Bệnh chàm nhỏ, chữa sai sẽ thành bệnh lớn

25/05/2016 - 17:12

PNO - Chàm (tên y học gọi là eczema) là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến, thường phát triển ở trẻ nhỏ, xuất hiện ở trẻ khoảng ba tháng tuổi

Benh cham nho, chua sai se thanh benh lon
Chàm thường xuất hiện ở trẻ trong 3 tháng đầu đời

Chàm (tên y học gọi là eczema) là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến, thường phát triển ở trẻ nhỏ, xuất hiện ở trẻ khoảng ba tháng tuổi và sẽ giảm dần sau một vài năm. Tuy nhiên, nếu không chú ý và có các biện pháp điều trị Eczema phù hợp, chứng bệnh này có thể phát triển dai dẳng đến khi trẻ trưởng thành và gây mất thẩm mỹ cho làn da.

Bệnh chàm ở trẻ là trạng thái viêm lớp nông của da, cấp hay mãn tính, xuất hiện thành từng đợt, hay tái phát. Triệu chứng của bệnh là trên da nổi đám mảng đỏ, mụn nước và kèm theo ngứa. Bệnh phát triển qua bốn giai đoạn: đỏ da, mụn nước, lên da non, liken hóa (hăm cổ trâu).

Nguyên nhân khiến trẻ bị chàm là do da khô, có xu hướng dị ứng. Chàm thường xảy ra đối với trẻ có làn da khô màu đỏ, nghèo lipid và cấu trúc da quá kín khít. Vì vậy, da bé dễ bị tổn thương hơn và các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập dẫn đễn quá trình da bị viêm. Sự phá hủy hàng rào chắn này sẽ dẫn tới những phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch được đặc trưng bởi chàm dị ứng. Ngoài ra, bé cũng có thể bị chàm do sự chăm sóc không hợp lí của mẹ.  

Cách phòng và trị bệnh chàm ở trẻ em:

1. Vệ sinh và tắm rửa

Thường xuyên cắt móng tay và giữ tay chân bé luôn sạch sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự trầy xước có thể gây viêm da bé.

Làn da trẻ em rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ kích ứng khi tiếp xúc với các chất hóa học có trong các sản phẩm tẩy rửa. Vì vậy, phụ huynh nên chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất hóa học gây hại hoặc nước tắm bằng lá cây để bảo vệ cho làn da của trẻ. Nước tắm của trẻ cũng không được quá nóng để trách gây tróc vảy, khô da.

2. Giữ ẩm làn da

Benh cham nho, chua sai se thanh benh lon
Mẹ nên dưỡng ẩm da cho bé

Để làn da trẻ không bị khô rát và ngứa ngáy các mẹ nên chú ý dưỡng ẩm da cho bé. Có thể tăng cường độ ẩm cho làn da của trẻ bằng cách thoa lên da của bé (2 lần/ngày) những loại lotion có chứa chất dưỡng ẩm cao, không màu, không mùi và chứa các hoạt chất thân thiện với làn da của trẻ nhỏ.

3.  Chế độ ăn uống hợp lý

Một chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng có thể dẫn đến bệnh chàm ở trẻ em. Hơn nữa, người mẹ mang thai không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cũng là yếu tố quyết định đến sự hình thành các vấn đề bất lợi cho làn da của trẻ. Do vậy, nên cho con trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển thể chất tốt nhất cho bé.  Nên duy trì sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể. Chỉ đa dạng các loại thức ăn cho bé từ 6 tháng trở đi. Ngoài ra, ăn cá có thể giảm mắc bệnh chàm ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho biết, trẻ ăn cá trước 9 tháng tuổi sẽ giảm nguy cơ bị eczema.

4. Sử dụng trang phục chất liệu thiên nhiên

Benh cham nho, chua sai se thanh benh lon
Khăm tắm của bé mềm mại bằng chất liệu tự nhiên

Để tránh gây kích ứng cho làn da của trẻ, bạn nên chọn cho trẻ các trang phục có chất liệu vải tự nhiên như cotton, không nên cho trẻ mặc các trang phục có nhiều chi tiết rườm rà, gây cọ xát vào da, làm trẻ ngứa ngáy.

Ngoài ra, bạn cũng nên chọn các loại chăn, gối, khăn lót, khăn tắm… có chất liệu mềm mại, thoáng khí để hạn chế tác hại có thể xảy ra với làn da của trẻ.

5. Giữ phòng ngủ mát mẻ và thoáng khí

Nhiệt độ cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên bệnh Eczema. Do vậy, bạn nên chú ý giữ căn phòng của trẻ luôn sạch sẽ, mát mẻ và thoáng khí để trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Trách để các loại động vật như chó, mèo tiếp xúc với trẻ vì lông của chúng có thể gây dị ứng cho làn da của bé.

Benh cham nho, chua sai se thanh benh lon
Luôn giữ phòng bé thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông

6. Điều trị bệnh bằng thuốc

Hiện nay, thuốc kháng sinh có chứa dermoticoit vẫn là giải pháp duy nhất mang lại hiệu cao trong điều trị bệnh eczema ở trẻ đang bú mẹ. Thuốc được điều chế dưới dạng kem, thuốc mỡ, gel, thuốc rửa…

Lưu ý khi dùng thuốc có chứa dermocorticoit: không dùng thuốc này cho vùng da mặt của trẻ, thuốc có thể gây teo da. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên trách lạm dụng thuốc.

7. Chăm sóc da bé thời kỳ bệnh đã ổn định

Tăng cường độ ẩm cho da của bé: dùng các loại kem dưỡng ẩm, làm mềm da dành riêng cho trẻ em. Nên đi khám bác sĩ nếu trẻ có triệu chứng tái phát chàm trở lại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI