Bệnh nhân đột quỵ lo mất giờ vàng, bệnh viện không chuyên lại muốn giữ bệnh

18/12/2018 - 06:00

PNO - Trong những giây phút hốt hoảng vì cơn tai biến mạch máu não, ít ai phân vân nghĩ về chuyện: liệu nơi mình đưa người thân đến có đủ sức cứu chữa hay không?

Tại một hội thảo về điều trị đột quỵ tổ chức vào tháng 11/2018 ở TP.HCM, TS.BS. Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - thẳng thắn cho rằng: có một số bệnh viện không có quy trình điều trị đột quỵ nhưng vẫn tiếp nhận, giữ bệnh nhân. Sau đó, nếu bệnh viện có chuyển viện thì cũng chỉ cho bệnh nhân chụp CT Scanner, MRI (cộng hưởng từ)… làm mất giờ vàng điều trị cho bệnh nhân.

Cấp cứu đột quỵ: Lòng vòng rồi cũng về tuyến cuối

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
 

Những chiếc xe cấp cứu lao nhanh trong đêm, mang theo niềm hy vọng cứu mạng người đột quỵ. Nhưng trên thực tế, những câu chuyện chúng tôi nghe được là nhiều thân phận bị tàn phế vì lòng vòng chuyển viện…

Hành lang khu vực hồi sức của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) tập trung nhiều thân nhân bệnh nhân đột quỵ. Ngày qua ngày, họ hết nằm rồi ngồi, đưa mắt trông ngóng qua khe cửa để chờ đợi người thân tỉnh lại, trở về với gia đình mình.

Tiếp chuyện chúng tôi là một vài phụ nữ đứng tuổi mong ngóng chồng mình được xuất viện để cùng về lại quê nhà. Trước khi vào đây, chị phải trải qua nhiều chuyến xe cứu thương bão táp để cứu chồng thoát khỏi cơn mê man do đột quỵ. 

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
Chờ đợi người thân đang điều trị tai biến mạch máu não ở khu vực hồi sức BV Nhân dân 115 (TP.HCM)

Trải chiếc chiếu nhỏ, bà La Thị Gái (60 tuổi, nhà ở tận huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) chép miệng kể: “Sau khi ăn cơm tối xong, ông chồng tôi đang ngủ bỗng tỉnh dậy, đi đi lại lại, than trời nóng. Sau đó ổng vào ngủ lại thì tôi thấy một bên mặt bị méo, không nói được tiếng nào nữa. 

"Đã 10 ngày nay, ngày nào tôi cũng trải chiếu sát cửa ra vào phòng mổ chờ ổng tỉnh lại. Già rồi... buông bỏ mọi thứ, chỉ mong ổng tỉnh lại để nhìn mặt nhau. Dù ổng trở về chỉ nằm một chỗ, không đi đứng được nữa" - bà Gái ứa nước mắt.

Mất 10 phút để bà Gái đưa chồng đến Bệnh viện huyện Thốt Nốt. Thay vì chuyển đến các cơ sở y tế có quy trình tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ thì bệnh viện này lại mất thêm 30 phút để chuyển chồng bà đến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang – nơi cách nhà bà Gái khoảng 17km.

Sau khi chụp CT, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang cho rằng chồng bà Gái bị vỡ mạch máu não, vượt quá khả năng điều trị. Và đến 1 giờ sáng, chồng bà được chuyển tiếp lên TP.HCM. Như vậy từ 9 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, xe cấp cứu chở chồng bà Gái mới chạm cổng Bệnh viện Nhân dân 115.

Thời gian vàng để bác sĩ can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ nhưng chồng bà Gái đã mất đến 8 giờ di chuyển qua 3 bệnh viện.

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
Bệnh nhân đột quỵ đang được chăm sóc tại BV Nhân dân 115

Nghe câu chuyện của bà Gái, chị N.T.M.T. (32 tuổi, nhà ở Nha Trang, có chồng đang điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115) bức xúc: "Cách đây 1 tháng, khi vừa sinh em bé 2 ngày, chồng tôi bị đột quỵ. Nhà gần Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nên chỉ 10 phút, chồng tôi được đưa vào bệnh viện. Nhưng bác sĩ nói đã vỡ mạch máu não, không cứu được. Chồng nằm 3 ngày, bệnh viện trả về".

Lúc này, gia đình chị T. không đem về nhà mà xin bệnh viện chuyển vào TP.HCM thử vận may. Bác sĩ ở TP.HCM khi tiếp nhận cũng tư vấn khả năng cứu sống chỉ còn 1% vì nhập viện quá trễ.

Như phép màu, sau ca phẫu thuật não, chồng chị T. được bắt đầu hồi tỉnh, ăn chậm, nhai được dù 2 chân vẫn còn liệt, nhận thức lúc tỉnh lúc mê. Nhưng gia đình chị vui mừng anh sẽ sớm xuất viện về nhìn mặt con.

Chị T. nhẩm tính: "Nha Trang cách TP.HCM 430km. Khoảng cách này nếu di chuyển bằng xe cứu thương cũng phải ít nhất 6-7 giờ đồng hồ. Đường xa khiến bệnh nhân khó nắm cơ hội được sống. Nhưng với trường hợp của chồng tôi, nếu chuyển từ Nha Trang vô thẳng TP.HCM có khi cơ may hồi phục sẽ nhiều hơn là nằm ở bệnh viện không có quy trình điều trị đột quỵ suốt 3 ngày".

Khi đột quỵ, mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
Chăm sóc cho bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não)

TS.BS. Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM - cảnh tỉnh: Vấn đề quan trọng của cấp cứu đột quỵ là thời gian. Người bị đột quỵ do tắc động mạch lớn nên mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi. Nếu sau 6 giờ, việc điều trị tái thông mạch máu sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, bệnh viện nào không xử lý được ca bệnh thì nên nắm rõ các bệnh viện có quy trình điều trị đột quỵ để chuyển viện kịp thời, tránh chuyển lòng vòng hay giữ bệnh.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, quy trình chuẩn nhất để cứu mạng bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 30 phút phải chụp CT não, trong vòng 45 phút phải tìm ra nguyên nhân đột quỵ để đưa ra phương án tiêm thuốc tan cục máu đông hay can thiệp tái thông mạch máu não. 

Cũng theo bác sĩ Cường, một bệnh viện có quy trình điều trị đột quỵ phải có ít nhất một máy CT scan để xác định bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não hay nhồi máu não.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tiêm đánh tan cục máu đông (do tắc nghẽn mạch máu nhỏ) trong thời gian vàng nhập viện thì bệnh viện phải thực hiện được  kỹ thuật tái thông mạch máu não dưới điều khiển của máy DSA (máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền) do tắc nghẽn các mạch máu lớn. Hiện nay rất ít bệnh viện làm được kỹ thuật DSA.

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
Một ca can thiệp nội mạch có sử dụng máy DSA để cứu chữa bệnh nhân đột quỵ

TS.BS. Trần Chí Cường nói rằng ngay ở tại TP.HCM có không quá 10 bệnh viện có đủ cả 2 kỹ thuật này. Còn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết chỉ mới điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (đánh tan cục máu đông), chứ chưa có phẫu thuật. 

“Cấp cứu đột quỵ ở Việt Nam là một khoảng trống còn bỏ ngỏ rất rộng. Vì vậy, các cơ sở y tế ở địa phương nếu không có quy trình điều trị đột quỵ đầy đủ nên thương người dân mà cho họ chuyển viện sớm, bằng không sẽ giết bệnh nhân thêm lần nữa", bác sĩ Cường trăn trở.

Benh nhan dot quy lo mat gio vang, benh vien khong chuyen lai muon giu benh
TS.BS. Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM: Đột quỵ gồm 2 dạng: xuất huyết não và nhồi máu não; trong đó nhồi máu não chiếm 70% - 80%. Theo phác đồ mới nhất của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (năm 2015): Chỉ định can thiệp nội mạch DSA lấy huyết khối trong nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn nội sọ (trong 6 giờ vàng) là chỉ định được chứng minh rất có lợi và tốt hơn so với phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI