Tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) Trần Công Thắng, Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: suy giảm và mất trí nhớ, không nhận ra người thân là điển hình của bệnh Alzheimer và bệnh đang ngày càng trẻ hóa.
Bỗng dưng đãng trí
Chiều 18/9, trước khu vực phòng khám Sa sút trí tuệ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người phụ nữ hơn 60 tuổi không chịu ngồi vào ghế, mà đứng năn nỉ cô gái kế bên: “Chị làm ơn dẫn em về nhà. Em phải về nấu cơm cho ba em ăn. Ba đi làm về mà không thấy em, ba đánh chết luôn. Chị làm ơn đi”.
|
Một buổi sinh hoạt của các bệnh nhân sa sút trí tuệ |
Cô gái dịu giọng: “Chị chờ chút nữa, em vô gặp BS rồi đưa chị về giùm. Nhưng muốn về nhanh thì chị vô gặp BS chung với em, chứ chị ở ngoài này đi lạc rồi không về nhà được đó”. Nghe vậy, người phụ nữ mới chịu ngồi xuống. Người đàn ông ngồi phía sau, hỏi cô gái “bà bệnh lâu chưa?”. “Hai năm”. “Ba tôi bốn năm, không nhận ra ai hết”.
Màn đối đáp giữa hai người gần như thì thầm, để hai “đương sự” chính không nghe. Đó là chị Võ Bích Thủy ở Q.Bình Tân và anh Lê Thanh Tùng ở Q.8, TP.HCM dẫn mẹ và cha đi tái khám bệnh Alzheimer.
Chị Thủy kể: “Hai năm trước, má tôi hay than mất đồ, lúc thì đôi dép, khi thì bộ đồ. Đến khi má than mất nữ trang, ti vi, tủ lạnh thì tôi nghi má có vấn đề. Sau đó, má vừa ăn cơm xong lại than “đói quá, cho má ăn cơm đi”. Rồi má không nhận ra chị em tôi, má cho rằng chị em tôi bắt cóc má và gào khóc đòi về”.
Sau đó, chị Thủy đưa má đi khám, BS kết luận bị bệnh Alzheimer giai đoạn 2 - rối loạn hành vi tâm thần, hoang tưởng, chống đối và không nhận ra người thân. Còn anh Tùng chốc chốc lại chạy theo cha cứ lăng xăng. Ông cụ ngoài 70 tuổi phản ứng khi anh Tùng đến gần: “Sao anh đi theo tôi hoài vậy?”. Anh Tùng cười “tại thấy anh đẹp trai nên theo hỏi bí quyết”.
Ông cụ cười tủm tỉm nói: “ngày xưa, gái làng chết mê chết mệt tôi đó”. Rồi ông ngồi xuống ghế, thao thao kể chuyện “tán gái”. Anh Tùng bộc bạch: “Lúc đầu, thấy cha quên mọi thứ nhà tôi ai cũng khó chịu, cự cha, bắt phải nói chính xác. Nhưng càng như vậy, cha càng căng thẳng và coi cả nhà như kẻ thù, ám hại cha để lấy tài sản. Sau, tôi nhập vai với cha luôn và hay nói đùa nên cha thoải mái hơn”.
Thuốc đặc trị bệnh sa sút trí tuệ: Tình thương
Theo BS Trần Công Thắng, trước đây, bệnh này hầu như chỉ gặp ở người sau 70 tuổi, một số ít sau 60 tuổi. Nhưng hiện nay, bệnh nhân sau tuổi 60 khá phổ biến và ngày càng có nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở tuổi 40-50.
Khi có người thân bị sa sút trí tuệ, người chăm bệnh được cung cấp kiến thức về bệnh, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc người bệnh.
Lưu ý: khi người bệnh ăn thì mình tranh thủ ăn, người bệnh ngủ thì mình tranh thủ ngủ.
Và khi làm cũng rủ người bệnh cùng làm để người bệnh, người nuôi bệnh luôn thấy có người đồng hành bên cạnh.
|
BS Trần Công Thắng cho biết, bệnh Alzheimer tuy không phải là căn bệnh đe dọa tính mạng trực tiếp nhưng lại tàn phá nghiêm trọng chất lượng sống của người bệnh và cả người thân.
Khi mắc bệnh mà không được chữa trị sớm, chỉ vài năm sau, bệnh tiến triển nặng, biến người bệnh thành một người ngây ngô, hoang tưởng, không nhận biết người thân, không nhận ra không gian, thời gian, không thể tự chăm sóc bản thân, dễ té ngã, suy kiệt…
Có thực tế buồn là khi con cái đưa cha mẹ đến khám triệu chứng quên thì hầu hết đã ở giai đoạn trung bình và nặng. Trong khi bệnh Alzheimer nói riêng và sa sút trí tuệ nói chung đều có những dấu hiệu sớm điển hình, đó là trí nhớ suy giảm, quên ngắn hạn.
Tuy nhiên, bản thân người bệnh và con cái đều cho rằng “có tuổi”, hoặc áp lực công việc nên chuyện quên, nhớ là bình thường, bỏ qua không đi khám. Ngay cả ở những người cao tuổi bắt đầu quên sạch hiện tại, chỉ nhớ chuyện xưa và không nhận ra con cháu, thì con cái cũng nghĩ “lẽ thường” và gọi bằng cái tên “lẩn” - như một sự đương nhiên chấp nhận bệnh ở người già.
Các chuyên gia thần kinh khẳng định: bệnh sa sút trí tuệ không thể chữa trị hết nhưng phát hiện sớm có thể giữ bệnh ổn định đến 15-20 năm. Còn để muộn 1-3 năm sẽ diễn biến rất xấu. Tuy vậy, đây là bệnh có thể phòng ngừa.
BS Trần Công Thắng phân tích: “Nguyên nhân gây bệnh là do tế bào thần kinh chết đi rất nhanh, có thể do di truyền hoặc stress. Trong đó, stress là nhóm đứng đầu. Ngoài ra, còn do ăn thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, thức khuya và một số bệnh lý: mạch máu não, tiểu đường, béo phì, di chứng tai biến”.
Phòng ngừa bệnh bằng cách: giữ cho não bộ cân bằng, không để stress. Ăn uống lành mạnh: uống nước đầy đủ; ăn thịt cá tươi, rau củ đầy đủ; ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục. Bên cạnh đó, nếu có bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, béo phì… phải điều trị hiệu quả.
Khi có dấu hiệu hay quên, quên mau, hãy đi khám và BS sẽ hướng dẫn cách tập luyện để gia tăng sự tập trung, ghi nhớ. “Người bệnh bị mất trí nhớ, nhưng không mất cảm nhận. Do đó, loại thuốc trị bệnh đặc hiệu chính là tình thương. Sự chăm sóc, đồng cảm, yêu thương của gia đình sẽ giúp người bệnh nhẹ nhàng hơn”, BS Thắng khuyến cáo.
Người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ dễ trầm cảm
TS-BS Trần Công Thắng nhấn mạnh: chưa có bệnh lý nào mà người chăm sóc bệnh được xem trọng tương đương bệnh nhân sa sút trí tuệ. Nếu chỉ một người chăm bệnh, mà không có người thay đổi, hỗ trợ thì rất dễ xảy ra tình trạng stress, quẫn trí dẫn đến bạo hành người bệnh.
Nguyên nhân là người chăm sóc suốt ngày ở nhà và đối diện với người bệnh không còn nhận ra bản thân mình và người thân. Sự tù túng, bức bách, chưa kể việc không đi làm được có thể thiếu tiền, vay nợ… cái vòng luẩn quẩn này dễ khiến người chăm sóc bị trầm cảm.
Một người chăm sóc người sa sút trí tuệ dạng nặng khoảng ba tháng mà không được hỗ trợ có thể bị trầm cảm. Ở nước ngoài, người chăm sóc người sa sút trí tuệ được nhà nước trả lương, có tổ chức, tình nguyện viên đến giúp đỡ để người chăm sóc được nghỉ ngơi.
BS Thắng cũng cho rằng, có thể trong một số trường hợp con cái bạo hành cha mẹ, nếu tìm hiểu kỹ, có thể ẩn sâu trong đó là sự phẫn uất, trầm cảm của những năm tháng một mình nuôi cha, mẹ bị sa sút trí tuệ.
|
Thùy Dương