Bệnh hiếm: Nghiện dùng kim đâm da mặt chảy máu

03/10/2019 - 07:00

PNO - Bệnh nhân có nét mặt rất xinh đẹp, tên N.K.V., 26 tuổi, quê Long An. V. đeo khẩu trang kín mít, khi bỏ khẩu trang ra để lộ gương mặt chi chít sẹo xơ, rỗ, vết thâm, vùng da có sẹo tăng sắc tố.

Ngày 1/10, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, bác sĩ vừa khám một cô gái mắc bệnh hiếm (từ trước tới nay chỉ mới gặp hai ca). Các bệnh nhân này có vấn đề về da liên quan tới căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. 

Bệnh nhân có nét mặt rất xinh đẹp, tên N.K.V., 26 tuổi, quê Long An. V. đeo khẩu trang kín mít, khi bỏ khẩu trang ra để lộ gương mặt chi chít sẹo xơ, rỗ, vết thâm, vùng da có sẹo tăng sắc tố. Đó là dấu tích của sự tổn thương mà cô gái tự gây ra. 

Cách đây 5 năm, bác sĩ Vân Thanh đã khám cho bệnh nhân này với bệnh cảnh tương tự nhưng không ngờ sau chừng đó thời gian cô gái vẫn không tự khống chế được hành vi làm đau gương mặt của mình. 

Benh hiem: Nghiẹn dùng kim dam da mạt chảy máu
 

Bệnh bắt đầu từ khi V. 16 tuổi. Da cô bé rất đẹp, khỏe, nhưng khi tuổi dậy thì trên mặt có vài nốt mụn nhỏ. Cảm thấy khó chịu vì nốt mụn đó, V. tự dùng cây kim nặn mụn. Dần dần, như một thói quen tới mức nghiện luôn cảm giác da mặt bị kích thích. Chỉ cần rờ lên mặt thấy hơi cộm là V. lại phải chọc kim moi ra bằng được. 

V. chia sẻ với bác sĩ, ngày nào cũng trốn vào nhà tắm chọc mụn cả hai tiếng đồng hồ, tới lúc mỏi mệt quá dựa vào tường thì thấy gương mặt toàn máu. Đến lúc đó V. mới đau đớn, còn trong lúc đâm kim lên mặt cô bé vô cùng thích thú.

Mẹ và anh của V. từng đưa V. đi khám tâm thần nhưng không có kết quả, về nhà V. giấu thuốc không uống và khẳng định mình không điên. Lần này quá bế tắc, V. tìm đến bác sĩ mong điều trị bệnh da chứ không muốn bị coi là bệnh nhân tâm thần.

Ngoài V., bác sĩ Vân Thanh cũng đang điều trị một trường hợp có bệnh cảnh tương tự là bà V.T.X., 57 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Lần đầu tiên bà X. tìm đến bác sĩ Thanh là ngày 15/7/2015. Bệnh cũng khởi phát từ nốt mụn nhỏ trên mặt.

Bà X. lấy kim chích vào, khều ra bằng được. Bệnh tiến triển nặng dần, bệnh nhân cảm thấy có con gì bò dưới da mặt, phải rạch xé da mặt để bắt sinh vật kia ra. Bác sĩ hỏi bệnh nhân có bắt được không, bà X. nói nó chạy mất…

Theo bác sĩ Vân Thanh, sai lầm lớn nhất khi điều trị cho các bệnh nhân này là cách ứng xử của người nhà. Cả hai bệnh nhân đều phản ứng rất mạnh với việc bị coi là bệnh nhân tâm thần, chán nản và có ý định tự tử bởi không được đồng cảm. Bản thân họ cũng biết mình làm thế là sai nhưng lại không tự khống chế được cơn nghiện. 

Bác sĩ khuyên người thân hãy đồng hành giúp bệnh nhân vượt qua chính mình. Ví dụ khi thấy con gái định đâm khều mụn, người mẹ hãy giữ con lại bằng cách trò chuyện, hướng con tới suy nghĩ khác.

Ban đầu, chỉ cần vài tiếng để con cảm thấy mụn ở trên mặt mình cũng không hề gì. Thời gian cứ thế tăng dần lên sẽ giúp bệnh nhân thích nghi, từ đó sửa đổi được hành vi tự làm tổn thương chính mình của người bệnh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI