Bệnh nhân COVID-19 số 152: “Tôi mừng vì không lây nhiễm cho ai”

09/04/2020 - 17:36

PNO - Về nhà, bệnh nhân số 152 chỉ mua thức ăn bằng tài khoản thẻ và chờ shipper đi xa mới dám lấy hàng.

Ngày 8/4 là ngày đặc biệt của K.- bệnh nhân mắc COVID-19 số 152 bởi khi cô được xuất viện thì cha mẹ cô ở khu cách ly cũng được về nhà.

17 ngày điều trị ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ cùng những cảm xúc từ lúc biết tin em trai, rồi tới mình, là bệnh nhân liên quan tới quán bar Buddha, với K. vẫn như một cuốn phim.

Ngày 8/4, K cùng 2 bệnh nhân khác được ra viện
Ngày 8/4, K. cùng 2 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài được ra viện
K đã được về căn phòng của mình sau 17 ngày điều trị tích cực (Ảnh NVCC)
K đã được về căn phòng của mình sau 17 ngày điều trị tích cực (Ảnh NVCC)

Là chị của nam bệnh nhân 127 (nhân viên quán bar Buddha, Q.2, TP.HCM), khi biết nơi em trai làm việc có người nhiễm bệnh, K. đã chủ động xin được làm việc ở nhà, đồng thời thông báo cho mọi người trong công ty và người thân được biết.

Em trai K. cách ly ngày Chủ nhật, sáng Thứ 2 có kết quả dương tính cũng là lúc K. được đưa đi cách ly và tối Thứ 3 có kết quả.

Chia sẻ trên Facebook, cô gái viết: “Khi bạn bệnh hay người thân của bạn bệnh, bạn sẽ được đưa đi một mình. Sự cô đơn và nỗi sợ là có thật khi không có gia đình bên cạnh. Bác sĩ sẽ đến thăm bạn mỗi ngày nhưng người tự lo liệu mọi thứ, tự chăm bản thân và tự động viên chính mình lớn nhất lại không ai khác ngoài bạn”.

Sự nhiệt tình cả đội ngũ y bác sĩ và các tình nguyện viên, cùng dòng chữ Quyết thắng COVID họ đội là nguồn động viên tinh thần to lớn với những bệnh nhân như cô(Ảnh NVCC)
Sự nhiệt tình cả đội ngũ y bác sĩ và các tình nguyện viên, cùng dòng chữ "Quyết thắng COVID" họ đội  trên mũ là nguồn động viên tinh thần to lớn với những bệnh nhân như cô(Ảnh NVCC)

Mặc dù mắc bệnh, nhưng điều khiến K. mừng tính tới phút này, không có ai nhiễm COVID-19 từ chị em cô. Điều này theo K., “là do chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ” và kiến thức phòng tránh lây lan luôn được Bộ Y tế khuyến cáo cũng như ý thức của những người xung quanh.

 

Những bữa cơm ngon, nước uống nóng sẽ mãi là những gì K không thể quên(Ảnh NVCC)
Những bữa cơm ngon, nước uống nóng sẽ mãi là những gì K. không thể quên(Ảnh NVCC)

Bản thân K. cũng bất ngờ nhận được thư hỏi thăm của giám đốc khu vực và chủ tịch tập đoàn nơi cô làm việc. Cùng với đó là những tin nhắn động viên của quận, phường, thành phố và rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp.

Nằm trên giường bệnh, cô như được hỗ trợ những liều thuốc tinh thần để khỏi thấy mặc cảm tự ti.

Ở viện, K vẫn  tập Yoga để có sức khỏe tốt (Ảnh NVCC)
Ở bệnh viện, K. vẫn tập Yoga để có sức khỏe tốt (Ảnh NVCC)

7 ngày đầu K. được truyền thuốc liên tục, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính, nhưng những ngày sau, qua 3 lần xét nghiệm tiếp theo, cô vui mừng đón kết quả âm tính, và càng vui hơn khi biết em trai đang có tiến triển tốt, cha mẹ cũng chuẩn bị được về nhà.

K. tranh thủ phơi nắng ở hành lang cách ly (Ảnh NVCC)
K. tranh thủ phơi nắng ở hành lang cách ly (Ảnh NVCC)

Mới từ viện trở về, K đã phải tự tay dọn dẹp nhà cửa vì “có thuê cũng không ai dám làm”. Em trai vào quán bar làm việc là để muốn trau dồi ngoại ngữ với hy vọng năm nay sẽ thi vào ngành hàng không, nhưng lại bị một số người không hiểu trách móc “làm gì mà để lây bệnh”. Cô nói “cũng may tụi em không lây cho ai, nếu có phản ứng của mọi người cũng sẽ khác”.

Không lo cho bản thân, vì dù sao cô vẫn đang có công việc, công ty cũng hết lòng hỗ trợ và thông cảm, tạo mọi điều kiện tốt nhất. Nhưng với em trai, cô lo ngại “nếu được xuất viện không biết cậu ấy sẽ làm gì khi quán bar đóng cửa, cùng với ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh". Rồi "Mẹ kinh doanh hàng ăn, liệu người ta có tới ăn nữa không khi biết có 2 đứa con nhiễm COVID?”.

Hiện tại, K. sống một mình vì không muốn ba mẹ vất vả. Ở nhà cô mua khăn giấy diệt khuẩn, thường xuyên lau tay nắm cửa, cầu thang... Thức ăn, đồ dùng cô đều đặt hàng qua mạng và thanh toán chuyển khoản. Nếu có giao hàng thì người giao sẽ treo trước cửa, họ đi được mấy phút thì cô xuống lấy. Khi cán bộ y tế phường xuống hỏi thăm, dặn dò, cô đeo khẩu trang và đứng ở khoảng cách xa.

Ly cà phê bọt biển cô tự làm lúc được về nhà (Ảnh NVCC)
Ly cà phê bọt biển cô tự làm lúc được về nhà (Ảnh NVCC)

Lời nhắn nhủ của K. với bạn bè là: “Mọi người không nên chủ quan và nghĩ dịch bệnh còn xa mình. Số ca nhiễm cả nước mình còn ít so với thế giới đó là vì nỗ lực của tất cả mọi người chứ không phải là tự nhiên. Muốn mọi thứ quay lại như bình thường, càng phải quyết tâm dập được dịch. Với những bạn không may mắc bệnh, đừng quá bi quan. COVID không phải án tử, khi hiện tại với số ca bệnh này nước ta vẫn đủ nhân lực để chăm sóc và chữa trị cho mọi người”.

K đã khỏi nhờ lạc quan, cố gắng ăn uống, uống thuốc đúng giờ, nghe lời khuyên của bác sĩ. “Thay vì buồn và mãi nghĩ về chuyện “bị kỳ thị”, hãy biết ơn vì bạn còn gia đình và tất cả những người đã ủng hộ quan tâm bạn”, đó là điều K. luôn nhắc nhở mình.

                                        Lâm Hoàng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • VN 09-04-2020 23:14:44



    Một bài viết hay, rất hay !!!
    Lời nhắn nhủ rất đáng để suy ngẫm : “Mọi người không nên chủ quan và nghĩ dịch bệnh còn xa mình. Số ca nhiễm cả nước mình còn ít so với thế giới đó là vì nỗ lực của tất cả mọi người chứ không phải là tự nhiên. Muốn mọi thứ quay lại như bình thường, càng phải quyết tâm dập được dịch. Với những bạn không may mắc bệnh, đừng quá bi quan. COVID không phải án tử, khi hiện tại với số ca bệnh này nước ta vẫn đủ nhân lực để chăm sóc và chữa trị cho mọi người”.
    Cảm ơn K. và chuyên mục !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI