Tiếng nói dần dần trở lại
Mặc dù may mắn được cứu sống sau đột quỵ não bốn năm trước, ông N.T.D. (50 tuổi, ở quận 5, TPHCM) vẫn rơi vào trạng thái trầm tư, buồn bã. Đang là trụ cột trong gia đình, ông bỗng thấy mình trở thành gánh nặng bởi di chứng từ tai biến mạch máu não. “Tôi bị liệt tay phải, nghe được nhưng không nói được, ăn uống khó nuốt rất mệt mỏi, cảm giác rất buồn khổ”, ông D. nói. Từ đó, ông thu người, không muốn giao tiếp với ai. Được người thân động viên, ban đầu ông D. chỉ định đi tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên, khi được bác sĩ âm ngữ trị liệu khuyên theo lớp học vẽ, ông phân vân, vừa muốn vừa không.
|
Từ việc tự cô lập mình, ông N. (phải) và ông D. (trái) đã tự tin hơn nhờ vẽ tranh - Ảnh: P.A. |
Theo những lời tâm sự rời rạc của ông, bác sĩ nói học vẽ sẽ kích thích não, phần nào đó giúp ông có cơ hội nói trở lại. Nhưng vì tay phải thì liệt, tay trái rất yếu nên ông không biết có cầm nổi cọ vẽ không. Sau ba tuần đến lớp, được bác sĩ, kỹ thuật viên, sinh viên mỹ thuật hướng dẫn, ông D. dần vẽ được những nét cơ bản, cảm nhận cánh tay trái có lại sức lực, điều này mang đến cho ông niềm tin mãnh liệt về điều trị. Bức vẽ đầu tiên được hoàn thành, chính ông và người thân cũng không thể ngờ ông có thể vẽ mà còn vẽ đẹp nữa.
Tiến sĩ Lê Khánh Điền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á - Thái Bình Dương - cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, ông D. cũng đã lấy lại được tiếng nói, dù không thể như trước đây, nhưng rõ và rành mạch. Ông D. trở nên lạc quan hơn và rất thích nói chuyện với người xung quanh.
Là một trong những học viên lâu năm nhất của lớp vẽ, qua sáu năm luyện tập, nhìn những bức tranh của ông L.C.N. (ở Vũng Tàu), nhiều người cứ nghĩ đó là tranh do họa sĩ vẽ. Dù đến nay, mỗi lần muốn nói, cơ mặt ông co lại, tay trái gắng gồng, cố sức bật lên từng tiếng một, nhưng ông vẫn kiên nhẫn “ghép từng mảng” chuyện của mình. “Đang… thành... đạt..., tai... biến..., tôi... chỉ còn... lại... vợ… con trai... và vẽ”, nói đoạn, ông N. dẫn khách đến thăm các bức tranh treo dọc lối đi của Khoa Phục hồi chức năng. Gần một nửa số tranh ở đây là của ông tặng cho khoa. Ông cười: “Vẽ... được... sướng,... vui... vẽ... cuộc... sống... đẹp”.
Trải qua bảy năm thành lập, lớp vẽ đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đột quỵ, chấn thương sọ não. Ban đầu, các bệnh nhân bước vào chỉ theo lời khuyên của bác sĩ, cứ ngồi buồn bã. Nhưng nhờ người hỗ trợ, rồi bệnh nhân vào trước bắt chuyện với bệnh nhân vào sau, họ đã cùng dìu nhau qua nghịch cảnh.
Chất lượng sống tốt hơn
Là một trong những người thành lập lớp vẽ, tiến sĩ Lê Khánh Điền cho hay, bệnh nhân đột quỵ (tai biến mạch máu não) ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây, hầu hết bệnh nhân đột quỵ là ở độ tuổi 70-80, thì nay vẫn có bệnh nhân chỉ khoảng 30-40 tuổi, đang là lao động chính trong gia đình. Hầu hết người bệnh khi được cứu sống phải đối mặt với nhiều di chứng như đi đứng khó khăn, tay cử động không được, nuốt khó, khó kiểm soát tiểu. Thêm phần rất nhiều người không thể nói được sau cơn tai biến nên rất tự ti, mặc cảm. Đa số sẽ tự cô lập mình. Cũng có nhiều bệnh nhân chuyển biến tâm lý dữ dội, dễ nổi nóng…
Do đó, theo tiến sĩ Lê Khánh Điền, “điều quan trọng sau cơn bạo bệnh, ngoài được tập vật lý trị liệu, người bệnh còn phải luyện tập về âm ngữ trị liệu. Vẽ cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ người bệnh thực hành các bài tập phục hồi thông qua giao tiếp. Ít nhiều, người bệnh hiểu được phải cần thời gian lâu dài, từ đó nỗ lực, kiên nhẫn tập luyện”. Ban đầu, hầu hết mọi người nghĩ mình vẽ không được, nhưng khi đã cầm được cọ, vẽ được những nét cơ bản, đa số mọi người có sự tập trung, “kích hoạt” sự cố gắng, ý chí rất phi thường. Cho đến khi bức vẽ đầu tiên hoàn thành, thì lập tức rào cản về bệnh tật được xóa bỏ...
Ở lớp vẽ, người bệnh cũng cảm thấy thoải mái hơn, không cảm thấy đơn độc, không có cảm giác bị thương hại hay mình là người khuyết tật. Người nhà cũng không phải lo lắng khi ngoài sinh viên hai trường Đại học Kiến trúc TPHCM và Đại học Sài Gòn hướng dẫn hội họa cơ bản, còn có bác sĩ túc trực, hỗ trợ khi bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Sau một thời gian, mọi người có sự liên kết nhau qua các bức tranh, nhất là cảm nhận sự tiến triển trong sức khỏe, tự tin giao tiếp, nói chuyện nhiều hơn mặc dù nói rất khó.
Tiến sĩ Lê Khánh Điền nói thêm: “Do còn ít người theo học nên về y học, chưa có chứng cứ rõ ràng cho thấy vẽ tranh điều trị được di chứng sau đột quỵ, nhưng hiện tại lớp vẽ được xếp vào nhóm ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu. Quan trọng, về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt nhất là ngôn ngữ và cảm xúc”. Điển hình nhiều bệnh nhân đã có thể nói được, tự đi tập luyện như ông N. một mình đi hai tuyến xe từ Vũng Tàu đến lớp. Hay hai cha con bệnh nhân ở một tỉnh miền Tây cũng đều đặn đến khoa.
Hiện tại, ngoài bệnh nhân đột quỵ, lớp vẽ còn hướng dẫn cho người bị u não, chấn thương sọ não, một số cụ già có dấu hiệu sa sút trí tuệ. Thậm chí, lớp từng dạy cho một nhóm bệnh nhân bị chậm phát triển từ 18 đến hơn 20 tuổi… cũng đã cho thấy hiệu quả về chất lượng cuộc sống.
Lớp vẽ được miễn phí hoàn toàn để bệnh nhân có thể tập luyện thường xuyên. Nếu người bệnh ngưng luyện tập, kết quả đạt được trước đó sẽ giảm hoặc mất đi. Nếu chưa có điều kiện trở lại lớp học, người nhà nên khuyến khích người thân tập luyện tại nhà, không nên dừng lại sẽ uổng phí các nỗ lực trước đó. |
Phạm An