Bệnh nhân COVID-19 cần lưu ý gì khi điều trị tại nhà?

27/08/2021 - 06:54

PNO - TPHCM có hơn 45.000 ca F0 (mắc COVID-19) đang được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Theo các chuyên gia, việc điều trị tại nhà đối với các trường hợp bệnh nhẹ, ít triệu chứng giúp giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, gần đây, một số trường hợp F0 có diễn tiến bệnh nặng hơn do tự mua hoặc dùng thuốc điều trị không theo chỉ định, áp dụng các phương pháp theo dõi sức khỏe không đúng cách.

Những ngày qua, trên mạng xã hội, xuất hiện hình thức bán combo (bộ, gói chứa nhiều loại) thuốc điều trị F0 tại nhà với giá từ 400.000-500.000 đồng. Ngoài ra, nhiều người cũng lùng mua các loại thuốc kháng đông, kháng viêm thủ sẵn trong nhà để F0 sử dụng. Các nhà chuyên môn cảnh báo, việc dùng thuốc điều trị không theo hướng dẫn sẽ “lợi bất cập hại”.

Đủ loại combo thuốc điều trị

Các tình nguyện viên ở Q.Tân Bình mang thuốc đến hỗ trợ F0 điều trị tại nhà ẢNH: HCDC
Các tình nguyện viên ở quận Tân Bình mang thuốc đến hỗ trợ F0 điều trị tại nhà - Ảnh: HCDC

Chị Nguyễn Hằng (quận Bình Tân) cho biết, gần đây, trên nhóm (group) Facebook của chung cư nơi chị đang sống, có nhiều người rao bán combo thuốc điều trị COVID-19 tại nhà với đủ loại giá: 200.000, 400.000, 500.000 đồng. Trong đó, gói combo 400.000 và 500.000 đồng được khá nhiều người chọn mua vì theo người bán, đây là combo có các loại thuốc kháng viêm và kháng đông máu theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM.

Xem qua combo 500.000 đồng, một bác sĩ đang công tác ở TPHCM nhận xét: “Các loại thuốc trong gói này đúng là theo hướng dẫn về thuốc điều trị F0 tại nhà của Sở Y tế TPHCM. Tuy nhiên, giá bán khá đắt. Hơn nữa, khó biết được chất lượng thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi trên mạng. Hơn nữa, mới đây, Công an TPHCM triệt phá đường dây sản xuất hàng ngàn viên thuốc điều trị COVID-19 giả trong nhà vệ sinh”.

Được biết, toa thuốc điều trị cho F0 tại nhà được chia sẻ gần đây thường bao gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống. Trong đó, thuốc kháng viêm và kháng đông được nhiều người lùng mua thủ sẵn trong nhà để phòng trường hợp bất trắc.

Túi thuốc do ngành y tế Q.Tân Bình cấp phát để hỗ trợ các F0 đang điều trị tại nhà
Nhiều người đang mua tích trữ thuốc kháng đông và kháng viêm điều trị cho F0

Anh Lê Văn Khang (quận 6) cho biết, theo hướng dẫn của người quen, cùng với các loại thuốc thông thường, anh còn tìm mua thuốc kháng đông Rivaroxaban: “Tôi đi đến nhiều tiệm thuốc hỏi mua mà không có hoặc hết hàng. Sau đó, tôi nhờ một người quen mua giùm hộp thuốc Rivaroxaban với giá hơn 1 triệu đồng. Thuốc này chỉ dùng khi bị nặng nhưng mình cứ thủ sẵn cho yên tâm”.

Dùng thuốc phải đúng lúc, đúng liều

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, các dược sĩ thuộc tổ dược lâm sàng, Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong toa thuốc hướng dẫn điều trị F0 tại nhà cho người trên 18 tuổi của Sở Y tế TPHCM, có các thuốc corticosteroid đường uống (như dexamethason, methylprednisolon, prednisone…) được khuyến cáo dùng trong trường hợp người bệnh khó thở hoặc SpO2 (saturation of peripheral oxygen, tức độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, hoặc tỷ lệ hemoglobin có chứa ô-xy) dưới 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để hỗ trợ kịp thời.

Điều này cần được đặc biệt chú ý vì không phải người bệnh COVID-19 nào cũng nên sử dụng các thuốc này. Việc tự ý sử dụng không theo khuyến cáo có thể gây nguy hiểm.

Theo một nghiên cứu tại Anh năm 2020, dexamethason chỉ mang lại lợi ích trên những bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như thở oxy, thông khí cơ học xâm lấn; còn những bệnh nhân không cần hỗ trợ hô hấp, việc dùng dexamethason không cho thấy bất kỳ lợi ích nào, lại còn có thể gây hại.

Nghiên cứu cũng cho thấy, dexamethason giúp giảm tỷ lệ tử vong trên những bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc sau hơn bảy ngày khởi phát triệu chứng hơn là đối với những bệnh nhân vừa mới khởi phát triệu chứng. 

Bác sĩ Học viện Quân y tham gia Trạm y tế lưu động đến khám chữa bệnh tại nhà cho người mắc COVID-1 ở phường 14, quận Tân Bình Ảnh: Hoàng Tuyết
Bác sĩ Học viện Quân y tham gia Trạm y tế lưu động đến khám chữa bệnh tại nhà cho người mắc COVID-19 ở phường 14, quận Tân Bình - Ảnh: Hoàng Tuyết

Các thuốc corticosteroid có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng thứ phát, rối loạn tâm thần… Vì vậy, những bệnh nhân vốn đã có sẵn những bệnh nền như đái tháo đường, viêm loét dạ dày, tiền căn xuất huyết tiêu hóa cần thận trọng khi dùng các thuốc này và cần được nhân viên y tế tư vấn.

Các dược sĩ tổ dược lâm sàng nói trên cảnh báo: “Việc bệnh nhân tự ý mua thuốc, dùng các thuốc corticosteroid không đúng thời điểm, không đúng liều có thể gây ức chế đáp ứng miễn dịch ở người bệnh, làm giảm khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Điều này có thể gây hại, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh khi mà virus tăng sinh và cơ thể cần miễn dịch để chống lại chúng”.

Toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà của Sở Y tế TPHCM có đề cập đến các loại thuốc kháng đông đường uống (rivaroxaban, apixaban và dabigatran) nên nhiều người đã tìm mua để dùng cho F0. Tuy nhiên, loại thuốc này được dùng cho người có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở, SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Tổ dược lâm sàng hướng dẫn: “Khi gặp tình trạng suy hô hấp và đã tự mua thuốc kháng đông uống, người bệnh cần liên hệ với các cơ sở y tế để được hỗ trợ sớm nhất. Không tự điều trị bằng kháng đông uống kéo dài và khi đến cơ sở y tế, phải thông báo cho nhân viên y tế biết loại cũng như liều thuốc kháng đông và thời điểm uống thuốc”.

Bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà cũng rất cần được tư vấn tâm lý để yên tâm điều trị. (Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại) - Ảnh: Phạm An
Bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà cũng rất cần được tư vấn tâm lý để yên tâm điều trị. (Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại) - Ảnh: Phạm An

Người nhiễm COVID-19 có tiền sử bản thân hay gia đình bị huyết khối, béo phì, mang thai, suy tim, tuổi trên 70, ung thư hoạt động hay phẫu thuật lớn trong ba tháng gần đây cần sinh hoạt lành mạnh, duy trì vận động, luyện tập đều đặn với cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh bất động để tránh gây tăng đông máu.

Người nhiễm COVID-19 cũng cần lưu ý các biểu hiện của hiện tượng đông máu như đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khu trú, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng, đau và phù. Các triệu chứng này thường biểu hiện ở mức độ nặng, dai dẳng và tái diễn. Khi gặp những tình trạng này, cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Không nên đo SpO2 bằng đồng hồ, điện thoại

Các bác sĩ khuyến cáo, việc xác định chỉ số SpO2 rất có ý nghĩa trong việc theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Tuy nhiên, không ít người đã gặp rắc rối vì dùng thiết bị đúng nhưng đo sai cách hoặc dùng đồng hồ, điện thoại để đo.

Các F0 điều trị tại nhà nên dùng thiết bị  chuyên dụng để đo chỉ số SpO2  thay vì đồng hồ, điện thoại - ẢNH: BẢO TÙNG
Các F0 điều trị tại nhà nên dùng thiết bị chuyên dụng để đo chỉ số SpO2 thay vì đồng hồ, điện thoại - Ảnh: Bảo Tùng

Theo các bác sĩ, việc đo chỉ số SpO2 bằng đồng hồ, điện thoại cho kết quả không chính xác, dẫn đến hiểu sai tình trạng bệnh. Ví dụ, đo trên điện thoại cho kết quả chỉ số SpO2 dưới 95%, bệnh nhân lầm tưởng đây là kết quả đúng nên sử dụng thuốc dexamethason. Điều này không giúp ích cho bệnh nhân mà ngược lại còn làm giảm khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể hoặc khiến tình trạng bệnh phức tạp hơn do sử dụng thuốc không đúng thời điểm.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Phan Vũ Anh Minh (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), hiện nay, trên đồng hồ, điện thoại đều có ứng dụng (app) đo SpO2 nhưng hầu hết cho kết quả không chính xác. Do đó, không nên dùng các app này để đánh giá tình trạng bệnh. Chính nhà sản xuất các app này cũng nhấn mạnh trong phần mô tả app rằng “không được sử dụng các kết quả đo này vào mục đích lâm sàng”.

Thạc sĩ - bác sĩ Phan Vũ Anh Minh khuyến cáo: “Các bệnh nhân F0 không nên dùng app trên đồng hồ, điện thoại để thay thế thiết bị đo SpO2 chuyên dụng”. 

Đo SpO2 sao cho đúng cách?

Chỉ số SpO2 là một trong các thông số giúp đánh giá và theo dõi mức độ suy hô hấp của người mắc COVID-19, đồng thời giúp theo dõi việc đáp ứng điều trị với oxy của người bệnh, giúp điều chỉnh nồng độ oxy trong khí hít vào cho phù hợp.

Điều cần chú ý là các kết quả đo có thể không chính xác đối với những người đã từng sử dụng thuốc cản quang, những người có nồng độ hemoglobin bất thường, những người ngộ độc carbon monoxide và ngộ độc các chất gây methemoglobin, những người bị hạ huyết áp, co thắt mạch máu nghiêm trọng, thiếu máu hoặc hạ thân nhiệt.

Cũng cần lưu ý, chỉ số SpO2 không phải là dấu hiệu để nhận biết sớm một người mắc COVID-19. Có nghĩa là, không phải đo SpO2 thường xuyên trong ngày là có thể phát hiện sớm mình bị nhiễm COVID-19 vì hầu hết F0 (khoảng 80%) không có triệu chứng gì hoặc chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và không giảm SpO2. Các bệnh nhân diễn biến nặng mới giảm SpO2.

Khi tự theo dõi sức khỏe tại nhà, các F1 (nghi mắc COVID-19) không cần phải sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Các F0 không có triệu chứng được phép tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để tự theo dõi diễn tiến bệnh. Khi sử dụng máy đo nồng độ oxy, để các thông số được chính xác, khi đo, không được cử động ngón tay đang được kẹp. Ngoài ra, không được sơn móng tay, dùng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Móng tay không được quá dài. 

Các ngưỡng giá trị bình thường sẽ thay đổi đối với các trường hợp có tiền căn bệnh hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, suy tim, hoặc đo ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Những người bệnh có nguy cơ suy hô hấp nặng hơn cần được theo dõi sát SpO2, đặc biệt là vào ban đêm, để sớm phát hiện tình trạng bị tụt oxy nặng.

Các máy đo oxy có chức năng báo động khi giá trị SpO2 thấp hơn ngưỡng giá trị nhất định do chúng ta cài đặt. Do đó, không được tắt chức năng báo động của máy và phải chú ý cài đặt ngưỡng báo động chính xác.

Thạc sĩ - bác sĩ Phan Vũ Anh Minh

Hướng dẫn mới về điều kiện cách ly F0 tại nhà

Theo hướng dẫn ngày 25/8 của Sở Y tế TPHCM gửi các cơ sở y tế về việc cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”, người F0 mới (mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh dương tính) được phát hiện tại cộng đồng sẽ được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện như sau:

- Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ. Cụ thể, không bị suy hô hấp (chỉ số SpO2  ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút). Bên cạnh đó, F0 được cách ly ở nhà phải đáp ứng ít nhất một trong hai điều kiện như từ 1 - 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, béo phì và đã tiêm đủ hai mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên.

- Người F0 phải có khả năng tự chăm sóc, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế. Nếu F0 là trẻ em hoặc người không có khả năng tự chăm sóc thì phải có người hỗ trợ.

- Điều kiện cơ sở vật chất: phải có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, phòng phải có cửa sổ thông thoáng, có bàn đặt trước phòng để tiếp nhận đồ ăn và thuốc men, vật dụng cần thiết, trang bị thùng rác cá nhân có nắp đậy, túi rác đi kèm, nước sát khuẩn tay, bề mặt, nước súc họng, khẩu trang y tế, nhiệt kế. Ngoài ra, F0 còn phải có các số điện thoại của các cơ sở y tế để liên hệ khi cần.

Sở Y tế cũng hướng dẫn các cơ sở y tế sáu hoạt động chính để chăm sóc F0 tại nhà: xác định và lập danh sách F0 trên địa bàn; hướng dẫn người F0 cách tự chăm sóc sức khỏe; khám bệnh và theo dõi sức khỏe cho F0; hướng dẫn cho F0 cách sử dụng toa thuốc; xét nghiệm cho F0 tại nhà vào ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly, đồng thời làm xét nghiệm cho người ở cùng với F0 khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19; cuối cùng, hướng dẫn cho F0 khi có các dấu hiệu nguy hiểm để lập tức gọi cho 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh xã, phường, quận, huyện để được cấp cứu và chuyển tới bệnh viện kịp thời. 

Nhiều “kênh” hỗ trợ F0 điều trị tại nhà 

Tân Bình là quận có nhiều mô hình hay để hỗ trợ các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. Tại phường 5, chính quyền địa phương đã tập hợp các bác sĩ có chuyên môn điều trị COVID-19 để tư vấn cho các ca F0 trong phường nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

Bà Lê Thị Phương Thảo - Bí thư Đảng ủy phường 5, quận Tân Bình - cho biết phường có đội ngũ bác sĩ gia đình tương tác, tư vấn, hướng dẫn, điều trị triệu chứng, cấp phát thuốc theo toa cho bệnh nhân qua nhóm chat trên Zalo. Nếu F0 không có điều kiện mua thuốc, chính quyền địa phương sẽ cấp phát thuốc và giao tận nhà miễn phí.

Chính quyền phường đã và đang cung cấp máy đo nồng độ oxy trong máu cho các gia đình có F0 điều trị tại nhà để bác sĩ dễ theo dõi diễn tiến bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân trở nặng, sẽ có đội ngũ xung kích đến nhà cho thở oxy, cấp cứu. Nhờ mô hình này, nhiều F0 đã được cấp cứu kịp thời. 

Tại phường 1, với chương trình “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19”, trạm y tế phường đã trao nhiều túi thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 đến các F0 điều trị tại nhà, góp phần hỗ trợ điều trị, đồng thời động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.

F0 gặp khó khăn, gọi ngay tổ phản ứng nhanh hoặc y tế lưu động

Một lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết, quận có nhiều phương thức hỗ trợ F0 điều trị tại nhà như thành lập tổ phản ứng nhanh của phường, trạm y tế lưu động và công khai các số điện thoại này trên các trang mạng xã hội, đồng thời phổ biến đến tận các tổ dân phố. 

Được biết, hiện các địa phương cấp phường ở TPHCM đều có tổ phản ứng nhanh và trạm y tế lưu động để hỗ trợ F0. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, F0 hoặc thân nhân nên liên hệ tổ, trạm này để được hỗ trợ.

Bắt kẻ sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả

Ngày 20/8, phát hiện Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chở một thùng giấy nghi chứa tân dược giả, lực lượng của Công an TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu Terpincodein.

Thuận khai nhận đây là thuốc giả do Thuận tự mua nguyên liệu, tự làm rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Khám xét khẩn cấp tại ba địa điểm, công an đã tạm giữ hơn 630.000 viên tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất, gồm 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo-Codion, Augmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo-Codion; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…

Thanh Huyền - Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI