Bệnh lý ở dây rốn: Nguy hiểm, khó phát hiện

17/11/2015 - 07:32

PNO - Dây rốn vận chuyển ôxy, chất dinh dưỡng từ nhau thai đến nuôi bào thai. Vì vậy, dây rốn có vấn đề là sinh mạng của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng.

Một số bất thường phổ biến

Bình thường dây rốn có chiều dài từ 45-50cm, vị trí bám tốt, mọi trao đổi giữa cơ thể mẹ với bào thai diễn ra bình thường và thai phát triển tốt. Dây rốn không bình thường, quá ngắn hay quá dài hoặc bám kém đều nguy hiểm cho thai nhi.

Đặc biệt, sợi dây liên kết giữa mẹ và bào thai này phải có đầy đủ ba mạch máu: hai động mạch và một tĩnh mạch. Bất thường xảy ra, thường gặp nhất là dây rốn chỉ có một động mạch, hoặc có một động mạch và một tĩnh mạch, gây cản trở lượng máu tới nuôi bào thai. Ngoài ra, còn những bất thường khác của dây rốn liên quan tới gen, hoặc dị tật bẩm sinh dẫn tới bào thai chết lưu.

“Điều nguy hiểm là khó nhận diện tình trạng bất thường của dây rốn ngay cả siêu âm, và dẫu có chẩn đoán đúng thì việc can thiệp cũng vô cùng khó khăn”, BS Huỳnh Thị Trong - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện An Sinh cho biết.

Benh ly o day ron: Nguy hiem, kho phat hien
Dây rốn không bình thường quá dài hay quá ngắn hoặc bám kém đều nguy hiểm cho  thai nhi

Với những trường hợp dây rốn ngắn (dài dưới 30cm), cử động của thai nhi trong bụng mẹ sẽ khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng treo thai hoặc thai nhi không bình chỉnh được ngôi thai.

Dây rốn ngắn ảnh hưởng lớn đến quá trình mẹ chuyển dạ, bởi thai thường không quay đầu và không xuống được khung xương chậu. Vì vậy, thai sẽ rất khó để ra ngoài hoặc nếu có xuống được khung xương chậu thì nhiều nguy cơ bị suy tim thai do dây rốn quá căng. Phần lớn trường hợp thai nhi có dây rốn ngắn, mẹ sẽ phải sinh theo đường mổ, trừ trường hợp bánh nhau bám thấp.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao dây rốn ngắn. Thậm chí, các kỹ thuật khám cận lâm sàng cũng không thể đo được độ dài của dây rốn. Bác sĩ theo dõi chỉ có thể nhận biết được nguy cơ dây rốn ngắn qua một số biểu hiện: đầu thai nhi treo lơ lửng, không lọt xuống khung chậu; khi chuyển dạ, cùng với cơn co tử cung, tim thai có sự thay đổi nhịp nhanh hoặc chậm bất thường; cổ tử cung mở mà thai vẫn không xuống.

Trong những trường hợp này, thường thai phụ sẽ được nhanh chóng mổ cấp cứu để lấy thai vì nếu tình trạng chuyển dạ kéo dài, thai phụ đuối sức, tim thai suy, sẽ có nhiều nguy cơ gây tử vong thai nhi.

Với dây rốn dài (trên 50-70cm hoặc quá dài), nhiều khả năng làm cho dây rố n thắt nút, do thai nhi “bơi lội” và liên tục chuyển động trong bào thai kéo theo sự dịch chuyển và xoắn vặn của dây rốn. Không ít trường hợp dây rốn bị thắt nút đến hai vòng.

Tình trạng thắt nút dây rốn có thể xảy ra ở mọi giai đoạn trong thai kỳ và hoàn toàn không thể nhận biết trong quá trình mang thai, chỉ có thể phát hiện khi thai phụ chuyển dạ hoặc mổ lấy thai. Nếu dây rốn quấn cổ (ngoài quấn cổ, dây rốn còn quấn quanh nách - vai) trong những tháng đầu thai kỳ, khi thai còn nhỏ, buồng ối rộng thì hầu như không có sự ảnh hưởng, nhưng xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ sẽ rất nguy hiểm.

Sa dây rốn thường xảy ra vào tuần thai thứ 38 hoặc trong quá trình thai phụ chuyển dạ. Đây là hiện tượng dây rốn bị sa xuống trước ngôi thai. Khi đó, dây rốn sẽ bị kẹp giữa khung xương đầu thai nhi và khung xương chậu của mẹ. Sa dây rốn thường gặp ở thai phụ bị đa ối hoặc vỡ ối sớm.

Xử lý khó khăn

“Khó phát hiện nhất là những trường hợp dây rốn thắt nút. Khi “nhìn” thấy, việc xử lý cũng không dễ dàng. Phần lớn những trường hợp dây rốn thắt nút thường được ghi nhận qua các hồi cứu và phát hiện khi thai nhi đã chết lưu”, BS Nguyễn Phan Quốc Thuận - Bệnh viện Q.2, chia sẻ.

Trường hợp mối thắt nút còn lỏng, sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi vẫn được duy trì, bào thai vẫn nhận được dinh dưỡng từ mẹ. Nhưng nếu nút thắt bị siết chặt, mọi sự trao đổi ngừng lại, thai nhi sẽ tử vong. Hoặc khi thai phụ chuyển dạ, sinh thường, cùng với quá trình lọt xuống khung chậu và xổ ra của thai, nút thắt sẽ bị siết chặt hơn dẫn đến tình trạng suy thai.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI