khẩu vị và trí nhớ của họ.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết các trường hợp người nhận ghép tim tiếp thu sở thích và ký ức của người hiến tặng
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết các trường hợp nhận ghép tim tiếp thu sở thích và ký ức của người hiến

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tượng này phổ biến nhất ở những người được ghép tim. Người được ghép thận, phổi và thậm chí cả khuôn mặt cũng nhận thấy những thay đổi về sở thích ăn uống, âm nhạc và cả khuynh hướng tình dục.

Một số bệnh nhân có sở thích và nhu cầu mới giống với người hiến tặng, điều này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi liệu người nhận tạng có nhận được ký ức của người hiến hay không.

Trong một bài đánh giá được công bố đầu năm 2024, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra trường hợp một cậu bé 9 tuổi nhận tim từ bé gái 3 tuổi bị chết đuối dưới hồ bơi của gia đình. Cậu bé không biết người hiến tặng mình đã chết như thế nào, mẹ cậu cho biết cậu đã trở nên "sợ nước đến chết".

Trường hợp khác, một giáo sư đại học được ghép tim của một cảnh sát. Anh bị bắn vào mặt và nhìn thấy "một tia sáng" ngay trước mắt mình. "Mặt tôi nóng kinh khủng. Nó thực sự nóng bỏng" - ông nói.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy điều này có thể là do tim và não có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì tim có chung các tế bào thần kinh và tế bào tương tự não.

Việc cấy ghép nội tạng có thể khiến các gen kiểm soát các đặc điểm thay đổi và biểu hiện khác đi.

Trong bài đánh giá năm 2024, các nhà nghiên cứu viết: "Bằng chứng mới cho thấy người được ghép tim có thể ảnh hưởng tính cách và ký ức của người hiến".

Nhóm nghiên cứu cho rằng những thay đổi này có thể là do sự chuyển giao tế bào giữa người hiến và người nhận, điều này cho thấy các tế bào riêng lẻ có thể hình thành trí nhớ. Ngoài ra, việc đưa một cơ quan mới vào cơ thể người nhận có thể khiến gen biểu hiện khác đi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng những trường hợp này quá trùng hợp ngẫu nhiên và những thay đổi này có thể là phản ứng tâm lý khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật lớn.

Ví dụ, các chuyên gia từ Đại học McGill ở Canada cho rằng thuốc ức chế miễn dịch mà người nhận nội tạng phải dùng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, từ đó có thể thay đổi quan điểm của họ về thực phẩm.

Các nghiên cứu khác cho thấy, trước khi được phẫu thuật, người nhận có thể đã quá lo lắng về việc sẽ thừa hưởng hành vi hoặc đặc điểm tính cách của người hiến, điều này có thể dẫn đến những thay đổi về hành vi.

Căng thẳng khi phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn để được sống cũng có thể khiến bệnh nhân thay đổi quan điểm về một số khía cạnh trong cuộc sống cũng như các mối quan hệ.

Ngoài trí nhớ, một số bệnh nhân cũng báo cáo rằng sở thích của họ thay đổi.

Trong một nghiên cứu vào năm 2002, các bác sĩ đã nêu trường hợp một phụ nữ thừa hưởng sở thích ăn uống của người hiến. Các nhà nghiên cứu viết: "Cô ấy là một vũ công và biên đạo múa có ý thức về sức khỏe, sau khi xuất viện, cô ấy không thể kiểm soát được cơn thèm muốn đến một nhà hàng Kentucky Fried Chicken và gọi gà viên, một món ăn mà cô chưa bao giờ ăn. Điều thú vị là người ta tìm thấy những miếng gà rán Kentucky chưa ăn trong áo khoác của người hiến tạng khi anh bị sát hại".

Một phụ nữ 29 tuổi được ghép tim từ một người ăn chay 19 tuổi đột nhiên trở nên chán ghét thịt.

Các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến sự thay đổi trong khuynh hướng tình dục. Như trường hợp một người đàn ông đồng tính nhận được trái tim từ một nghệ sĩ đồng tính nữ, sau phẫu thuật, anh được cho là dễ bị thu hút bởi phụ nữ hơn. Trong khi đó, sau khi ghép tim, một người đồng tính nữ đã bị thu hút bởi nam giới.

Trọng Trí (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI