Bệnh nhân 416 - ca đầu tiên mắc COVID-19 tại Đà Nẵng hiện ra sao?

18/08/2020 - 21:24

PNO - Theo thông tin tại cuộc hội chẩn trực tuyến chiều 18/8, còn 37 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, rất nặng và có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị bệnh nhân COVID-19 chiều 18/8
Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị bệnh nhân COVID-19 vào chiều 18/8

Hiện cả nước còn 438 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 16 ca đang diễn biến nặng lên; 15 bệnh nhân diễn biến rất nặng; 6 bệnh nhân rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Trong 6 bệnh nhân nguy kịch thì có đến 4 trường hợp phải thở máy xâm nhập, điều trị hồi sức tích cực và 2 ca chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể).

Tại điểm cầu Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tăng cường hỗ trợ chống dịch cho Đà Nẵng) thông tin: tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 17 ca COVID-19, trong đó có 3 bệnh nhân thở máy với 2 ca thở ECMO, lọc máu (thiết bị tim phổi nhân tạo). Trong 17 bệnh nhân này, có 3 ca đã âm tính 3 lần, 2 ca âm tính 2 lần, 4 ca âm tính 1 lần với SARS-CoV-2.

Riêng bệnh nhân 416 – trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trong đợt dịch này, các bác sĩ cho biết đây là ca bệnh có diễn biến rất nhanh, phải đặt ECMO một ngày trước khi được công bố dương tính với SARS-CoV-2 (25/7), tiền sử tăng huyết áp. Bệnh nhân này bị xẹp phổi, xuất huyết phế nang được nội soi hôm 4/8. Một ngày sau đó, bệnh nhân được mở khí quản và chuyển vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào hôm 6/8.

Hiện bệnh nhân 416 vẫn thở máy, chạy ECMO, điều trị kháng sinh, lọc máu liên tục. Bệnh nhân nhiễm hai loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR của bệnh nhân 416 trong 6 ngày gần đây cho thấy liên tục âm tính rồi dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, kết quả kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhân đang kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh điều trị. Tiên lượng bệnh nhân 416 còn nặng.

Tham gia hội chẩn về trường hợp này, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị vận chuyển bằng ô tô mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để phân tích gene kháng thuốc, từ đó lựa chọn loại thuốc kháng sinh phù hợp điều trị đích cho bệnh nhân mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang có.

Tại điểm cầu của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, các chuyên gia cũng tham gia hội chẩn 2 ca bệnh nặng là bệnh nhân 438bệnh nhân 427.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là bệnh nhân 812.

Cuộc hội chẩn diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ. Ngoài điều trị cho các bệnh nhân, các chuyên gia nhắc nhở các bệnh viện kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng cường dinh dưỡng bệnh viện, tăng cường thông khí bệnh phòng... Trong đó, các bệnh viện cần lưu ý trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI