Bệnh do vi rút Marburg tại Rwanda có triệu chứng gì?

13/10/2024 - 20:50

PNO - Nguy cơ bệnh do vi rút Marburg xâm nhập vào TPHCM là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra.

Ngày 13/10, Sở Y tế TPHCM đã có những thông tin liên quan về bệnh do vi rút Marburg (MVD) gây ra.

Theo đó, ngày 27/9, Bộ Y tế Rwanda ra thông báo lần đầu tiên, MVD xuất hiện tại nước này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến ngày 10/10 đã ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp mắc bệnh do MVD bao gồm 13 trường hợp tử vong, có 15 trường hợp được xác nhận đã hồi phục bệnh, 30 trường hợp còn lại đang được chăm sóc tại trung tâm điều trị Marburg. Tỉ lệ tử vong theo ca bệnh là 22% đã được báo cáo tại Rwanda.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda, ảnh WHO
Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda - Ảnh: WHO

WHO đánh giá nguy cơ của đợt bùng phát bệnh là rất cao ở cấp quốc gia, cao ở cấp khu vực châu Phi và thấp ở cấp độ toàn cầu, khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại và thương mại với Rwanda.

Bệnh do MVD trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, là một căn bệnh có thể xuất phát từ dơi ăn quả, lây truyền sang người khi tiếp xúc. MVD có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, nội tạng hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh, hay gián tiếp qua vật tiếp xúc.

Trong đó, nhân viên y tế thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, vì vậy cần có các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chặt chẽ. Ngoài ra, nếu tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người quá cố cũng có thể góp phần vào việc lây truyền mạnh MVD.

Khi bị MVD, người bệnh đột ngột bị sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu, đau nhức cơ bắp, tiêu chảy nhiều nước nghiêm trọng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba của bệnh.

Từ ngày thứ hai đến ngày thứ bảy sau khi phát bệnh, người bệnh bị phát ban không ngứa, có biểu hiện xuất huyết, bao gồm có máu tươi trong chất nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu và âm đạo, chảy máu tại các vị trí chích tĩnh mạch.

Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong khoảng từ 8-9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, do mất máu nghiêm trọng và sốc. Hiện tại bệnh chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị.

Hầu hết các đợt bùng phát MVD đã xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, vi rút đã lây lan ra khắp thế giới thông qua khách du lịch bị nhiễm bệnh hoặc nhân viên bị lây nhiễm trong phòng thí nghiệm.

Sở Y tế cho biết, đánh giá khả năng lây nhiễm MVD từ Rwanda sang TPHCM khá thấp. Bởi không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc. Tính từ tháng 1/2023 đến 30/9 năm nay, TPHCM không có tàu thuyền trực tiếp từ Rwanda về. Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ châu Phi về đến TPHCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg là 21 ngày.

Ngày 11/10, Cục Y tế Dự phòng cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda.

Ngành Y tế TPHCM đã tăng cường cập nhật thông tin về MVD, cũng như các bệnh do truyền nhiễm mới nổi khác trên thế giới; tăng cường giám sát người nhập cảnh đến từ các vùng có dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẵn sàng các biện pháp can thiệp nếu phát hiện ca bệnh xâm nhập; truyền thông nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ nhiễm MVD và các biện pháp bảo vệ mà cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm lây truyền ở người.

Sở Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đi du lịch ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Đối với người đã từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện bản thân có những triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đi khám bệnh ngay tại các cơ sở y tế, cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI