Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì?

25/10/2020 - 06:33

PNO - Một số yếu tố khởi phát hen suyễn bao gồm tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, vi rút, tập thể dục, cảm xúc căng thẳng...

 

Có nhiều loại hen suyễn và một số yếu tố có thể gây ra hen suyễn hoặc khởi phát thành một cơn hen cấp tính, trong đó có thức ăn. Do đó, cần tránh những thức ăn này nếu nó có thể kích thích cơn hen.

Dị ứng là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể một ai đó phản ứng quá mức với một chất mà hầu hết đối với người khác thường vô hại. Những chất này còn được gọi là chất gây dị ứng.

Tiếp xúc với chất gây dị ứng có thể gây kích ứng hoặc sưng tấy ở các vùng trên cơ thể như mũi, mắt, phổi, đường dẫn khí và da. Một phản ứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các loại thức ăn và hóa chất thực phẩm thường gây dị ứng

Dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có khả năng gây dị ứng nhưng các loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất gồm:

 - Một số loại ngũ cốc, hạt quả: bột mì, đậu phộng, đậu nành. Đậu phộng chính là loại thức ăn gây dị ứng thường gặp nhất ở trẻ trên 4 tuổi.

 - Sữa bò, các loại thuỷ sản có vỏ cứng: tôm, cua, sò, ốc. Ngoài ra, còn có lòng trắng trứng vốnchứa 23 loại glucoprotein khác nhau – đây là các dị ứng nguyên thường gặp nhất gây dị ứng thức ăn.

 - Một số loại trái cây: chuối, thơm, dâu tây.

  - Bột ngọt (monosodium glutamate): đây là một nguyên nhân “thầm lặng” có thể làm bệnh hen có thể trở nên trầm trọng hơn. Đây là một hóa chất tự nhiên, thường được sử dụng như một chất phụ gia để tăng hương vị, đặc biệt là trong các món ăn mặn... có thể gây ra bệnh hen suyễn ở những người nhạy cảm với bột ngọt.

 - Các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm: aspartame (là loại chất làm ngọt –Nutrasweet- có trong nhiều loại thưc phẩm và nước giải khát), BHA và BHT-BHA (chất chống oxy hoá thường dùng cho ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc), muối nitrate và nitrite (thường dùng làm chất bảo quản, dậy mùi, tạo màu), các chất parabens, sulfite (để bảo quản thực phẩm).

- Sulphit: chẳng hạn như sulfur dioxide và natri metabisulphite. Những chất phụ gia này thường được sử dụng trong thực phẩm chế biến làm chất bảo quản. Các nguồn phổ biến bao gồm rượu vang, nước ép trái cây, cá đóng hộp và trái cây khô.

 - Chất tạo màu thực phẩm: chẳng hạn như chất nhuộm màu thực phẩm màu vàng tartrazine. Tuy nhiên, chất tạo màu thực phẩm rất hiếm khi kích hoạt cơn hen suyễn. Nói chung, nếu một người bị hen suyễn phản ứng với một màu thực phẩm, họ nên đảm bảo tránh ăn bất kỳ chất tạo màu thực phẩm nào

 - Salicylat: salicylat tự nhiên cũng có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cà phê hòa tan, nước tương, tương cà chua và nước sốt, bia và mật ong. Thuốc aspirin (axit acetylsalicylic) cũng là một salicylate. Các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) cũng có thể gây ra các cuộc tấn công nguy hiểm ở những người nhạy cảm với aspirin. Khoảng 5% - 10% những người bị hen suyễn nhạy cảm với salicylat. 

Một số thực phẩm không viết rõ tên chất bảo quản mà viết bằng ký hiệu, do đó bạn phải đọc nhãn trên các sản phẩm thực phẩm thật kỹ. 

Một số số phụ gia thực phẩm cần nhớ bao gồm: sulphite: 220–228; tartrazine: 102; chất tạo màu thực phẩm khác: 107, 110, 122–129, 132, 133, 142, 151, 155; bột ngọt: 620–625.

 

Xác định thực phẩm gây kích hoạt cơn hen bằng cách nào?

Nếu nghi ngờ một số loại thực phẩm là tác nhân gây hen suyễn cho bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể cho bạn kiểm tra da dị ứng để tìm xem bạn có bị dị ứng với những thực phẩm này hay không. Bác sĩ hoặc chuyên gia về dị ứng có thể tiến hành xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chích da để xác định dị ứng cho bạn.

Không có chế độ ăn kiêng đặc biệt cho bệnh nhân hen suyễn 

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người bị hen suyễn bị dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thức ăn làm bùng phát cơn hen. 

Điều quan trọng cần nhớ là không có thực phẩm nào gây ra hoặc ngăn ngừa bệnh hen suyễn. 

Giống như mọi người bình thường khác, những người mắc bệnh hen suyễn nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng bao gồm nhiều thực phẩm tươi sống và hạn chế thực phẩm chế biến công nghệ. 

Nếu bạn lo lắng về chế độ ăn uống của mình, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. 

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI