Bệnh nhân bị loét toàn thân vì căn bệnh hiếm gặp sau khi dùng thuốc

08/05/2024 - 18:27

PNO - Sau khi uống nhiều loại thuốc điều trị cơ xương khớp, nam bệnh nhân bị loét toàn thân và phải lọc máu.

Nam bệnh nhân trợt loét toàn thân vì chứng bệnh hiếm gặp
Nam bệnh nhân loét toàn thân vì chứng bệnh hiếm gặp

Ngày 8/5, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.Đ. (65 tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng tổn thương da, trợt da, nổi mụn nước lan rộng toàn thân.

Đặc biệt, tổn thương ở vùng bụng, ngực, 2 chi trên, 2 chi dưới có tổng diện tích 70%. Bệnh nhân còn bị loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục.

Khai thác tiền sử cho thấy, trong thời gian đang sử dụng thuốc theo đơn về cơ xương khớp, người bệnh có kết hợp thêm thuốc điều trị ký sinh trùng. Khi thấy nổi nốt trên da và loét miệng, người bệnh tiếp tục dùng thêm thuốc không rõ loại do một phòng khám tư nhân kê.

Khi tình trạng không cải thiện, người bệnh được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán mắc Hội chứng Stevens-Johnson/Lyell (SJS/TEN) do dị ứng thuốc.

Bệnh nhân được lọc máu hấp phụ 3 lần liên tiếp, truyền dịch, corticoid, kháng sinh toàn thân kết hợp điều trị, chăm sóc da, niêm mạc tích cực.

Những ngày đầu, do loét nặng vùng miệng, bộ phận sinh dục… nên người bệnh sinh hoạt khó khăn, luôn phải vệ sinh sạch sẽ khi mụn nước vỡ ra để tránh nhiễm trùng. Phương pháp lọc máu hấp phụ đã được áp dụng trong 3 ngày liên tiếp nhằm loại bỏ các chất gây hại như thuốc và các chất trung gian gây viêm.

Sau 1 tuần điều trị, tình trạng tổn thương da, niêm mạc đã giảm nhiều, không còn loét miệng, người bệnh đã ăn uống được, sức khỏe dần tốt lên. Người bệnh tiếp tục được theo dõi, điều trị và có thể ra viện trong vài ngày tới.

Các bác sĩ cho biết, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng do thuốc ít gặp nhưng rất nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, tới 5-30%.

Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc, trong đó các thuốc hay gặp là allopurinol, carbamazepin, phenytoin, phenobarbital, thuốc chống viêm không steroid, kháng sinh cotrimoxazol, cephalosporin, quinolon… Bệnh thường xảy ra sau dùng thuốc 7 ngày - 8 tuần.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý tránh sử dụng các loại thuốc có tiền sử dị ứng; tránh lạm dụng thuốc khi không thực sự cần thiết.

Khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết tiền sử dị ứng và các thuốc đang sử dụng để được kê đơn phù hợp. Nếu có biểu hiện bất thường, cần dừng thuốc ngay, đồng thời liên hệ với bác sĩ và đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI