Bệnh chồng bệnh vì nghe tư vấn bán thuốc online

03/06/2021 - 06:07

PNO - Nhiều bác sĩ, lương y bức xúc vì tên tuổi của mình bị mạo danh trên mạng xã hội để bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Trong khi đó, vì dịch bệnh người tiêu dùng ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh, tin theo tư vấn online nên rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.

Giả danh bác sĩ, bán hàng qua mạng

Gần đây, chiêu bài tư vấn, bán thuốc online đang nở rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ tên từng “mặt bệnh” có thể thấy hàng loạt trang Facebook quảng cáo tư vấn bệnh miễn phí thông qua số hotline. Thậm chí, chỉ cần để lại số điện thoại cá nhân, các “dược sĩ”, “bác sĩ” này sẽ trực tiếp điện thoại thăm khám và kê đơn. 

Trong vai một phụ nữ bị nám mặt, phóng viên gọi tới số hotline và được người ở đầu dây bên kia cho biết là bác sĩ da liễu làm việc tại nhà thuốc của Học viện Quân y. Sau khi hỏi tình trạng da, bác sĩ này cho biết, đây là triệu chứng của bệnh nám chân sâu nên cần sử dụng hai loại kem trị nám 100% từ thảo dược thiên nhiên với mức giá gần 400.000 đồng/hộp, kết hợp bôi đêm và ngày. Tuy nhiên, anh này nhấn mạnh do nám chân sâu, thời gian điều trị phải kiên trì, nên mua cả một liệu trình thay vì mua lẻ vì có mức giá ưu đãi hơn. 

 

Bệnh viện Da liễu Trung ương lên tiếng vì bị giả mạo để tư vấn, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc cho khách hàng
Bệnh viện Da liễu Trung ương lên tiếng vì bị giả mạo để tư vấn, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc cho khách hàng

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, một đại diện của Học viện Quân y cho hay, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản xuất TPCN Học viện Quân y có nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm điều trị về nám da, tuy nhiên, không hề triển khai hình thức bán hàng, tư vấn qua mạng xã hội và điện thoại. Mọi hoạt động mua bán sản phẩm, tư vấn đều diễn ra trong khuôn viên của học viện, do đó, người mua cần cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe của mình.

Tương tự, thông qua một diễn đàn của bệnh nhân điều trị tiểu đường, chúng tôi phát hiện có rất nhiều bình luận, mời bệnh nhân điện thoại, để lại thông tin để được tư vấn miễn phí. Liên hệ với một tài khoản Facebook - nhận mình là bác sĩ nội tiết từng học tại Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, tôi được cảnh báo nếu lạm dụng thuốc tây sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Theo phân tích, loại thuốc này khiến cơ thể bị phụ thuộc và phá hủy chức năng gan thận. Trong khi đó, thuốc nam do cơ sở này sản xuất lại có khả năng tấn công vào tuyến tụy để tự sản sinh insulin, bảo toàn chức năng gan, thận; đồng thời, đào thải các độc tố do từng uống thuốc tây trước đây… 

Không chỉ có tình trạng tự phong dược sĩ, bác sĩ, nhiều trang bán hàng hiện nay còn sẵn sàng sử dụng trái phép hình ảnh của các bác sĩ uy tín để tư vấn, tạo niềm tin cho sản phẩm của mình.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Vũ Thái Hà, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bức xúc, một trang mạng bán thực phẩm chức năng cho người bạc tóc đã tự ý lấy hình ảnh của mình để nhận tư vấn, quảng cáo, trong khi bác sĩ không hề biết tới sản phẩm cũng như đơn vị bán hàng.

“Tôi chỉ biết tới sản phẩm này sau khi được bạn bè phát hiện hình ảnh của mình đăng tải kèm với sản phẩm. Tôi đã nhờ can thiệp, phản ánh tới trang bán hàng này nhưng rất lâu sau đó, họ vẫn ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh của tôi”, bác sĩ Vũ Thái Hà kể.

Bệnh viện Da liễu Trung ương đã từng phải lên tiếng vì tình trạng bị đối tượng mạo danh cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện nhắn tin, gọi điện tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc. Bệnh viện khẳng định, không triển khai khám bệnh online trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào.

Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho hay, tên tuổi và hình ảnh của ông cũng nhiều lần bị các địa chỉ bán thuốc đông y, nam y “online” sử dụng mà không hề có sự đồng ý, cho phép nào. Theo ông, nhiều lương y cũng bị tình trạng giả mạo, lợi dụng tên tuổi nhưng hiện chưa có biện pháp đủ mạnh để chấm dứt.

người bệnh không nên tùy tiện nghe theo những lời tư vấn qua mạng để tránh gặp hậu quả đáng tiếc.
Người bệnh không nên tùy tiện nghe theo những lời tư vấn qua mạng để tránh gặp hậu quả đáng tiếc (ảnh minh họa)

Người bệnh lãnh đủ

Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản cảnh báo, để có một đơn thuốc kê, ngoài thông tin mà bệnh nhân cung cấp, bác sĩ cũng phải trực tiếp thăm khám, bắt bệnh để có bài thuốc hiệu quả. Đó là chưa kể, việc nhiều sản phẩm hiện nay quảng cáo quá công dụng, thậm chí có biểu hiện lừa dối người tiêu dùng. Do đó, người bệnh không nên tùy tiện nghe theo những lời tư vấn qua mạng để tránh gặp hậu quả đáng tiếc. 

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.V.P. (67 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) trong tình trạng nhiễm độc nặng. Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân tụt huyết áp, suy hô hấp, đau tức ngực, xét nghiệm máu bị nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng… Theo gia đình bệnh nhân, ông P. có tiền sử bệnh đái tháo đường nhưng thời gian gần đây không điều trị tại bệnh viện mà nghe theo những lời quảng cáo, sử dụng loại thuốc nam, dạng viên màu vàng, không có nhãn mác, không rõ thành phần, hàm lượng. Thời gian đầu chỉ số đường huyết có giảm nhưng bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, ý thức chậm chạp… Tới khi đưa vào bệnh viện, tình trạng của ông P. đã diễn biến nhanh, nặng nề. 

Do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân phải thở máy, dùng thuốc vận mạch kết hợp lọc máu liên tục. May mắn, sau hai ngày lọc máu liên tục, tình trạng nhiễm toan đã cải thiện. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tỉnh táo… Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm mẫu thuốc nam mà bệnh nhân P. sử dụng cho thấy có thành phần phenformin - là loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường từ những năm 1950. Thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong sau khi sử dụng. 

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo trước tình trạng tư vấn, gọi điện thoại giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm cho hay, nhiều cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh của các cơ sở y tế cũng như các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế… Đặc biệt là trường hợp gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, y sĩ, dược sĩ bắt bệnh và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, một trong những mánh khóe mà Cục An toàn thực phẩm chỉ ra là có những trường hợp nhận mình là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng để giới thiệu và bán sản phẩm. 

Minh Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI