Bệnh hô hấp ở người lớn tuổi đang tăng nhanh

24/03/2023 - 06:06

PNO - Số lượng người lớn tuổi mắc bệnh hô hấp ở TPHCM đang tăng nhanh. Nhiều người phải nhập viện do nhiễm trùng, viêm đường hô hấp cấp.

 

Bà C. được bác sĩ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm khám - ẢNH: PHẠM AN
Bà C. được bác sĩ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm khám - Ảnh: Phạm An

Dễ mắc bệnh khi chuyển mùa

Bà N.T.C. (72 tuổi, ở Thanh Hóa) đang điều trị tại Đơn vị Hô hấp Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết bà bị nhiễm trùng đường hô hấp, hen phế quản điều trị hơn 7 ngày mới thấy… có thể thở được.

Bà C. vốn bị hen phế quản mạn tính hơn 30 năm. Cứ mỗi lần thời tiết chuyển mùa, bà lại mệt mỏi với các đợt hen suyễn. Nhớ lại mấy ngày trước, bà chia sẻ hôm đó thời tiết đang nắng gắt thì bỗng chốc mưa rào. Ngay lập tức bà C. bị khó thở, phải xịt thuốc cắt cơn. Qua hôm sau, các cơn khó thở kéo đến liên tục, bà C. bị đau căng tức ngực, không thể nằm, không ăn uống được, người lịm dần. Bà gọi con đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Vừa tiếp nhận, bác sĩ nhận định bà bị suy hô hấp cấp tính nên hồi sức tích cực, hỗ trợ thở ô xy, đến ngày thứ ba, bà mới dần hồi phục.

Hay bị ho, sổ mũi, đau rát họng mỗi khi chuyển mùa, ông T.V.T. (68 tuổi, ở Phú Nhuận) thường chủ động mua thuốc dự trữ, kiêng cữ các món ăn có nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Tuy vậy, ông vẫn phải nhập viện điều trị vì suy hô hấp cấp. Theo người thân của ông, hơn một tuần trước, ông đang tưới cây cảnh thì bị suy hô hấp. Ban đầu, con trai ông T. thấy cha ngồi trước sân, cứ nghĩ ông nhổ cỏ, hay sửa lại ống nước nên không để ý. “Tôi đi vào nhà ăn sáng xong, bước ra thì vẫn thấy cha ngồi bệt dưới nền nhà. Bất an, tôi chạy ra kiểm tra thì thấy cha đang thở hổn hển, tay chân không có sức. Tôi hô hoán cùng người nhà đưa cha đi cấp cứu”, con trai ông T. kể.

Theo đó, ông T. vốn bị bệnh tim mạch, cách nhập viện vài ngày, ông bị cảm cúm, sổ mũi nên tự mua thuốc uống và khỏi bệnh. Tuy nhiên, có thể từ đợt cúm này, ông bị vi rút tấn công gây nên bệnh hô hấp cấp tính. Nguy hiểm hơn, trước đó ông T. đã... mượn toa thuốc của hàng xóm, tự ý đi mua thuốc uống bởi vì thấy triệu chứng của mình và người này giống nhau. Hiện sức khỏe của ông T. tạm ổn, hết khó thở, tiếp xúc tốt và có thể tập thể dục nhẹ.

Ở nhà cũng có thể bị lây bệnh 

Bác sĩ Phạm Huỳnh Nam Phong - Đơn vị Hô hấp Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay, số lượng người mắc bệnh cúm đến khám tại bệnh viện đang tăng lên. Trong đó hơn một nửa là người cao tuổi. “Đa số người đến khám thường mắc các bệnh mạn tính, hen suyễn, phế quản, cúm mùa làm cho bệnh mạn tính diễn tiến thành đợt cấp. Thường bệnh nhân đến khám mắc bệnh ở mức nhẹ, trung bình với các triệu chứng ho, sổ mũi, nhiều đàm, nặng hơn là sốt, khó thở… Tuy nhiên, cũng có người phải nhập viện cấp cứu vì bệnh tiến triển nặng”, bác sĩ Phong cho hay.

Thời gian gần đây, tại Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trung bình mỗi ngày có từ 100-200 người cao tuổi đến khám, trong đó hơn 10 người tiến triển nặng, phải nhập viện điều trị. Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội hô hấp của bệnh viện - người cao tuổi khá nhạy cảm, sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt với người mắc nhiều bệnh nền càng cần phải thận trọng. Thời tiết quá nóng hay quá lạnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. 

“Vì vậy, nếu người cao tuổi bị ho kéo dài, khó thở, khò khè, nặng ngực, sốt, người đừ, mệt mỏi... nên đến bệnh viện khám ngay. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần đi khám định kỳ, tái khám đúng theo lịch hẹn, đừng tự ý bỏ, ngắt quãng điều trị, tự dùng thuốc, hay sử dụng các phương pháp dân gian... sẽ khó kiểm soát bệnh, rất nguy hiểm”, bác sĩ Hương nói. Ngoài ra, Việt Nam đã có vắc xin ngừa cúm mùa, người dân, nhất là người cao tuổi nên tiêm ngừa định kỳ 2 lần/năm để phòng bệnh.

Bác sĩ Phạm Huỳnh Nam Phong chia sẻ thêm: “Cũng có nhiều cụ ông, cụ bà cho rằng mình không mắc bệnh cúm, chỉ hơi mệt do không đi ra ngoài, nhưng khi hỏi ra mới biết trong gia đình có con, cháu đi học, đi làm, có thể các cụ đã bị lây bệnh từ nguồn này. Người trẻ sức đề kháng mạnh có thể lướt qua, nhưng người lớn tuổi dễ rơi vào các đợt cấp, nặng hơn dễ gây bội nhiễm, viêm phổi”. 

Do đó, trong giai đoạn chuyển mùa, không chỉ người lớn tuổi mà tất cả thành viên trong gia đình nên ăn uống đầy đủ chất, bổ sung rau xanh, vitamin. Giữ ấm cơ thể, tránh nằm máy lạnh có nhiệt độ quá thấp, tránh để quạt thổi thẳng vào người. Hãy tập thể dục nhẹ, đeo khẩu trang khi ra đường. Nhà có người lớn tuổi nên chuẩn bị máy đo huyết áp, máy đo nồng độ ô xy, khi ông bà cảm thấy mệt, chỉ số nồng độ ô xy trong máu dưới 94 nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI