Bệnh chân tay miệng tăng mạnh ở Hà Nội, nhiều ổ dịch ở trường mầm non

10/10/2023 - 16:51

PNO - Số ca bệnh chân tay miệng tại Hà Nội trong tuần đầu tháng 10 tăng mạnh, gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và 3,5 lần so với cuối tháng 8.

 

Bệnh nhi mắc chân tay miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhi mắc chân tay miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngày 10/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần đầu tiên của tháng 10 đã ghi nhận 265 ca mắc tay chân miệng. Con số này tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.

Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần. Đáng lưu ý, liên quan tới căn bệnh này, TP đã ghi nhận các ổ dịch xảy ra tại trường mầm non. Một số quận, huyện có số mắc tăng cao như: Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… Theo CDC Hà Nội, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

Tính từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trước tình trạng này, CDC Hà Nội khuyến cáo cần phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học bằng cách tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

Theo các chuyên gia, trẻ mắc chân tay miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.

Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Khi bệnh nhẹ, phụ huynh có thể chăm sóc con tại nhà. Tuy nhiên, trẻ cần nhập viện với các triệu chứng như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI