Bệnh mạn tính, thời gian khám định kỳ ra sao?

21/04/2022 - 06:34

PNO - Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ khám và kê toa theo quy định của Bộ Y tế.

Ông N.N.K., cán bộ nghỉ hưu tại TP.Thủ Đức (TPHCM), phản ánh, trước đây, bệnh viện quy định trường hợp bệnh mạn tính tái khám mỗi tháng một lần, nay quy định nửa tháng một lần nên vừa mất thời gian, tiền bạc đi lại, thêm tiền test COVID-19, nguy cơ lây nhiễm COVID-19, phải xếp hàng chờ đợi… 

Nhiều người bị bệnh mạn tính do chờ khỏi COVID-19 hoàn toàn mới đi khám điều trị nên bệnh chuyển biến nặng (trong ảnh: Người đi khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thường rất đông sau khi dịch COVID-19 lắng xuống)
Người đi khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sau khi dịch COVID-19 lắng xuống

Theo ông, dù quy định nửa tháng khám một lần nhưng thực tế bác sĩ không khám gì mà chỉ để làm thủ tục lấy thuốc. Những lần lấy thuốc tiếp theo cũng giống như những lần trước, nhưng rất phiền hà cho người bệnh vì phải qua nhiều công đoạn và thủ tục. Ông N.N.K. cho rằng: “Bệnh tiểu đường, tim mạch và các bệnh mạn tính khác ít nhất ba tháng mới phải đổi thuốc. Vì vậy, quy định nửa tháng khám lại để lấy thuốc là không hợp lý và cần chấn chỉnh”.

Một bệnh nhân bị bệnh mạn tính khác là ông Trần Sĩ Q. (71 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cũng đề xuất, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tạo điều kiện giải quyết việc này, đừng làm khó người bệnh mạn tính. Mỗi tháng đi khám một lần, mất hẳn nửa ngày, được cấp số thuốc khoảng 350.000 đồng. Nếu một tháng đi hai lần thì mất hai nửa ngày xếp hàng chờ đợi… mà số thuốc được cấp cũng như vậy. Ông cho biết: “Tôi đi khám bệnh lấy thuốc hằng tháng cũng chỉ là để bác sĩ đo huyết áp, hỏi mấy câu rồi cấp thuốc. Tiền thuốc do bảo hiểm y tế trả, tiền khám do tôi trả. Thế nên, tăng tần suất khám là dễ hiểu khi tăng tiền bệnh nhân phải đóng”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định nửa tháng khám một lần là do phía bệnh viện đưa ra để tính thêm lượt khám, không phải Bộ Y tế yêu cầu. Một bác sĩ công tác ở một bệnh viện tại TP.Thủ Đức cho biết thêm, Bộ Y tế quy định trong Thông tư 05/2016/TT-BYT, kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú tối đa 30 ngày. Trong thời điểm dịch bệnh, bộ có văn bản cho phép bác sĩ có thể kê 2 - 3 tháng. Những trường hợp hẹn khám ngắn ngày hơn đều có lý do cá biệt. Nếu không phải tình trạng đặc biệt, bệnh nhân đi khám định kỳ hằng tháng để bác sĩ điều chỉnh thuốc hoặc phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ khám và kê toa theo quy định của Bộ Y tế. Nếu bệnh mạn tính ổn định, bác sĩ sẽ cấp tối đa thuốc dùng trong một tháng. Trong giai đoạn dịch, các bệnh mạn tính ổn định sẽ được cấp thuốc tối đa ba tháng. Còn bệnh mạn tính cần phải theo dõi thường xuyên thì bác sĩ có thể hẹn từ 1 - 3 tuần. Tùy từng trường hợp nghiêm trọng của bệnh nhân mà bác sĩ khám và kê toa hợp lý. Cơ quan bảo hiểm xã hội không tham gia vào vấn đề này. 

Nếu bệnh nhân đến bệnh viện khám thấy sức khỏe vẫn ổn định bình thường thì có thể đề xuất bác sĩ xin được cấp thuốc cả tháng. Nếu bác sĩ không đồng ý có thể phản ánh lên khoa và bệnh viện. 

Hoàng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI