Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV đã qua đời vì bệnh ung thư

30/09/2020 - 22:27

PNO - Timothy Ray Brown, hay còn gọi là "bệnh nhân Berlin", người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV, vừa qua đời ở tuổi 54 vì ung thư.

Brown qua đời hôm thứ Ba 29/9 tại nhà riêng ở Palm Springs, California, Mỹ. Thông tin này được chia sẻ từ người bạn đời của anh - Tim Hoeffgen.

Nguyên nhân là do sự tái phát của bệnh ung thư, dù Brown đã thực hiện cấy ghép tế bào gốc và tủy xương vào năm 2007 – 2008. Suốt nhiều năm, tưởng chừng anh đã loại bỏ được cả bệnh ung thư bạch cầu và HIV.

Gero Huetter - bác sĩ tại Berlin, người dẫn đầu cuộc điều trị lịch sử của Brown - cho biết: “Timothy Ray Brown là biểu tượng cho tính khả thi về việc loại bỏ HIV trong một số trường hợp đặc biệt” - điều mà trước đó nhiều nhà khoa học cho là không thể.

Bác sĩ Huetter, người hiện là giám đốc y tế của một công ty tế bào gốc ở Dresden, Đức, nói thêm: “Đây là một tình huống rất đáng buồn khi bệnh ung thư quay trở lại và cướp đi mạng sống của anh ấy, vì anh ấy dường như vẫn âm tính HIV”.

Hiệp hội AIDS Quốc tế, nơi Brown từng phát biểu sau khi điều trị thành công, đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của anh, nói rằng họ “rất biết ơn" vì anh cùng bác sĩ Huetter đã thúc đẩy những nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh HIV.

Timothy Ray Brown từng nói rằng anh không muốn là người duy nhất được chữa khỏi HIV, và mong đợi y học có thể làm điều đó cho tất cả những ai đang mắc phải căn bệnh thế kỷ.
Timothy Ray Brown từng nói rằng anh không muốn là người duy nhất được chữa khỏi HIV và mong đợi y học có thể làm điều đó cho tất cả những ai đang mắc phải căn bệnh thế kỷ.

Brown được chẩn đoán nhiễm HIV khi anh đang làm phiên dịch ở Berlin và sau đó là bệnh bạch cầu vào những năm 90. Khi đó, cấy ghép được biết đến là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh ung thư máu, nhưng Huetter muốn cố gắng chữa khỏi bệnh HIV bằng cách sử dụng gen của một người hiến tặng (có đột biến gen hiếm) mang khả năng đề kháng tự nhiên đối với HIV.

Ca cấy ghép đầu tiên của Brown vào năm 2007 chỉ thành công một phần: HIV dường như đã biến mất nhưng bệnh bạch cầu thì không. Anh được cấy ghép lần thứ hai vào năm 2008 và ca cấy ghép đó thành công.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Brown tiết lộ bệnh ung thư đã quay trở lại vào năm 2019: “Tôi vẫn vui vì tôi đã ngã bệnh. Điều đó mở ra những cánh cửa chưa từng có trước đây và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học làm việc chăm chỉ hơn để tìm ra phương pháp chữa trị”, anh nói.

Người đàn ông đặc biệt thứ hai, Adam Castillejo - được gọi là "bệnh nhân London" cho đến khi công khai danh tính của mình vào đầu năm 2020 - cũng được cho là đã chữa khỏi HIV nhờ một ca cấy ghép tương tự như Brown vào năm 2016.

Vì những người hiến tặng mang gen đột biến rất hiếm và việc cấy ghép có rủi ro về mặt y tế, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm liệu pháp gen và các cách khác để cố gắng đạt được hiệu quả tương tự.

Tại một hội nghị về AIDS vào tháng 7, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể kìm hãm bệnh lâu dài ở một người đàn ông Brazil bằng cách sử dụng kết hợp các loại thuốc giúp loại bỏ vi-rút HIV khỏi cơ thể bệnh nhân.

Mark King, một người đàn ông tại Baltimore (Mỹ) viết trên blog cá nhân rằng, Brown “là hình mẫu vực dậy những người nhiễm HIV, giống như tôi”, và là hiện thân của hy vọng được chữa khỏi.

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI