Bệnh cúm gia tăng cục bộ, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh

08/02/2025 - 12:59

PNO - Ngày 8/2, Bộ Y tế ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bệnh nhi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - ảnh: T.S.
Bệnh nhi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - ảnh: T.S.

Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu.

Trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Tác nhân chủ yếu gây bệnh là chủng cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Ngoài ra, bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng... làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút.

Đồng thời, các đơn vị chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp...

Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Bộ Y tế cũng lưu ý: “UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý các cụm, khu công nghiệp, các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng và ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục đào tạo phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh.

Đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh”.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI