Bệnh nhân bị nghi nhiễm Ebola nói gì?

03/11/2014 - 15:54

PNO - PNO - Lên cơn sốt ngay sau khi trở về Việt Nam từ vùng tâm dịch Ebola, anh Chu Văn Chung trở thành bệnh nhân đặc biệt nhất trong những ngày qua. Anh lập tức được cách ly để theo dõi và điều trị vì nghi ngờ bị nhiễm bệnh Ebola. Một...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lời kể của người về từ vùng dịch

Sáng 3/11, Bệnh viện Đà Nẵng thông báo chính thức khẳng định bệnh nhân Chu Văn Chung (SN 1988, trú huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) không nhiễm bệnh Ebola. Bệnh nhân Chung nhiễm sốt rét và đang được điều trị tại Khoa Nhiệt đới của bệnh viện. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Nhiệt đới là người trực tiếp điều trị bệnh nhân Chung cho biết khu vực cách ly hiện đã được dỡ bỏ.

Benh nhan bi nghi nhiem Ebola noi gi?

Nụ cười thoải mái của anh Chung

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện để điều trị sốt rét và theo dõi Ebola đúng 21 ngày mới được xuất viện. Bác sĩ Hàm cho hay đây là quy định của Tổ chức Y tế thế giới đối với những người nghi nhiễm Ebola về từ vùng có dịch.

Sau hai ngày được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc, chữa trị, sức khỏe của anh Chung đã dần ổn định và hồi phục. Dù còn khá mệt nhưng anh Chung vẫn có thể tự mình ngồi dậy trên giường bệnh để trò chuyện với mọi người.

Anh Chung cho biết đã sang thủ đô Conakry (Guinea) làm thợ ảnh được hai năm. Năm 2014, do kinh tế khó khăn cộng với dịch Ebola bùng phát tại đất nước này nên công ty đưa nhân viên về nước. Chung và một đồng nghiệp cùng quê là hai người cuối cùng trở về.

“Ở Conakry (Guinea) tụi em được công ty thuê phòng trong một chung cư khá cao cấp. Lương của tụi em từ 700 - 800 USD/tháng nên có dư để gửi về quê. Chung cư nơi em sống có hơn 60 người Việt Nam làm việc, chủ yếu làm nghề khai thác hải sản. Thời điểm em về nước vẫn còn khoảng 50 người ở lại tiếp tục làm việc theo hợp đồng”, anh Chung cho biết.

Benh nhan bi nghi nhiem Ebola noi gi?

Bệnh nhân Chung đã khỏe mạnh nhưng vẫn đang được theo dõi

Anh Chung cho hay tại thủ đô Conakry (Guinea), chưa có người nhiễm Ebola. “Dịch bệnh chỉ xảy ra ở các làng quê. Việc kiểm soát rất chặt chẽ do quân đội thực hiện. Người ở vùng dịch không được đi ra ngoài và ngược lại. Mọi sinh hoạt ở thủ đô vẫn diễn ra bình thường, người dân không lo lắng nhiều về dịch bệnh vì thiếu thông tin. Nhiều người trong số họ không biết chữ để đọc báo, một phần khác thì không có điện nên không thể nghe radio. Tụi em cũng chỉ biết về dịch Ebola đang bùng phát tại Guinea và các nước Tây Phi thông qua báo chí Việt Nam”, anh Chung kể.

Hành trình từ Guinea về Việt Nam của anh Chung cùng bạn kéo dài 5 ngày, dài hơn dự kiến 3 ngày do máy bay bị trễ chuyến. Hai người phải quá cảnh tại sân bay Maroc và Quatar.

“Trước khi lên sân bay rời Guinea, tụi em được nhân viên y tế, nhân viên sân bay kiểm tra rất kỹ lưỡng. Họ bắn nhiệt độ, đo thân nhiệt tổng cộng 4 lần. Trước khi lên máy bay họ cũng kiểm tra lần cuối. Nếu nghi ngờ ai có triệu chứng của Ebola thì ngay lập tức bị cách ly. Ở sân bay Maroc, họ cũng thực hiện như ở Guinea nhưng ở Quatar thì hành khách không bị kiểm tra sức khỏe”, Chung cho biết.

Benh nhan bi nghi nhiem Ebola noi gi?

Khu vực dành cho bệnh nhân nghi nhiễm Ebola

Bị sốt rét vì nhiều muỗi

Anh Chung cho biết trên suốt hành trình về Việt Nam, bản thân không hề có biểu hiện sốt. “Em chỉ thấy hơi mệt trong người chứ không sốt. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, em ghi tờ khai nhập cảnh, kiểm tra cũng không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên khi về khách sạn ở TP.HCM thì em bị nóng nên bạn em cho uống thuốc hạ sốt. Từ TP.HCM về Đà Nẵng, em bị sốt nặng nên mới đưa đi cấp cứu”, Chung nhớ lại.

Theo Chung, dù bản thân bị nghi mắc Ebola do về từ vùng dịch và có biểu hiện sốt nhưng anh không hề lo lắng. “Em biết mình không bị Ebola do khu vực sinh sống chưa có người mắc bệnh. Em cũng chỉ bị sốt chứ không có các triệu chứng đặc trưng của Ebola như tiêu chảy, nôn mửa, vàng da, nổi mẩn…”, Chung nói.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Nhiệt đới, là người trực tiếp điều trị cho Chung, khi nhập viện, bệnh nhân co giật rất mạnh. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy bị nhiễm sốt rét cấp độ 5+ (mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu).

Benh nhan bi nghi nhiem Ebola noi gi?

Khu vực cách ly đặc biệt của Bệnh viện Đà Nẵng khi có dịch

“Đây là cấp độ rất nguy hiểm, chỉ cần không cứu chữa kịp thời là bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Trong suốt 20 năm làm việc tại Khoa Nhiệt đới, bệnh nhân sốt rét nặng nhất mà bệnh viện tiếp nhận cũng chỉ ở cấp độ 4+. Chung rất may mắn vì bị nghi nhiễm Ebola mới được cứu chữa sốt rét kịp thời, nếu trễ sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Hàm cho hay.

Chung cho rằng mình mắc sốt rét cũng là chuyện dễ hiểu do ở Guinea rất nhiều muỗi. “Muỗi ở bên đó rất nhiều, cả ngày lẫn đêm. Dù sống trong chung cư hiện đại nhưng ai cũng bị muỗi cắn. Người Việt qua bên đó lao động ai cũng bị sốt rét ít nhất một lần. Riêng em ở bên đó chưa bị nhưng chắc đã có mầm bệnh trong người”, Chung kể.

Chu Văn Chung cho biết mong muốn lớn nhất lúc này là mau chóng khỏe bệnh, qua đủ 21 ngày để về quê thăm cha mẹ. Từ khi biết tin Chung phải nhập viện, bố mẹ, họ hàng và bạn bè liên tục gọi điện hỏi thăm rất lo lắng. “Bố mẹ em muốn từ Thanh Hóa vào đây chăm em nhưng em bảo đừng vì sợ gia đình tốn kém. Gia đình em cũng bớt lo khi có kết luận chính thức em không bị nhiễm Ebola”, Chung cười nói.

ĐÌNH THỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI