Bệnh ngoài da trong thai kỳ: có cần điều trị?

29/02/2016 - 07:41

PNO - Đâu là triệu chứng có thể phục hồi không cần điều trị, đâu là những bệnh về da có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi?

Benh ngoai da trong thai ky: co can dieu tri?
Ảnh mang tính minh họa

Thường sau khi nghe bác sĩ báo tin vui, nhiều bà bầu mừng quá chỉ nghĩ đến ngày đón con chào đời. Tuy nhiên, cũng có không ít người lo lắng thậm chí hoảng sợ vì phát hiện ra sao da mình trở nên… thay đổi, gặp nhiều vấn đề. Vậy đâu là triệu chứng có thể phục hồi không cần điều trị, đâu là những bệnh về da có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi?

Nhưng bệnh không cần điều trị

Khi mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi về hệ miễn dịch, sự chuyển hóa, nội tiết tố và cả các mạch máu nên thai phụ sẽ có một số biểu hiện khác thường trên da. Những hiện tượng này sẽ dần biến mất sau sinh. Cụ thể:

- Tăng sắc tố da: Có khoảng 85 đến 90% phụ nữ mang thai có làn da trở nên sẫm màu. Có trường hợp thay đổi khá sớm ngay từ lúc bắt đầu mang thai; có trường hợp da sậm màu khi thai nhi được ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Các vị trí thường bị tăng sắc tố gồm: núm vú, quầng vú, quầng mắt, mặt, vùng sinh dục, nách, đường trắng giữa bụng. Hãy yên tâm vì những dấu hiệu khiến thai phụ có cảm giác mình xấu đi sẽ giảm và biến mất dần sau khi sinh.

- Nám: Khoảng 70% phụ nữ mang thai bị triệu chứng này. Nám xuất hiện từ ba tháng giữa của thai kỳ. Những ai có làn da sáng và tiếp xúc nhiều với ánh nắng, vết nám sẽ rõ và nhiều hơn. Những vết nám xấu xí này cũng sẽ giảm dần sau sinh từ 6 đến 18 tháng, vì vậy, chỉ cần điều trị khi vết nám “định cư” quá lâu mà thôi.

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Đại học Y Dược TP.HCM hướng dẫn: “Để bảo vệ làn da, thai phụ cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng đúng cách và thoa các thuốc làm giảm sắc tố da an toàn. Nên sử dụng kem chống nắng ngay từ đầu thai kỳ. Việc điều trị bằng laser Q-Swiched và laser màu có thể thực hiện sau sinh nếu việc dùng thuốc không có kết quả”.

Ngoài thâm nám, thai phụ còn đối mặt với sự thay đổi mạch máu thường biểu hiện trên da như: đỏ da lòng bàn chân, bàn tay, u mạch hình sao, nốt ruồi son, dãn tĩnh mạch chân, phù…

- Rậm lông: Lông mọc dài và dày lên ở ngực, nách, bụng, chân… Những sợi lông này khiến thai phụ mất tự tin khi mặc áo hở cổ, váy ngắn. Tin vui là chúng sẽ từ từ biến mất sau khi sinh.

- Thay đổi móng: Móng xuất hiện những đường ngang, dễ vỡ, bong móng, tăng sừng dưới móng.

- Rạn da: Do thay đổi mô liên kết, các đường rạn da có màu hồng, tím sau đó chuyển sang màu trắng với hiện tượng teo da và lõm, đôi khi có ngứa. Những vết rạn nứt da xuất hiện ở 60-80% phụ nữ mang thai vào tháng thứ sáu-bảy của thai kỳ. Bắt đầu từ bụng sau đó rạn dần đến hai bên đùi, vú, hông và mông, quanh rốn, vùng xương mu… Rạn da có thể mờ dần về màu sắc sau khi sinh nhưng vết rạn chỉ có thể cạn phần nào chứ không thể biến mất hẳn.

- Mụn trứng cá: Do tuyến bã tăng cường hoạt động nên bà bầu dễ bị mụn trứng cá. Bên cạnh đó, nốt ruồi cũng tăng số lượng và độ sẫm màu. Nhưng, tất cả những bất thường này cũng sẽ giảm dần sau sinh.

Bệnh da cần điều trị

Có những bệnh cần điều trị ngay vì có thể gây ra tình trạng trẻ sinh thiếu cân hoặc sinh non như: Mề đay, sẩn ngứa, viêm nang lông sẩn ngứa hoặc nổi bóng nước (Pemphigoid ở phụ nữ có thai) gây ngứa khi mang thai và ngay sau khi sinh.

Ngoài ra, bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cũng lưu ý có những bệnh về da có xu hướng nặng lên trong thai kỳ như:

- Các bệnh có rối loạn viêm: viêm da cơ địa, vảy nến, trứng cá, mề đay, Liken phẳng, hồng ban nút...

- Các bệnh nhiễm trùng:

Nhiễm nấm: candida sinh dục.

Nhiễm virus boa gồm: HSV, HZV, HIV, sùi mào gà.

Nhiễm khuẩn: chốc.

- Các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, xơ cứng bì toàn thể, viêm bì cơ, pemphigus. - Bệnh về chuyển hóa như: Porphyrin da mắc phải muộn hoặc viêm da đầu chi - ruột.

Khi bị các bệnh nêu trên, thai phụ cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu và tuân thủ mọi lời khuyên nhằm tránh những điều đáng tiếc xảy ra cho cả mẹ và bé.

Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI