Bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục vẫn còn các triệu chứng sau đó một năm

27/08/2021 - 09:18

PNO - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 26/8 cho biết, sau 12 tháng hồi phục, 20% bệnh nhân COVID-19 vẫn gặp phải các triệu chứng, phổ biến nhất là mệt mỏi hoặc yếu cơ, 17% bệnh nhân khó ngủ và 11% bị rụng tóc.

 

Nghiên cứu theo dõi hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện từ bệnh viện ở Vũ Hán từ tháng 1 đến tháng 5/2020 - Ảnh: AP
Nghiên cứu theo dõi hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện ở Vũ Hán từ tháng 1 đến tháng 5/2020 - Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ các bệnh viện ở Bắc Kinh và Vũ Hán tập trung vào các bệnh nhân đã điều trị COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi các trường hợp đầu tiên mắc bệnh được báo cáo vào cuối năm 2019.

Một năm sau khi khỏi bệnh, gần một nửa trong số 1.276 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở Vũ Hán vẫn còn các triệu chứng, đặc biệt là suy giảm chức năng phổi và các bất thường về phổi, tình trạng sức khỏe hiện tại của họ thậm chí còn kém hơn những người không mắc COVID-19.

Mặc dù hầu hết bệnh nhân khỏi các triệu chứng sau một năm, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy gần một nửa (49%) gặp ít nhất một triệu chứng liên tục, trong đó mệt mỏi hoặc yếu cơ là triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất ở 20% bệnh nhân.

Sau một năm hồi phục, gần 1/3 bệnh nhân vẫn còn khó thở, và trong số ít bệnh nhân được chụp CT ngực và kiểm tra chức năng phổi, một số lượng đáng kể cho thấy các dấu hiệu bất thường ở phổi và suy giảm chức năng không được cải thiện sau 6 tháng.

Những vấn đề này phổ biến hơn ở những bệnh nhân cần máy thở khi nằm viện. 54% cho thấy chức năng phổi bị suy giảm và 87% cho thấy bất thường trên phim chụp, nhưng không gặp nhiều ở những bệnh nhân không cần máy thở (chỉ có 23% bị suy giảm chức năng phổi và 39% có bất thường phổi).

Nghiên cứu cũng cho thấy, 12 tháng sau khi xuất viện, một số bệnh nhân đang hồi phục gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi có đến 26% bị lo lắng và trầm cảm (tăng 3% so với thời điểm xuất viện 6 tháng, và lớn hơn nhiều so với những người không mắc COVID-19 (5%).

Bác sĩ Xiaoying Gu, Viện Khoa học Y tế Lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản ở Bắc Kinh, một trong những tác giả của bài báo, nêu ra câu hỏi chưa có lời giải đáp là “không biết tại sao sau một năm các triệu chứng tâm thần lại phổ biến hơn một chút ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh”.

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng kêu gọi cần có các nghiên cứu với quy mô lớn hơn để hiểu những hậu quả lâu dài của COVID-19, và hỗ trợ nhiều hơn cho các bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Thanh Hiền (theo SCMP, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI