Bệnh nhân được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới qua đời

10/03/2022 - 11:17

PNO - Hai tháng sau ca phẫu thuật tiên phong về cấy ghép tim lợn cho người, bệnh nhân được ghép tim đã qua đời, bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật tại Mỹ đã đưa ra thông báo hôm 9/3.

Ông David Bennett, 57 tuổi, làm nghề kinh doanh, đã trải qua quá trình ghép tim lợn thử nghiệm ở Baltimore, Maryland, sau khi bị suy tim và không còn lựa chọn nào khác.

Ông David Bennett (trái) được ghép  chọn là bệnh nhân cho thử nghiệm ghép tim lợn cho người, vì ông không đủ điều kiện để cấy ghép tim người
Ông David Bennett (trái) được chọn là bệnh nhân thử nghiệm ghép tim lợn cho người, vì không đủ điều kiện để cấy ghép tim người

Trung tâm Y khoa của Đại học Maryland cho biết ông Bennett qua đời hôm 9/3, đồng thời nói thêm rằng ông vẫn có thể liên lạc với gia đình trong những giờ cuối cùng trước khi mất.

Các bác sĩ hàng đầu đã ca ngợi Bennett là một “người đàn ông dũng cảm”, đã có đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển y khoa, khi tham gia vào cuộc phẫu thuật thử nghiệm.

Bệnh viện không đưa ra nguyên nhân chính xác khiến ông Bennet tử vong, nhưng cho biết sức khỏe của ông đã diễn biến xấu hơn trong những ngày gần đây. Con trai của Bennett - David Bennett Jr - nói rằng, cha anh đã biết cuộc phẫu thuật ngày 7/1 có thể không hiệu quả, nhưng rất biết ơn cộng đồng y khoa về phát minh này - mà ông gọi là “một phép lạ”.

Theo tờ The Guardian, ông Bennett đã được chọn là bệnh nhân cho thử nghiệm ghép tim lợn cho người, vì ông không đủ điều kiện để cấy ghép tim người, và Trung tâm Y khoa của Đại học Maryland đã gọi đó là “lựa chọn duy nhất hiện có cho bệnh nhân”.

Hôm 8/3, tiến sĩ Muhammad Mohiuddin - Giám đốc khoa học của chương trình cấy ghép nội tạng của động vật sang người thuộc Đại học Maryland - đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Bennett.

“Ông Bennett là một người dũng cảm. Nếu không có sự đóng góp của ông ấy, chúng tôi đã không thể thực hiện ca phẫu thuật thử nghiệm này. Ông đã can đảm hiến xác cho khoa học, và chấp nhận ghép một trái tim lợn, điều mà nhiều người không làm được. Chúng tôi cũng rất biết ơn gia đình ông ấy, những người cũng đã hỗ trợ rất nhiều trong suốt 2 tháng ông ấy sống sót sau ca phẫu thuật.

Đây là lần đầu tiên một bộ phận cơ thể lợn được cấy ghép trên người và còn rất nhiều điều chưa biết, mà sau khi đánh giá cẩn thận các dữ liệu chúng tôi mới có thể phát hiện ra, từ đó giúp lĩnh vực này phát triển nhanh hơn”, tiến sĩ Mohiuddin chia sẻ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp cho việc cấy ghép trên cơ sở “vì mục đích nhân đạo”, 7 ngày trước khi ông Bennett được phẫu thuật.

“Tôi đang đứng trước hai con đường: hoặc làm phẫu thuật ghép tim lợn, hoặc sẽ chết. Tôi muốn sống. Dù biết đó là cơ hội mong manh, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi”, ông Bennett đã nói, một ngày trước ca phẫu thuật.

Trong nhiều thập niên qua, các chuyên gia y khoa đã nghiên cứu kỹ thuật cấy ghép nội tạng động vật cho người. Trong đó, lợn đã từng được sử dụng trong các ca phẫu thuật ghép da lợn và cấy ghép van tim lợn. Tuy nhiên, việc cấy ghép toàn bộ nội tạng phức tạp hơn nhiều so với việc sử dụng mô đã qua xử lý cao.

Những nỗ lực trước đây trong việc cấy ghép nội tạng động vật (gọi là kỹ thuật xenotransplant) đã bị thất bại, phần lớn vì cơ thể bệnh nhân nhanh chóng “từ chối” nội tạng động vật sau khi được cấy ghép.

So với ca phẫu thuật cấy ghép tim của khỉ đầu chó cho một em bé sơ sinh đang hấp hối vào năm 1984 ở California - khi bé chỉ sống được 21 ngày sau đó - thì ông Bennett đã sống được lâu hơn nhiều sau khi được ghép một quả tim lợn đã được chỉnh sửa gen. Lần này, các nhà khoa học đã sửa gen của lợn, loại bỏ các loại gen kích hoạt quá trình đào thải siêu nhanh, và thêm gen người để giúp cơ thể tiếp nhận nội tạng tốt hơn.

Lúc đầu, quả tim lợn vẫn hoạt động bình thường, và Bệnh viện Maryland đưa ra thông tin cập nhật định kỳ rằng ông Bennett dường như đang dần hồi phục. Tháng trước, bệnh viện đã công bố một đoạn phim video, cho thấy ông đang xem trò chơi bowling khi ở trên giường bệnh và đang được một bác sĩ vật lý trị liệu chăm sóc.

Hiện, nhu cầu ghép nội tạng đang rất lớn. Vào năm ngoái hơn 41.000 ca cấy ghép đã được thực hiện ở Mỹ, đây là một con số kỷ lục, trong đó có hơn 3.800 ca ghép tim. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 106.000 người đang nằm trong “danh sách chờ” của nước này, hàng năm, có đến hàng ngàn người phải chết vì không kịp được ghép nội tạng, và hàng ngàn người khác thậm chí không bao giờ được đưa vào danh sách này.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI