Bệnh không thuyên giảm vì đổi thuốc

02/11/2021 - 06:44

PNO - Do giãn cách xã hội, nhiều người bệnh mạn tính không đến được bệnh viện để tái khám. Họ buộc phải ra nhà thuốc mua tạm theo toa thuốc của bác sĩ cho nhưng người bán thuốc thường tư vấn loại khác, khiến nhiều trường hợp bị ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Loại cần thì nhà thuốc không có

Bị trào ngược dạ dày và hội chứng ruột kích thích đã hơn hai năm, T.G. (35 tuổi, ở Q.Tân Phú, TPHCM) vẫn kiên trì tái khám đều đặn. Tuy nhiên, cuối tháng 5, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, G. cũng bị cách ly tại nhà do tiếp xúc với F0 nên không đi tái khám được. G. nhờ người thân ra nhà thuốc mua thuốc theo toa bác sĩ cho về uống tạm. Nhưng loại mà G. cần thì nhà thuốc không có, nên đành sử dụng loại mà nhà thuốc tư vấn là tốt hơn.

Do uống không đúng loại thuốc bác sĩ kê toa nên triệu chứng khởi phát lại. G. đành phải sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa để bác sĩ khám và cho thuốc mới. Qua đó, bác sĩ tư vấn nếu dùng thuốc khác thuốc bác sĩ chỉ định thì hiệu quả điều trị tất nhiên không bằng. Tốt nhất bệnh nhân nên gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn trong trường hợp mua không được loại thuốc bác sĩ kê toa. Bác sĩ sẽ biết được loại nào thay thế tốt nhất cho trường hợp của mình. 

Hãy có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh  - Ảnh: HTTP://BENHVIENNOITIETNGHEAN.VN
Hãy có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh - Ảnh: http://benhviennoitietnghean.vn 

Giống như G., chị N.T. (58 tuổi, ở Q.3, TPHCM) cũng không đến bệnh viện tái khám bệnh tim được do dịch COVID-19. Chị ra nhà thuốc mua tạm thuốc uống nhưng cũng được người bán tư vấn loại khác thay thế. Chị biết hiệu quả điều trị sẽ không cao bằng uống đúng loại thuốc bác sĩ kê toa, nhưng đành phải dùng tạm qua mùa dịch. Chị Lan (50 tuổi, ở Q.Tân Bình, TPHCM) cũng được người bán thuốc tư vấn mua thuốc chống đông đường uống thế hệ mới thay cho thuốc chống đông chị đang dùng để phòng ngừa đột quỵ. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: Thuốc chống đông hiện tại có nhóm thuốc chống đông kháng vitamin K và nhóm thuốc chống đông đường uống thế hệ mới - thuốc có sẵn trên thị trường Việt Nam, tuy nhiên giá rất cao. Để kê đơn cho bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc chống đông đường uống thế hệ mới, bệnh nhân cần phải được đánh giá chức năng thận, gan, xác định cân nặng và tuổi vì liều dùng loại thuốc này liên quan đến chức năng thận và bất thường về chức năng gan, đặc biệt là độ tuổi. Tuổi càng cao thì liều lượng càng thấp đi. Về cân nặng, có những thuốc có mốc về cân nặng, trên 60kg thì liều khác so với dưới 60kg. 

Các bác sĩ đều chia sẻ, thuốc là con dao hai lưỡi. Nếu dùng thuốc đúng thì sẽ giúp phòng và chữa bệnh hiệu quả. Ngược lại, nếu tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt kháng viêm không steroid, không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ thì người dùng có thể gặp các tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm gan, suy gan, suy thận… 

Nhiều hệ lụy từ việc bán thuốc không theo toa

Tự ý đổi thuốc hoặc bán không theo toa và thậm chí không cần toa bác sĩ ở nhiều nhà thuốc cũng chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ kháng kháng sinh ở nước ta. Theo ghi nhận của Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, người bán thuốc không chỉ bán kháng sinh không cần toa mà còn tư vấn người bệnh mua loại kháng sinh nặng hơn để giúp điều trị nhanh khỏi bệnh.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có toa. Chính vì vậy, tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao, tới 40%. Việt Nam là nước đứng thứ tư về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, trong khi đó các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1. 

Người mua thuốc nên mua đúng thuốc theo toa bác sĩ chỉ định, không nên mua theo “lời khuyên” của người bán - Ảnh: Gia Nhi
Người mua thuốc nên mua đúng thuốc theo toa bác sĩ chỉ định, không nên mua theo “lời khuyên” của người bán - Ảnh: Gia Nhi

Nhiều bệnh viện cũng đã khuyến cáo rằng, nhiều bệnh nhân nhập viện buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới vì kháng tất cả loại thuốc kháng sinh điều trị thông thường, nhưng hy vọng khỏi bệnh lại rất mong manh. Ngoài ra, chi phí điều trị tăng cao do nằm viện điều trị kéo dài. Đây thực sự là một gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bởi vì kháng kháng sinh, nên ngày càng có nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao, các bệnh do thực phẩm gây nên càng khó điều trị hơn, và đôi khi không thể điều trị được. WHO cũng khuyến cáo mức độ nguy hiểm của kháng kháng sinh giống như đại dịch COVID-19, thậm chí có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ y học trong một thế kỷ. 

Từ năm 2017, nước ta đã quyết tâm kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh thông qua đề án của Bộ Y tế “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn”, nhắm đến nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc, bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh. Qua đó, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Đề án đã đưa ra mục tiêu: “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.

Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt được vì chế tài xử phạt hành vi vi phạm theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chỉ cảnh báo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP và có hiệu lực vào ngày 15/11/2020 để thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tăng khung xử phạt lên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”. Ngoài ra, cơ sở sẽ bị đình chỉ hoạt động từ sáu tháng đến chín tháng nếu vi phạm. 

Gia Nhi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI