Vừa xuất viện lại phải vào cấp cứu
Chăm con tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, chị Nguyễn Thị Phương Loan (tỉnh Đồng Tháp) không khỏi xót xa, trong chưa đầy 1 tháng, con gái 18 tháng tuổi của chị phải nhập viện 2 lần vì viêm phổi.
Theo chị Loan, 3 tuần trước, bé gái khò khè, hay quấy khóc. Nghĩ con mình chỉ bị sổ mũi, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống. Ban đầu, bé đỡ chảy nước mũi hơn nhưng ít chạy chơi, hay khóc trong lúc ngủ. Tiếp tục đưa con đi khám bệnh, bác sĩ vẫn chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp trên, cho đơn thuốc về uống nhưng bệnh của bé diễn tiến nặng. Ngày thứ tư sau khi khởi phát bệnh, bé gái thở mệt, tái tím nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cấp cứu. Nhận thấy bé bị viêm phổi nặng, bác sĩ cho bé thở máy, chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.
|
Bé gái bị viêm đường hô hấp trở nặng, đang được bác sĩ hội chẩn tại giường bệnh - Ảnh: P.A. |
“Lần trước, bé điều trị hơn một tuần, vừa khỏi bệnh, xuất viện được ba ngày thì thở hổn hển, ly bì, phải vào bệnh viện cấp cứu rồi ở luôn tới bây giờ”, chị Loan nói. Hiện tại, con gái chị Loan được chẩn đoán viêm phổi, bé đã đỡ khó thở hơn nhưng vẫn còn phải thở oxy.
Con của chị Hồ Thị Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - bé trai T.H.Đ. (2 tuổi) cũng nhập viện lần hai do viêm đường hô hấp. Cách đây 3 tháng, bé Đ. cứ khóc, thở hổn hển, dỗ mãi không nín nên chị đưa bé đến trung tâm y tế. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa với chẩn đoán viêm phổi nặng. “Bé được điều trị tại bệnh viện hơn 20 ngày nhưng không đỡ. Con bỏ ăn, thở oxy, quấy khóc nhiều. Chúng tôi xin chuyển con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị tiếp. Tại đây, bác sĩ cho biết phổi bên phải của con bị xẹp, nhiều dịch nên gây khó thở phải điều trị kháng sinh. Nằm viện 17 ngày thì bác sĩ nói bé khỏe, ăn uống tốt, được xuất viện. Nhưng về nhà được khoảng 1 tuần, bé lại bị ho, hơi thở yếu ớt rồi phải quay lại nhập viện tiếp”, chị Xuân kể.
Hướng mắt về Phòng Cấp cứu, chị Nguyễn Minh Nguyệt (tỉnh Đồng Nai) cứ chực chờ khóc khi được hỏi về con trai chị N.V.L. (6 tháng tuổi). Bé L. còn có một người em song sinh đang gửi cho bà ngoại chăm sóc. Do sinh đôi, lại non tháng nên các bé được cha mẹ chăm sóc rất kỹ. Không ngờ bé L. vẫn phải nhập viện vì viêm đường hô hấp. Theo chị Nguyệt, vào tháng 9 bé đã bị viêm đường hô hấp, nhập viện điều trị gần 10 ngày. Lần này, bé nhập viện đã gần 20 ngày vì viêm phổi cấp, sức khỏe chưa ổn định, chị chỉ biết cầu mong con trai sớm hết bệnh, về nhà.
Dự báo bệnh hô hấp vẫn tiếp tục tăng
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, trẻ mắc bệnh hô hấp đang tăng qua mỗi tháng. Cụ thể, bệnh lý đường hô hấp chiếm một nửa tổng số lượt khám tại Khoa Khám bệnh, nhóm trẻ từ sáu tháng đến ba tuổi chiếm đa số. Trong đó, khoảng 5% trẻ phải nhập viện điều trị, chưa kể số lượng trẻ khi vào bệnh viện đã diễn tiến nặng, phải chuyển ngay qua Khoa Cấp cứu. Bệnh viện phải tăng cường bác sĩ nội trú, bố trí thêm từ 2-4 bàn khám để đảm bảo trẻ ở các tỉnh, thành được khám, chữa bệnh.
|
Bé trai mắc viêm phổi đang được điều trị, theo dõi tại Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: P.A. |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết trong tháng 9 và đầu tháng 10, tỷ lệ trẻ nhập viện tại khoa tăng 30-40% so với các tháng trước. Hiện tại, số trẻ đang điều trị tại khoa khoảng 260, dao động 250-300 bệnh nhi/ngày. Trong đó, trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản… tương đối phổ biến, trẻ có độ tuổi càng nhỏ càng có diễn tiến nặng nhanh hơn trẻ lớn. Vẫn có trường hợp trẻ bị bệnh hô hấp tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí vừa xuất viện được vài ngày đã phải nhập viện trở lại. Số lượng trẻ bị viêm đường hô hấp nặng, phải theo dõi sát ở Phòng Cấp cứu của Khoa Hô hấp 1 chiếm 15-20%. Hầu hết trẻ bị suy hô hấp phải thở oxy, thở máy…
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cũng khám và điều trị cho khoảng 6.300 trẻ ngoại trú bao gồm các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết và các bệnh lý thông thường khác. Trong đó, số lượng trẻ mắc viêm đường hô hấp thường tăng lên vào cuối tuần. Theo bác sĩ Lê Bình Bảo Tịnh - Phó khoa Hô hấp của bệnh viện - trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn nhập viện chiếm đa số. Mặc dù vậy, trẻ được người nhà phát hiện và đưa đến trong giai đoạn đầu của bệnh nên thường qua 3-5 ngày điều trị đã khỏe lại và xuất viện. Tuy nhiên, cha mẹ có con nhỏ lưu ý, ở thời điểm này, nhiều trường hợp trẻ nhũ nhi mắc hô hấp nặng, phải điều trị lâu dài.
Còn Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tiếp nhận từ 1.500-2.000 trẻ khám ngoại trú mỗi ngày, chủ yếu là bệnh hô hấp, sốt xuất huyết và đang điều trị cho khoảng 900 trẻ nội trú, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số trẻ mắc bệnh lý hô hấp diễn tiến nặng, đa số rơi vào nhóm trẻ có bệnh nền, thừa cân béo phì, trẻ nhũ nhi với các bệnh lý viêm tiểu phế quản, viêm phổi…
Theo các bác sĩ, TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang ở mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn, virus hô hấp tấn công trẻ. Dự báo, thời gian tới, trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ còn tiếp tục tăng bởi sau mùa mưa, mùa lạnh lại đang đến gần. Phụ huynh không nên xem bệnh liên quan đường hô hấp là bệnh thông thường, bởi vẫn còn trẻ rất nặng, nguy cơ biến chứng cao do bị bỏ qua sự chăm sóc, theo dõi sát giai đoạn đầu.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp Phụ huynh nên chủ động tăng cường bảo vệ đường hô hấp cho trẻ bằng cách giữ thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; hạn chế đưa con em đến những nơi đông người, tránh khói thuốc lá, môi trường nhiều bụi bẩn. Ngoài ra, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ chất, cho trẻ nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc, học tập và vui chơi hợp lý. Khi trẻ có các triệu chứng bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát. Nếu trẻ sốt cao kéo dài, ho nhiều, quấy khóc, bỏ bú, khò khè, khó thở tăng nặng, đặc biệt bỗng nhiên thở nhanh, thở co lõm ngực, thở rít, hổn hển, co giật… phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. |
Phạm An