Bệnh lao gia tăng ở Đông Nam Á do COVID-19

23/03/2022 - 19:03

PNO - Những gián đoạn về chăm sóc sức khỏe do COVID-19 đã xóa bỏ tiến bộ nhiều năm trong việc giải quyết bệnh lao. Căn bệnh này đang gia tăng trở lại với 1,5 triệu ca tử vong chỉ tính riêng năm 2020.

 

Một bác sĩ chụp X-quang phổi tại một phòng khám bệnh lao. Ảnh: AP
Một bác sĩ chụp X-quang phổi tại một phòng khám bệnh lao - Ảnh: AP

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong thứ hai trên thế giới sau COVID-19 vào năm 2020 (năm gần nhất theo số liệu có sẵn), chiếm 1,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Theo số liệu chính thức, COVID-19 đã giết hơn 1,8 triệu người trong năm 2020. Trước khi COVID-19 xuất hiện, bệnh lao đã chiếm vị trí đầu bảng, cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả HIV/AIDS, vốn cướp đi sinh mạng của 680.000 người vào năm 2020, theo UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS). Lao cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, sự gián đoạn trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì đại dịch COVID-19 đã xóa sổ nhiều năm tiến bộ trong việc giải quyết căn bệnh có thể chữa này. Kết quả là bệnh lao đang gia tăng trở lại trên toàn cầu, với số người chết tăng 7% vào năm 2020.

Theo WHO, năm 2020, hai khu vực chiếm số lượng ca mắc mới nhiều nhất: Đông Nam Á ghi nhận 43% số ca mắc mới và 25% ở châu Phi. 2/3 các trường hợp tập trung ở tám quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Nam Phi.

Một bác sĩ khám cho một bệnh nhân lao trong bệnh viện lao của chính phủ ở Allahabad, Ấn Độ. Ảnh: AP
Một bác sĩ khám cho một bệnh nhân lao tại Ấn Độ. Ảnh: AP

Theo lịch sử tra cứu, căn bệnh này đã lan tràn khắp thế giới kể từ khi nó xuất hiện cách đây khoảng 40.000 năm. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng bệnh lao ở người bắt nguồn từ bệnh lao ở gia súc. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã vẽ ra một bức tranh khác, cho thấy rằng bệnh lao đã tồn tại ở người trước khi họ bắt đầu chăn nuôi gia súc. Dấu vết của căn bệnh này đã được phát hiện trong hài cốt người khoảng 11.000 năm tuổi.

Ngày Thế giới chống lao được đánh dấu hàng năm vào ngày 24/3, kỷ niệm ngày Robert Koch (1843-1910) công bố phát hiện ra loại trực khuẩn lao vào năm 1882. Vào năm 1921, Viện Pasteur  Pháp đã phát triển vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG), trở thành một trong những loại vắc-xin lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Một thế kỷ trôi qua, vắc-xin BCG vẫn còn được sử dụng và đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em, nhưng kết quả có thể thay đổi ở người lớn.

Trong những năm 1940 và 1950, việc phát hiện ra streptomycin và các kháng sinh khác đã giúp điều trị bệnh lao phổi, dạng bệnh phổ biến nhất ở người lớn và thanh thiếu niên. Nhưng càng về sau, các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc đã xuất hiện, buộc các bác sĩ phải sử dụng các loại kháng sinh cũng như sử dụng các phương pháp điều trị thay thế để ngăn chặn vi khuẩn một cách hiệu quả.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI