Trong vòng một tháng nay, tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, số ca mắc bệnh Kawasaki bỗng nhiên tăng đột biến. Từng được xem là căn bệnh “lạ và hiếm”, Kawasaki tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì gây tổn thương tim, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Tương tự, cháu Gia Bảo (bốn tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) được phát hiện dãn động mạch vành sau nhiều ngày sốt dai dẳng không hạ. Thấy con phát ban và phồng rộp lưỡi, gia đình nghĩ trẻ “bị nóng” nên tìm đủ thứ “lá mát” cho uống. Đến ngày thứ sáu không giảm sốt, Gia Bảo được đưa vào BV và cũng được kết luận mắc Kawasaki, căn bệnh “lạ tai” đối với nhiều gia đình.
BS Nguyễn Minh Đức - khoa Hồi sức cấp cứu tim tổng hợp, BV Nhi Trung ương - cho hay, khoa đang điều trị ba người mắc căn bệnh này, đồng thời cũng có hai bệnh nhân vừa xuất viện. BS Đức nhận định, căn bệnh này thường xuất hiện rải rác, không theo đợt, nhưng trong tháng qua lại có dấu hiệu gia tăng bất thường.
|
Một bệnh nhi đang được điều trị Kawasaki tại BV Nhi Trung ương |
Số ca bệnh gia tăng bất thường
Mới đây, bé Quốc Huy (bốn tháng tuổi, quê ở Hải Dương) đột ngột sốt cao kéo dài, đã uống thuốc hạ sốt nhưng chỉ sau hai-ba giờ, nhiệt độ cơ thể lại lên tới 38,5 - 39,50C. Sau ba ngày không giảm sốt, bé bị phồng rộp đầu lưỡi, bỏ bú và thường xuyên quấy khóc.
Sau khi nhập BV tỉnh, nghi ngờ bệnh nhi nhiễm khuẩn, các bác sĩ (BS) cho truyền kháng sinh, nhưng các triệu chứng sốt cao, rộp miệng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau hai ngày điều trị, BV kết luận cháu bị mắc bệnh Kawasaki và phải chuyển lên BV Nhi Trung ương điều trị.
Lần đầu tiên nghe tên căn bệnh lạ, mẹ cháu Quốc Huy không khỏi hoang mang, lo lắng: “Khi cháu được chuyển lên BV Nhi Trung ương, các BS phát hiện động mạch vành bị dãn, ảnh hưởng đến tim. Không ngờ, cháu phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm như vậy”.
Đặc biệt, do cơ thể kháng thuốc nên sau khi truyền thuốc đặc trị, bệnh nhi vẫn tiếp tục sốt cao, toàn bộ vùng da đầu ngón tay và đầu ngón chân của cháu bé đều bong tróc, mu bàn chân và bàn tay sưng đỏ.
|
Đôi bàn tay bong tróc là một trong những dấu hiệu của bệnh Kawasaki |
Sát thủ âm thầm
Theo BS Cao Việt Tùng - Trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch, BV Nhi Trung ương, Kawasaki là bệnh cấp tính có viêm mạch hệ thống. Để chẩn đoán bệnh này, phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng, với sáu biểu hiện bệnh.
Cụ thể, trẻ sốt liên tục trên năm ngày; có phát ban ở thân, chi, mặt; mắt có triệu chứng đỏ, viêm kết mạc và gỉ; lưỡi đỏ, nổi gồ như quả dâu tây; có hạch cổ sưng to; đầu chi đỏ, phù sưng mọng, giai đoạn muộn có thể bong da.
Trường hợp như cháu Quốc Huy có những biểu hiện bệnh rõ rệt nên khá thuận lợi trong việc phát hiện. Nhưng với những bệnh nhi không có các dấu hiệu điển hình, bệnh rất dễ bị nhầm với ban dị ứng hay nhiễm khuẩn do liên cầu. Điều đáng lo ngại là, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, Kawasaki mang đến nhiều nguy cơ, thậm chí gây tử vong.
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của Kawasaki là bệnh nhân bị tổn thương động mạch vành, khiến động mạch vành bị dãn, phình to. Năm 2016, BV Nhi Trung ương tiếp nhận một trường hợp nhập viện sau khi sốt kéo dài hơn chục ngày.
Bên cạnh các biểu hiện điển hình, khi siêu âm, các BS phát hiện động mạch vành của trẻ bị phình to và có cục máu đông. Do nhập viện quá muộn nên trẻ đã tử vong vì nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, Kawasaki còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng, hay viêm màng não và viêm tim…
Các bệnh nhân mắc Kawasaki hiện đang được điều trị bằng phương pháp truyền IVIG (Immuno Globuline tĩnh mạch) với kết quả khả quan khi sử dụng vào thời điểm sau sáu ngày và trước 10 ngày kể từ thời gian trẻ bắt đầu sốt.
“Các nghiên cứu cho thấy, điều trị bệnh trước sáu ngày sẽ dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao. Điều trị bệnh đúng thời điểm, tuy không thể giảm 100% các biến chứng nhưng sẽ làm giảm tỷ lệ mắc tổn thương động mạch vành hoặc làm tăng khả năng phục hồi bệnh” - BS Cao Việt Tùng thông tin.
Huyền Anh
BS Trần Văn Dễ - Giám đốc BV Nhi Đồng Cần Thơ
Mỗi năm, BV Nhi Đồng Cần Thơ tiếp nhận khoảng 10 ca mắc bệnh Kawasaki. Bệnh khởi phát cấp tính và khó chẩn đoán với các triệu chứng phát ban, sốt cao kéo dài, nổi hạch cổ, bong rộp da; có bé còn bị đau bụng, vàng da. Đây là bệnh nguy hiểm, nhưng triệu chứng bệnh dễ bị bỏ sót.
Tại TP.HCM, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp mắc Kawasaki. Hiện, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Giới chuyên môn cho rằng, bệnh có thể liên quan đến nhiễm vi trùng hay siêu vi trùng hoặc nghi ngờ có liên quan đến phản ứng miễn dịch. Cho đến nay, thế giới ghi nhận Kawasaki là bệnh không lây nhiễm, không di truyền.
Tuy tỷ lệ mắc Kawasaki trong cộng đồng khá cao, nhưng bệnh ít gây tử vong; ngược lại, biến chứng của nó thì rất khó lường. Do đó, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm, đúng cách. Do vẫn chưa biết nguyên nhân gây bệnh, nên hiện chưa có biện pháp phòng ngừa. Nếu thấy trẻ sốt kèm theo phát ban, nổi mẩn đỏ ở da, phụ huynh nên đưa con đến BS chuyên khoa nhi ngay để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Quốc Ngọc
Kawasaki được phát hiện vào năm 1961 tại Nhật Bản, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trước đây, Kawasaki được xem là căn bệnh hiếm, nhưng hiện tại, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh là từ 50 - 100 trẻ/100.000 người. Mỗi năm, BV Nhi Trung ương tiếp nhận, điều trị cho từ 80 - 100 trẻ mắc bệnh này.
Chưa có bằng chứng về việc Kawasaki có thể lây nhiễm, truyền từ người qua người. Tại Nhật Bản, bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng ở Việt Nam lại rải rác quanh năm. |