Bệnh đổ thừa

09/07/2015 - 08:27

PNO - PN - Chuyện tại một tòa soạn báo ở miền Trung, về việc đưa tin lãnh đạo địa phương đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ. Không biết vì lý do gì mà dòng chữ đặt vòng hoa lại thiếu mất một chữ. Báo chưa ra hết ngoài sạp, cơ...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Lỗi của nhân viên đánh máy” - cụm từ này thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện ở các quan chức, khi những phát ngôn đưa ra bị... hố hàng! Đổ lỗi như thế là hèn kém tư cách, không dám nhận trách nhiệm, mà đẩy cho thuộc cấp. Từ đổ thừa cho giấy tờ, máy móc đến đổ thừa cho thời tiết, nhân lực, trời đất, địa hình. Giờ có mạng xã hội thì thêm một chỗ để đổ thừa khi làm việc không đúng quy trình là do… rò rỉ thông tin.

Benh do thua

Cũng tại một tỉnh miền Trung nổi tiếng lắm vàng và gỗ quý, khi cử tri phản ánh với đại biểu Quốc hội và cán bộ trung ương về chuyện phá rừng, đào vàng vô tội vạ dai dẳng nhiều năm mà không ai ngăn chặn, các quan sở tại giải trình: tại lực lượng mỏng không phát hiện được, địa hình phức tạp, thiếu kinh phí.

Câu hỏi được nêu ra ngay cuộc họp: các ông có kiểm lâm, công an, biên phòng ngay địa bàn, chỉ cần một người lạ xuất hiện là biết ngay, khai thác vàng cách trụ sở xã chỉ 500m mà không biết là sao? Câu trả lời của chủ tịch huyện là lâu nay đi học nên chưa nghe anh em báo cáo!

Khi dự án lớn đổ bể, bỏ hoang; công trình vay vốn ODA sụt lún, hư hỏng, bị rút ruột; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt, tham nhũng tràn lan, khi giải trình, một số quan chức đổ thừa do cấp dưới không tuân thủ quy trình, không tu dưỡng rèn luyện, không thực hiện đúng quy định cấp trên, chồng chéo trách nhiệm do cơ chế chưa rõ…, các vị còn không quên thêm một câu là tại cơ chế thị trường nó phức tạp lắm. Oan sai rành rành, thì đổ do anh em nôn nóng, do bệnh thành tích, năng lực khiếm khuyết. Nhiều vị “đánh bùn sang ao” rất giỏi, còn đổ lỗi cả cho quá khứ, cho lịch sử...

Mấy năm gần đây người ta có thêm xu hướng đổ thừa cho lớp trẻ. Nhiều người trẻ thất bại khi dấn thân vào đời, thì đổ lỗi do môi trường không tốt, không thuận lợi để mình phát huy năng lực. Mới đây tại một lớp cấp II ở Đà Nẵng, 2/3 học sinh thi môn văn học kỳ II dưới điểm 5. Cô giáo dạy văn đứng lớp nói: tại các em không chịu rèn luyện. Một phụ huynh tức quá đứng lên có ý kiến: tất cả những em này đều học thêm môn văn do cô dạy, vừa trên lớp, vừa ở nhà cô, không lẽ lỗi là của riêng các em? Cô dạy ra sao mà khi quận ra đề “mở” là học sinh bó tay? Cô giáo cứng họng.

Sai thì phải sửa, có lỗi thì phải nhận. Con người sinh ra luật lệ, cơ chế để khép chuyển động xã hội vào khuôn khổ, đi đúng đường. Một khi phát hiện guồng máy bị lỗi, là phải nhanh chóng thay đổi, sửa liền. Một gia đình, một tổ chức đều có người đứng đầu. Hễ sai, người đứng đầu phải... đưa đầu chịu trách nhiệm chứ không thể đổ thừa, đùn đẩy. Nghĩ bậy, làm bậy, dứt khoát sẽ có kết quả bậy, nhân nào quả nấy, không thể đổ thừa cho ai được. Ở lĩnh vực hành chính, quản trị xã hội, một khi văn hóa từ chức chưa trở thành nếp sống, thành thói quen được nuôi dưỡng bằng lòng tự trọng, chưa bị khép vào luật lệ, thì khi đó bệnh đổ thừa cho tập thể, cho trời đất vẫn ung dung sống.

Mà hình như, đổ thừa đã là thuộc tính của người Việt. Hãy nhớ lại, ai cũng có tuổi thơ chập chững tập đi, bỗng nhiên vấp té và la khóc, tức thì bà hay mẹ ào tới: Ôi tội con quá, để bà/mẹ đánh cái ghế, cái nền gạch này đã làm con đau! Ngay tại lúc đó, nguyên nhân khách quan đã đóng triện vào bộ nhớ con người và như thế nó sẽ là... đường dẫn cho những suy luận lớn dần theo năm tháng, rằng tất cả là do ai đó, vì một nguyên nhân nào đó ngoài mình chứ không phải do mình.

TRUNG VIỆT 

Bài vở tham gia trên trang Bạn đọc, vui lòng gửi về email: bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI