Bệnh lơ đễnh ở học sinh tiểu học chậm điều trị sẽ rất… nguy

22/03/2021 - 07:10

PNO - Năm 2020, có tới 2.000 bệnh nhi đến Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khám do liên quan mất tập trung trong các hoạt động sinh hoạt, học tập. Đa số đều ở độ tuổi tiểu học. Nhưng thực tế, không ít phụ huynh và thầy cô còn nhầm lẫn giữa mất tập trung do hiếu động với bất thường về tâm lý, từ đó chậm trễ trị liệu ảnh hưởng tới việc học của trẻ.

Mất tập trung học như thế nào là bất thường?

Điển hình trong các học sinh nói trên là trường hợp của nam bệnh nhi Đ.A.T., bảy tuổi, ngụ tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Trong lớp, T. hay có hành vi ném bút, dụng cụ học tập khi cô giáo đang giảng bài. Bé không thể ngồi yên một chỗ, rất hay chạy nhảy dù được cô giáo nhắc nhở nhiều lần. Kết quả học tập của T. rất yếu, dưới trung bình do không tập trung được lúc cô giáo giảng bài. Chính vì nhiều yếu tố kể trên, cô giáo đã khuyên gia đình đưa bé đi khám tâm lý. Bé học quá yếu khiến gia đình còn nghĩ tới khả năng con mình bị chậm phát triển trí tuệ. 

Khi tiếp xúc với bé, tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận thấy các biểu hiện của bé thực sự bất thường. Bé học hết lớp Hai nhưng không viết được dù chỉ một câu rất ngắn, và cũng không đọc được. Khi ngồi để bác sĩ khám, bé rất bức bối, tay chân cục cựa, được một lúc là trèo lên ghế, lên bàn.

Bác sĩ Đinh Thạc (thứ hai từ phải sang) khám tâm lý cho học sinh
Bác sĩ Đinh Thạc (thứ hai từ phải sang) khám tâm lý cho học sinh

Ba bé T. cho biết tình trạng như trên đã kéo dài trên một năm. Sau khi đánh giá, bác sĩ Thạc chẩn đoán bệnh nhi mắc chứng tăng động giảm chú ý, cần kết hợp trị liệu giữa thuốc, can thiệp hành vi và những trò chơi lấy tĩnh khắc động (lego, ghép tranh, vẽ tranh).

Tuy nhiên, không phải trường hợp học sinh tiểu học nào bị mất tập trung khi học cũng kèm theo các biểu hiện rõ ràng như bé T. để nhà trường và phụ huynh dễ dàng phát hiện, từ đó có giải pháp giúp đỡ.

Chẳng hạn như bé gái N.N.A., chín tuổi, con của chị H.T.D., ngụ tại Q.7 không hề nghịch ngợm, nhưng mỗi lần cô giáo giảng bài thì bé lại lơ đễnh ngó ra cửa sổ hoặc chú ý sang việc khác. Chị D. thấy không chỉ ở lớp mà cả lúc ở nhà con mình cũng không tập trung lâu vào việc gì, từ học bài tới xem phim, đọc truyện. Bé làm gì cũng chỉ được lúc đầu rồi lại bỏ dở làm sang việc khác.

Cô giáo nhận xét bé rất thông minh, hiểu bài nhưng khi làm toán phép chia hai chữ số thì chỉ chia một chữ số đầu tiên rồi quên không làm tiếp chữ số tiếp theo nên kết quả bị sai. Chị D. vô cùng trăn trở, không biết con mình như thế là do còn nhỏ, khó tập trung hay bé bị mắc bệnh gì liên quan tới tâm lý.

Các thể giảm chú ý cần trị liệu

Theo bác sĩ Đinh Thạc, mất tập trung do bệnh lý ở trẻ được chia làm ba thể: hỗn hợp (tăng động kèm giảm chú ý), tăng động đơn thuần (chỉ nghịch phá nhưng không giảm chú ý) và giảm chú ý đơn thuần (lơ đễnh, mất tập trung nhưng không nghịch phá). Nếu thấy biểu hiện mất tập trung của trẻ kéo dài trên sáu tháng không cải thiện khi được nhắc nhở thì phụ huynh nên đưa đi khám chuyên khoa tâm lý để được đánh giá và điều trị kịp thời. 

Hiện nay, với những trẻ bị mất tập trung do bệnh lý sẽ được điều trị bằng thuốc (đối với trẻ từ sáu tuổi trở lên), có tác dụng cải thiện tăng những hóa chất trong não cần thiết cho sự chú ý, phối hợp với can thiệp về hành vi, chơi các trò chơi đòi hỏi có tính kiên nhẫn và sự tỉ mỉ.

Thông thường, nếu được phát hiện và trị liệu bài bản thì chỉ sau vài tháng sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt, nhất là đối với kết quả học tập của các em.

Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Thạc cho biết, còn nhiều học sinh tăng động giảm chú ý nói chung chưa tiếp cận được với thuốc. Nhóm thuốc điều trị chứng mất tập trung này được bảo hiểm y tế thanh toán cho người lớn nhưng lại chưa có cơ chế cho trẻ em. Mỗi viên thuốc có giá khoảng 50.000 đồng, tác dụng tăng sự tập trung kéo dài 12 tiếng, nếu uống liên tục trong vài tháng, thậm chí cả năm thì đối với nhiều gia đình là chi phí quá lớn. 

Học sinh bị giảm chú ý do bệnh lý không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập, chất lượng sống mà trẻ còn rất dễ xảy ra tai nạn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI