|
Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp mạn tính tái phát trong điều kiện thời tiết lạnh đột ngột tại khu vực miền Bắc - Ảnh: H.A. |
Người già “ùn ùn” nhập viện vì bệnh hô hấp
Những ngày gần đây, thời tiết Hà Nội tiếp tục duy trì ở nhiệt độ thấp do khối không khí lạnh tăng cường. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều bệnh nhân có các bệnh hô hấp mạn tính phải nhập viện do bệnh tái phát và tiến triển nặng.
Ông N.T.K. (70 tuổi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) có tiền sử hen phế quản, bệnh tạm ổn định trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, ngay khi đợt lạnh đầu tiên ùa về, bệnh nhân đã có các biểu hiện tức ngực, khó thở và tăng nhiều cơn trong ngày. Ông đặc biệt khó thở về đêm, khạc đờm vàng. Bệnh nhân xịt thuốc, duy trì điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm nên phải tới bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm và phải nhập viện điều trị.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ông H.V.P. (64 tuổi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được chẩn đoán có đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các biểu hiện khó thở, ho, khạc đờm vàng. Bệnh nhân không sốt nhưng mệt nhiều, các biểu hiện bệnh ngày một tăng. “Tôi đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được 8 năm và vẫn duy trì thuốc đều đặn. Đây là đợt thứ hai trong năm bệnh của tôi tái phát. Đợt đầu tiên cũng rơi vào giai đoạn thời tiết thay đổi đầu năm”, ông chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu nội Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho biết, gần đây, đơn vị tiếp nhận khoảng 160-170 bệnh nhân mỗi ngày. Bên cạnh sốt xuất huyết, cúm B, các bệnh mạn tính như hen phế quản, phổi tắc nghẽn, tim mạch gia tăng hơn trước đây khoảng 40-50 ca/ngày.
Còn tại Phòng khám hen bệnh phổi - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh thông tin, mỗi ngày, phòng khám cũng tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân. Hầu hết, bệnh nhân tới khám là những người có bệnh hô hấp mạn tính, xuất hiện đợt cấp khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Không chỉ người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động tới sức khỏe khi thời tiết thay đổi. Nằm điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bé T.T.H. (4 tuổi) thiêm thiếp trên giường bệnh, ho nhiều đợt kéo dài. Mẹ của trẻ cho biết, trước khi nhập viện, cháu liên tục sốt cao kèm ho, ăn uống kém. Bệnh nhi được chẩn đoán sốt cao, viêm phế quản và được chỉ định nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Vương Thị Thúy Hoài - Phó trưởng Khoa Nhi của bệnh viện - nhiệt độ giảm sâu, đột ngột là điều kiện thuận lợi để trẻ dễ nhiễm vi rút, vi khuẩn dẫn tới nhiều bệnh như viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Tại khoa Khám bệnh Đa khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng trẻ nhập viện do hô hấp tăng gấp 2 lần. Bệnh viện phải liên tục chuyển ca bệnh về tuyến dưới để tránh quá tải. Mỗi ngày, có khoảng 600 ca bệnh liên quan tới bệnh hô hấp tới đây thăm khám. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn - Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa - chia sẻ, trước lượng bệnh nhân tăng, bệnh viện đã phải mở thêm phòng khám, có thể khám sớm từ 6g30.
Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch
|
Thân nhân người bệnh chuẩn bị đồ tránh rét - Ảnh: Bảo Khang |
Bên cạnh các bệnh lý về hô hấp, các bệnh lý tim mạch cũng gia tăng trong những ngày miền Bắc trở lạnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các bác sĩ cho hay đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân suy tim cấp, tăng huyết áp, hẹp động mạch vành… Các ca bệnh chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng người cao tuổi, người mắc các bệnh lý tim mạch trước đó. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (55 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau ngực trái, tính chất cơn đau điển hình. Siêu âm tim không có giảm vận động vùng, men tim không tăng, điện tâm đồ không có biến đổi. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán đau ngực, hẹp động mạch vành nhẹ.
Để phòng ngừa “bệnh mùa đông”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh khuyến cáo, bệnh nhân cần theo dõi và quản lý sức khỏe tốt, đặc biệt khi mắc các bệnh nền trước đó. Với các trường hợp bị mắc bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính… bệnh nhân cần duy trì, sử dụng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ đã kê. Việc giữ ấm cơ thể vô cùng quan trọng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
“Người dân tránh ra ngoài, làm việc ngoài trời lạnh quá lâu. Với người cao tuổi, người bị dị ứng thời tiết, khi nhiệt độ xuống thấp nên tập thể dục, tập thở trong nhà, tránh ra ngoài trời”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh khuyên. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như cúm, phế cầu, COVID-19 để phòng tránh cơ thể nhiễm bệnh và trở nặng trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn tấn công cơ thể.
Nhiều bệnh viện tại miền Bắc cũng đã tăng cường các biện pháp giữ ấm cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, các khoa, phòng khám bệnh đều được bố trí đèn sưởi, chăn ấm. Còn tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, 100% phòng được trang bị điều hòa 2 chiều, nước nóng và chăn ấm cho bệnh nhân điều trị nội trú.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Anh - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương - lưu ý: Khi trời chuyển lạnh, ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ. Trẻ dễ nhiễm lạnh thì dễ nhiễm các loại vi khuẩn,
vi rút và có triệu chứng tương tự các bệnh đang lưu hành như cúm, RSV, adeno… Vì vậy, các phụ huynh cần cho bệnh nhân đến khám để chẩn đoán chính xác.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn nhấn mạnh, nhiều người bệnh cứ nhận thức khi ho, sốt là phải dùng kháng sinh trong khi thực tế không cần thiết. Vì vậy, bên cạnh việc cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của trẻ, tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh tránh biến chứng nguy hiểm. Việc dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Huyền Anh