"Bệnh nan y" phim truyền hình Việt: Càng dài càng gây ức chế

21/05/2021 - 06:52

PNO - Phim bộ càng dài càng đuối không phải là chuyện mới, nhưng nhiều phim gần đây kéo rê tình tiết khiến người xem ức chế vì bị coi thường.

 

Đợi chờ là hạnh phúc?

Vậy là chỉ còn một tập nữa, bộ phim Hướng dương ngược nắng sẽ kết thúc. Mãi đến tập 39, 2 nhân vật Châu và Kiên mới được dành đất để giải quyết khúc mắc nhưng mối quan hệ giữa họ kết thúc ra sao vẫn phải đợi đến tập 40 mới biết. Châu và Kiên cùng mối tình giằng xé giữa yêu đương và hận thù của họ mới là điều khán giả quan tâm ở phim nhưng kể từ khi nhân vật Châu trở về từ tập 20 của phần 2, đạo diễn và biên kịch cứ chơi trò mèo vờn chuột với khán giả.

Biên kịch và đạo diễn của Hướng dương ngược nắng bắt khán giả đợi chờ suốt 7 tập mới chịu hé lộ thân phận nhân vật mẹ bé Cami
Biên kịch và đạo diễn của Hướng dương ngược nắng bắt khán giả đợi chờ suốt 7 tập mới chịu hé lộ thân phận nhân vật mẹ bé Cami

Thay vì tập trung thời lượng cho Châu-Kiên, phim rề rà chuyển sang hướng khai thác tình cảm của Phúc mất mấy tập. Mối quan hệ giữa cặp đôi Minh - Hoàng, ông Quân - bà Cúc, Trí - Ngọc cũng dùng dằng, lửng lơ suốt cả chục tập để rồi giải quyết “trong vòng một nốt nhạc” ở tập 37 và 38. Trong đó, ức chế nhất là việc phim cứ úp mở mối quan hệ giữa Hoàng và mẹ bé Cami suốt 7 tập phim mặc dù đã mấy lần Minh, Hoàng và cả mẹ bé Cami đều có cơ hội cho khán giả biết sự thật.

Một phim khác phát sóng gần đây trên VTV3 cũng càng về sau càng đuối là Ngày em đến. Câu chuyện gia đình Hai Tài - Trà những tưởng kết thúc có hậu ở tập 30 khi ông Đông nghe cậu con trai lớn Hai Tài kể toàn bộ dã tâm của bà Điệp - vợ ông Đông, mẹ kế của Tài cùng Ba Toàn - con của ông Đông bà Điệp. Tuy nhiên, phim lại kéo dài thêm bằng việc cho nhân vật Ba Toàn học thuật thôi miên còn bà Điệp giả điên để tiếp tục hại vợ chồng Hai Tài. Kể từ sau tập 30, sự cố chấp của mẹ con bà Điệp phần nào làm mất hết ý nghĩa nhân văn của tác phẩm vì chuyện phim để cho cái ác lộng hành quá lâu.

Phim Ngày em đến khiến người xem bực bội với 7 tập cuối vì  tình tiết câu rê đến mức nhảm
Phim Ngày em đến khiến người xem bực bội với 7 tập cuối vì tình tiết câu rê đến mức nhảm nhí

Tâm trạng nóng lòng mong cho phim mau hết ở Hướng dương ngược nắng hay Ngày em đến cũng giống như dạo xem phim Bánh mì ông Màu. Từ số tập thông báo ban đầu là 80, phim kéo đến tận tập 86 mới kết thúc. Thực tế đến khoảng tập 50, phim đã không còn sức hút như ban đầu vì lòng vòng, nhàm chán. Mỗi việc bí mật về thân thế bé Ken mà từ tập 34, ông Màu đã biết đó là cháu nội rơi của mình nhưng đến tập 53, ông mới chịu nói cho vợ mình biết sự thật.

Tình trạng phim truyền hình nhiều tập chỉ giữ được sức hút lúc ban đầu rồi càng về sau càng lan man rất thường thấy ở màn ảnh nhỏ VN. Ngay phim “hot” Cây táo nở hoa đang phát sóng đến tập 17 cũng bắt đầu có dấu hiệu lê thê vì cứ lặp lại tình huống nhân vật Ngà ăn hại, Châu bị đánh ghen, Phúc bất hòa với ba.

Bệnh nan y khó chữa?

Không thể phủ nhận thời gian qua, phim truyền hình trong nước ngày càng có nhiều tiến bộ về nội dung lẫn chất lượng kỹ thuật. Nhưng dù đã được nâng chất thì căn bệnh cũ là càng dài càng đuối vẫn còn. Số tập của phim truyền hình thường vượt quá số tập so với công bố ban đầu, có phim kéo thêm gần 20 tập. Tuy nhiên, đa số chỉ lôi cuốn được nửa đường, nhiều lắm là 2/3 thì bắt đầu giảm phong độ. Ngay bộ phim truyền hình “quốc dân” Về nhà đi con cũng vấp phải những lời chê vì sự lê thê khi kéo dài từ 68 tập thành 85 tập.

Phim Về nhà đi con dù chiếm được cảm tình nhưng cũng gây ngán ngẩm vì kéo lê thêm gần hai chục tập
Phim Về nhà đi con dù chiếm được cảm tình nhưng cũng gây ngán ngẩm vì kéo lê thêm gần hai chục tập

Đề cập vấn đề số tập phim truyền hình có xu hướng dài thêm so với dự kiến, đạo diễn Hùng Phương - người vừa có phim Trói buộc yêu thương phát trên VTV3, dự kiến 32 tập nhưng rồi thành 36 tập - lý giải: “Đôi khi trong lúc quay, có những cú máy nhiều cảm xúc do diễn viên quá nhập vai hoặc trong quá trình diễn, cảm xúc của diễn viên có thay đổi nên khi dựng sẽ dôi dư, nhưng nhiều lắm chỉ vài ba tập. Phần thu từ quảng cáo của số tập dư ra giúp chia sẻ với nhà sản xuất phần nào chi phí đầu tư. Thông thường, những phim truyền hình mới nối sóng sẽ thừa hưởng quảng cáo từ phim trước đó, nhưng cũng chỉ được vài tập đầu, sau đó phim phải hấp dẫn thì quảng cáo mới tiếp tục đổ về. Do đó, phim truyền hình VN không thể dưới 30 tập vì đó là số tập vừa đủ để thu hồi vốn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người làm phim và người xem phim, theo tôi 40 tập là đẹp nhất, kéo dài quá khó hay”.

Đặc trưng cùa phim truyền hình là dài tập và không có tiêu chí nào để quy định số lượng tập phim, miễn sao truyền tải nội dung phim hấp dẫn từ đầu đến cuối là được. Làm được điều này đòi hỏi bản lĩnh của cả nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn. Nguồn thu duy nhất của phim truyền hình là từ quảng cáo nhưng nếu quá tham lam chạy theo quảng cáo bằng cách kéo giãn số tập mà không chú trọng nội dung thì dễ đánh mất thiện cảm ban đầu của khán giả dành cho phim.

                                                                                                                                                                    Hương Nhu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI