Bệnh lãng quên

24/01/2016 - 07:48

PNO - Năm tháng trôi qua, bước chân của thần thời gian viếng thăm không trừ một ai, đem đến món quà dán nhãn “sự lão hóa”.

Quá trình thoái hóa liên tục của bộ não dẫn đến hiện tượng suy giảm trí nhớ và nhận thức khiến con người rơi vào bệnh lãng quên (dementia). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh này đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều triệu người trên thế giới và dự báo tăng lên một tỷ người vào năm 2050.

Người chớm già thường than thở rằng mình dần trở nên thụ động: ngồi hàng giờ trước ti vi, ngủ nhiều hơn trước, chẳng muốn làm các công việc hàng ngày, lười “yêu”, có khi mặc nhiều lớp áo vào một ngày nắng nóng hoặc mặc phong phanh vào ngày trở gió, thỉnh thoảng lại để kính lão trong… ngăn đá tủ lạnh hoặc đi tìm cái nón trong khi vẫn đang đội trên đầu.

Như một cục pin điện thoại bị “chai”, đã sạc mất nhiều giờ mà xài lại mau hết, bộ nhớ của họ khó ghi nhớ những thông tin mới và chậm nhớ lại những thông tin cũ, đã thế lại dễ nhầm lẫn. Điều ấy làm không ít người lo lắng, chạnh lòng, tủi thân.

Benh lang quen
Ảnh mang tính minh họa

Nguyên nhân từ đâu?                                   

Trong não người có khoảng bốn tỷ neuron thần kinh, sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3.000 trong số đó bị phá hủy mà không có sự tái tạo mới. Trong khi đó, mỗi tế bào của phần còn lại vẫn tiếp tục hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do.

Quá trình teo và loạn dưỡng trong các tế bào thần kinh ngày càng gia tăng dẫn đến hiện tượng thoái biến các khớp thần kinh - nơi giữ vai trò quan trọng đối với các chất dẫn truyền thần kinh.

Các bệnh liên quan đến mạch máu xảy ra sau khi bị đột quỵ, thiếu máu não. Các bệnh lý tổn thương não (rối loạn mỡ máu, chấn thương sọ não, nhiễm trùng não...) góp phần gây ra sự tắc nghẽn lưu thông máu lên não khiến người bệnh đãng trí, hay quên.

Nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của trí nhớ là stress. Không ít người phải chịu những áp lực khiến cơ thể phóng thích nhiều cortisol (hormone stress), thúc đẩy việc sản xuất insulin, ngăn không cho não sử dụng đủ đường huyết để có năng lượng cho việc ghi nhớ, đồng thời gây khó khăn cho việc “truy cập” ký ức đã được lưu giữ, là thủ phạm bôi sạch bộ nhớ, chẳng khác nào virút trong máy tính.

Biểu hiện phổ biến là tình trạng mất thăng bằng: hoặc dễ bực dọc, cáu gắt, thiếu tập trung, xử lý công việc không hiệu quả, hay nhầm lẫn. Hoặc tư duy chậm chạp, lãnh đạm, vô cảm, đánh mất khiếu hài hước… Khi có dấu hiệu giảm trí nhớ, cần đi gặp bác sĩ, vì khoảng 50% sau ba năm sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer.

Thống kê cho thấy, có tới 5% người ở độ tuổi 65 mắc tình trạng này, 15-20% ở độ tuổi 80 trong đó tỷ lệ ở phụ nữ cao gấp ba - năm lần đàn ông. Trong khi đó, y học thế giới 10 năm nay chưa tìm ra loại thuốc điều trị mới nào.

Duy trì "bộ nớ" ở tuổi xế chiều

Bệnh đãng trí có thể khắc phục bằng cách cân bằng lại cuộc sống: ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện đúng cách, làm tươi trẻ đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động cộng đồng và kiểm soát tốt sự căng thẳng, dùng các loại thuốc bổ não.

● Ăn: Não tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể và chất béo omega-3, axí t linoleic là món ăn chính của bộ não (có trong cá ngừ, cá thu, hải sản). Tăng cường thực phẩm giàu canxi, glucosamin. Sách thuốc cổ viết: “Trư não bổ cốt tủy, ích hư lao, trị thần kinh suy nhược”, dùng óc heo cho người mắc chứng hay quên do suy nhược thần kinh là rất thích hợp.

Trứng chim (cút, bồ câu) có giá trị dinh dưỡng cao, giàu lecithin - chất rất cần thiết cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi có chất chống ôxy hóa như cam, quýt, táo đỏ, dâu chín. Đông y gọi quả dâu chín là “tang thầm” có tác dụng bổ huyết, an thần và dưỡng não.

● Uống: Não có khoả ng 50% nước, cần uố ng đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày (nếu thiếu nước hoặc mất nước nhẹ có thể làm gia tăng hormone stress, khiến não bị tổn thương, giảm trí nhớ). Riêng nước trà xanh có nhiều chất làm thư giãn thần kinh, tăng sự linh hoạt... nhưng tránh uống trà đặc vào ban đêm gây khó ngủ.

Nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ cho thấy: uống rượu vang đỏ chừng mực 1-2 ly/ ngày làm dãn nở mạch máu, các chất chống ôxy hóa trong rượu giúp bảo vệ tế bào não, cải thiện trí nhớ (chú ý uống nhiều lại làm tăng cholesterol, nguy cơ xơ vữa động mạch và cản trở luồng máu tới não).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI