Bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Danh - khoa Mắt Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 120 bệnh nhi đến khám, trong đó 60% là bị viêm kết mạc.
Các BS cảnh báo, trong mùa hè, viêm kết mạc cấp do vi-rút thường gia tăng. Phụ huynh cần chăm sóc trẻ cẩn thận, nhằm tránh lây lan bệnh, làm tổn thương giác mạc gây giảm thị lực, đặc biệt là tránh nguy cơ “đáo hạn” dịch như vào năm 2013.
|
BS Nguyễn Thành Danh đang khám cho một bệnh nhi bị viêm kết mạc |
Rước bệnh từ hồ bơi
Sáng 7/7, có khá nhiều trẻ tập trung trước phòng khám 345, khu khám mắt BV Nhi Đồng 2. Bé Hoàng Y. (Q.3, TP.HCM, hơn 2 tuổi) cứ nhăn nhó khó chịu vì bị mẹ giữ hai tay để không dụi vào đôi mắt đang sưng đỏ.
Mẹ bé Y. kể: “Hôm nay bé đi tái khám, mắt đỡ nhiều rồi. Khi bé lớn bị đau mắt đỏ, tôi đã cố gắng cách ly hai anh em, nhưng thằng anh vừa hết thì con em sáng ngủ dậy ghèn bít chặt mắt, không mở ra được. BS nói bé bị viêm kết mạc do vi-rút, lây lan mạnh lắm”.
Còn ở khu khám mắt của BV Nhi Đồng 1 hiện cũng có hơn 150 trẻ đến khám mỗi ngày. Theo BS Trần Châu Thái - khoa Mắt, BV Nhi Đồng 1, khoảng 60% trẻ đến khám bị viêm kết mạc. Ngoài vi-rút, bệnh viêm kết mạc còn do hóa chất trong nước hồ bơi.
Nước hồ bơi được khử khuẩn bằng dung dich clo, dung dịch này dễ kích ứng mắt, đường hô hấp. Khi hồ vừa mới khử khuẩn, chưa đủ thời gian để clo hòa lẫn, bốc hơi mà trẻ xuống tắm sẽ bị kích ứng gây viêm kết mạc, lên cơn suyễn… Ngược lại, nếu clo quá ít hay đã bốc hơi hết thì môi trường này không diệt khuẩn được làm bệnh càng dễ lây lan.
Cậu bé Thành C. (ngụ Q.2, 9 tuổi) mang đôi kính râm khá ngầu, thỉnh thoảng cậu bé lại bị mẹ la vì một tay gỡ kính, một tay chực đưa lên dụi mắt. Đến lần gỡ kính thứ tư, mẹ cậu bé hết kiên nhẫn, mắng: “Con dụi mắt nữa là mù luôn đó. Mẹ nói không bao giờ con nghe hết.
Mắt mới ngứa, đã không cho đi bơi rồi, vậy mà cũng đi cho bằng được. Rồi kêu nhỏ mắt cũng không chịu, để giờ hai mắt đỏ quạch…”. Nghe đến đó, những bà mẹ khác cũng nhao nhao: “Con tui cũng y chang. La không cho đi chơi, đi bơi nhiều sợ bệnh thì con phản ứng “hè mà…”.
Phụ huynh chủ quan, trẻ hỏng mắt
Viêm kết mạc dễ lây lan và nguy cơ bùng phát dịch cao. Tuy bệnh lây lan mạnh, nhưng nếu điều trị sớm, hoặc chăm sóc trẻ tốt thì sẽ khỏi bệnh trong 7-14 ngày. Điều đáng ngại, có không ít phụ huynh chủ quan, hoặc trị bệnh cho con theo cách dân gian như đắp lá, hơ nóng mắt khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, có thể dẫn đến trẻ bị viêm kết mạc, gây sẹo giác mạc, bị giảm thị lực vĩnh viễn, không thể phục hồi.
Theo BS Nguyễn Thành Danh, nhóm bệnh lý nặng thường gặp ở những bệnh nhi nhỏ tuổi, sức đề kháng kém, hoặc trẻ ở xa, đến từ các tỉnh.
Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, khi con mới bị đỏ mắt, phụ huynh tự mua thuốc nhỏ mắt cho con, hoặc đắp lá trầu, lá dâm bụt… Đến khi bệnh nặng, đau rát, mở không ra, sợ ánh sáng thì phụ huynh mới đưa đến BV khám. Đã có những trường hợp đưa đến BV trễ, khiến trẻ bị sẹo giác mạc, ảnh hưởng nặng đến thị lực.
Cha mẹ bé Nguyễn Thùy C. (18 tháng, ngụ Long An) làm công nhân ở TP.HCM, gửi bé cho ngoại nuôi. Khi mắt trái của bé mới đỏ, bà ngoại lấy lá trầu hơ than cho nóng rồi đắp lên mắt bé. Sau bốn ngày, bệnh không đỡ, mà lan cả sang mắt phải và sưng đỏ, tươm ghèn bám chặt mắt.
Bà ngoại mua thuốc nhỏ mắt cho C. Mấy ngày đầu, mắt C. có giảm, đỡ ghèn, nhưng sau đó bé hay chảy nước mắt, ra ghèn xanh và rất sợ ánh sáng. Khi mẹ bé đưa con lên BV Nhi Đồng 1 khám, BS cho biết mắt bé bị sẹo giác mạc do biến chứng từ viêm kết mạc.
BS Trần Châu Thái khuyến cáo: khi trẻ có dấu hiệu bị ngứa, cộm, xốn mắt - như có bụi rơi vào, đỏ mắt, như có chỉ máu li ti, tăng tiết ghèn, dử mắt nhiều sau khi ngủ dậy là đã bị viêm kết mạc. Riêng với viêm kết mạc do vi-rút Adeno thì ngoài những triệu chứng trên, còn có dấu hiệu đặc trưng là nổi hạch trước tai, kèm theo triệu chứng nhiễm trùng mũi họng như ho, sổ mũi, sau đó kèm đau mắt, có thể sốt nhẹ.
Nếu trẻ có sức đề kháng kém, bệnh sẽ diễn tiến nhanh hơn. Phụ huynh cần lưu ý: khi trẻ than chói mắt, đau nhức mắt, sợ ra sáng, ra sáng nhắm mắt, nước mắt tràn ra thì đó là dấu hiệu nặng, cho thấy trẻ đã bị viêm kết mạc (tròng đen), cần phải đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay.
Để phòng bệnh, tránh lây lan, phụ huynh cần: tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách uống cam, chanh. Khi phát hiện bệnh, đến cơ sở y tế gần nhất khám, không tự ý sử dụng thuốc, nhất là những thuốc chứa corticoid, hay trị bệnh bằng cách đắp lá sẽ làm tổn thương mắt nặng hơn.
Viêm kết mạc do vi-rút có thể lây qua dịch tiết từ mắt và hô hấp như hắt hơi, nhảy mũi, sổ mũi. Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến nơi công cộng để phòng tránh lây lan trong cộng đồng.
Thùy Dương
Coi chừng “đáo hạn” dịch đau mắt đỏ năm 2013
Dịch đau mắt đỏ từng bùng phát khắp cả nước vào năm 2013. Tốc độ lây lan nhanh, được coi là một đợt dịch chưa từng thấy, khiến cuộc sống người dân xáo trộn.
Tại miền Bắc, nhiều người phải nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng. Mỗi ngày có khoảng 1.500-2.000 lượt bệnh nhân đến khám tại viện mắt Trung ương Hà Nội.
Tại Nghệ An, chưa bao giờ dịch đau mắt đỏ lan nhanh như thời điểm năm 2013, kéo dài khoảng gần một tháng, bình quân mỗi ngày bệnh viện tỉnh này đón nhận từ 50-60 ca đau mắt đỏ.
Tại Cần Thơ dịch đau mắt đỏ lây lan rất nhanh. Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đau mắt đỏ mỗi ngày, khoa Mắt BV Nhi đồng Cần Thơ cũng tiếp nhận 80-100 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Tại Đồng Nai, trong 20 ngày đầu tháng Chín, toàn tỉnh có trên 10.000 ca đau mắt đỏ.
Tại Bình Phước, bệnh đau mắt đỏ bùng phát dữ dội, lây nhanh, ngành y tế không kịp trở tay. 70% học sinh bị bệnh đau mắt đỏ, trong đó bị nhiều nhất là học sinh mầm non. Ngoài ra, tại cộng đồng dân cư cũng có khoảng 30% số dân bị bệnh này.
Tại TP.HCM, năm 2013, số bệnh nhân nhiễm đau mắt đỏ tăng đột biến đặc biệt trong thời điểm cuối hè sang thu. Theo thống kê tại BV Mắt, trung bình hai tuần có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám, dịch bệnh đau mắt đỏ lan rộng khiến nhiều người lo lắng.
(Nguồn Wikipedia)
|