Bến xe “ngàn tỉ” vẫn vắng khách sau 4 năm hoạt động

07/09/2024 - 06:24

PNO - Được đầu tư xây dựng hiện đại với quy mô lớn nhất cả nước, nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, bến xe Miền Đông mới vẫn vắng vẻ, ít khách.

Bến xe Miền Đông mới được xây dựng hoành tráng nhưng quá xa trung tâm thành phố, bất tiện cho hành khách
Bến xe Miền Đông mới được xây dựng hoành tráng nhưng quá xa trung tâm thành phố, bất tiện cho hành khách

Trên giấy có 229 tuyến, thực tế có 60 tuyến!

Bến xe Miền Đông mới có tổng diện tích trên 16ha, nằm ở địa phận TP Thủ Đức (TPHCM) và một phần thuộc TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), được khởi công vào tháng 4/2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, trong giai đoạn 1 đầu tư khoảng 774 tỉ đồng. Toàn bộ công trình được thiết kế kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước. Khi hoàn thành đưa vào khai thác dự kiến sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, đáp ứng mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách, 1.200 lượt xe xuất bến; ngày cao điểm, lễ, tết là 52.000 hành khách, hơn 1.800 lượt xe xuất bến.

Tuy nhiên, từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 10/2020) đến nay, lượng hành khách tại bến xe này không đạt kỳ vọng. Nếu tính từ ngày 1/1/2024 đến gần cuối tháng 6/2024, sản lượng hành khách chỉ đạt 1,15 triệu hành khách.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện bến xe khá vắng vẻ. 4 tầng của tòa nhà ga trung tâm trên mặt đất vẫn chưa sử dụng hết. Tại tầng trệt, những hàng ghế chờ được bọc nệm rất sang trọng chỉ có vài khách ngồi. Các quầy vé sáng điện nhưng nhiều quầy không có nhân viên. Khu bán nước uống, đồ ăn thỉnh thoảng mới có khách.

Anh Nguyễn Tấn Phát đang chờ xe đi Huế, nói: “Ngồi đây, tôi cảm thấy an toàn và sạch sẽ, tốt hơn những bến xe khác rất nhiều. Tuy nhiên, bến nằm xa trung tâm quá, mỗi lần ra đây mất gần 1 tiếng và mấy chục ngàn đồng xe ôm. Nếu 2 người thì phải đi taxi”.

Chán nản cảnh mỗi lần về quê phải lỉnh kỉnh hành lý đi cả chục km ra bến, tốn tiền và tốn thời gian, chị Nguyễn Thị Thảo (quê Bình Định) đã tìm xe khác đưa đón gần nơi ở. “Dù có xe trung chuyển, nhưng gặp lúc kẹt xe cũng mất gần 2 tiếng mới ra đến bến. Nên sau này, tôi đổi sang xe khác, từ nhà ra chỗ lên xe chỉ mất 15-20 phút. Người ta nói đó là xe dù, bến cóc gì đó tôi không rõ. Tôi chỉ biết xe nào thuận tiện thì tôi đi” - chị Thảo nói.

Việc khách không đến bến khiến các doanh nghiệp vận tải khách bị ảnh hưởng. Bà Phùng Thị Thu Nga - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trung Nga - cho hay, bến xe nằm xa nội đô, từ trung tâm thành phố đi taxi ra mất khoảng 250.000 đồng nên người dân không đi. Để có khách, doanh nghiệp phải tổ chức xe trung chuyển từ trung tâm ra bến, rất vất vả cho cả nhà xe lẫn khách, nên lượng khách ngày càng ít dần. Trong khi mỗi tháng doanh nghiệp tốn cả trăm triệu đồng tiền thuê bến bãi ở 2 đầu tuyến. Bà Phùng Thị Thu Nga nói: “Thời buổi này người ta nằm ở nhà mua hàng online, được shipper mang đến tận cửa, thì sao bắt người ta đi hàng chục cây số ra bến xếp hàng mua vé được!”.

Nhận định về nguyên nhân vắng khách của bến xe Miền Đông mới, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM - cho rằng, bến xe đặt ở khá xa trung tâm thành phố (khoảng 20km), khiến thời gian đi lại lâu và chi phí tăng. Bên cạnh đó, hệ thống tiếp chuyển cho khu vực bến chưa hoàn chỉnh, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng chưa đi vào hoạt động. Đặc biệt, theo đà phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của hành khách đã khác xa so với lúc bến xe được quy hoạch. Cũng phải xem lại khâu tổ chức tiếp chuyển đã tốt chưa, thời gian đi lại của hành khách ngắn nhất và chi phí thấp nhất chưa.

Còn theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình khai thác là do thói quen đi lại của hành khách đến bến mới chậm được hình thành; phương án tổ chức trung chuyển hành khách chưa đáp ứng nhu cầu; hạ tầng giao thông xung quanh khu vực bến chưa hoàn thiện, đồng bộ…

Để phát huy hiệu quả của bến xe Miền Đông mới, thời gian qua sở này đã nhiều lần di dời các tuyến xe khách liên tỉnh cố định ở bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) qua bến mới. Gần đây nhất, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất, di dời thêm 11 tuyến xe khách cố định từ TPHCM đi Bình Dương và ngược lại từ bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến xe Miền Đông mới, nâng tổng số tuyến xe tại bến mới lên 229 tuyến. Nhưng thực tế ở bến hiện chỉ có khoảng 60 tuyến hoạt động vì nhiều chặng chưa có doanh nghiệp vận tải đăng ký hoặc đã tạm dừng.

Bến xe được kỳ vọng phục vụ 7 triệu khách/năm nhưng hiện nay chỉ loe hoe hành khách
Bến xe được kỳ vọng phục vụ 7 triệu khách/năm nhưng hiện nay chỉ loe hoe hành khách

Muốn khách đến bến, phải tạo thuận tiện tối đa

Theo ông Lê Trung Tính, để tăng lượng hành khách, bến xe Miền Đông mới cần phải điều tra xã hội học, tìm hiểu nhu cầu của khách đi xe, nhà xe và nhân viên cung ứng dịch vụ; phải nghiên cứu đáp ứng thỏa đáng ngay những gì khách hàng đã và đang yêu cầu; tăng cường đầy đủ các dịch vụ còn thiếu và nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phải giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu các tuyến xe buýt nhanh, dừng đỗ ít trạm, thậm chí chạy suốt cho những khách có nhu cầu đi suốt tuyến, nhằm rút ngắn thời gian. Đồng thời, giao cho Phòng Quản lý vận tải đường bộ đề xuất UBND TPHCM hoặc báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép các tuyến đi - đến từ bến xe Miền Đông mới đến các bến xe liên tỉnh có thể chở kết hợp hành lý, hàng hóa. Vì việc mang theo nhiều hành lý, hàng hóa là đặc trưng của đối tượng hành khách đi lại liên tỉnh.

Bà Phùng Thị Thu Nga cho rằng, cần xây dựng 1 văn phòng đại diện ở khu vực trung tâm để doanh nghiệp vận tải khách nhận khách rồi trung chuyển ra những địa điểm thuận lợi hơn. Như vậy, nhà xe mới có nguồn khách để tiếp tục hoạt động tại bến xe Miền Đông mới. Trước đó, Công ty TNHH Vận tải Trung Nga của bà Thu Nga đã kiến nghị xin cho xe giường nằm ngừng 5 phút ở đoạn cuối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức) để trung chuyển khách vào trung tâm. Bởi, “nếu xe chạy đến bến xe Miền Đông mới rồi mới trung chuyển khách ngược vào trung tâm sẽ mất thêm 1 giờ 30 phút nữa. Như vậy, hành khách sẽ không muốn đi xe của chúng tôi nữa” - bà Thu Nga chán nản.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thời gian qua sở đã làm việc với Tổng công ty SAMCO (đơn vị trực tiếp quản lý bến xe Miền Đông mới) để xây dựng phương án tiếp chuyển hành khách đi - đến các bến xe được thuận lợi. Một nội dung của phương án là sử dụng phần mềm trên thiết bị thông minh để tương tác giữa bến xe, nhà xe, hành khách để có phương án tiếp chuyển. Qua ứng dụng, hành khách có thể theo dõi lộ trình và đăng ký tiếp chuyển đi, đến các bến xe. Thời gian vận chuyển từ 0 - 24g các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tết. Chi phí tiếp chuyển sẽ được tính vào cơ cấu giá vé và do các đơn vị vận tải kê khai, niêm yết.

Giai đoạn 1 áp dụng từ tháng 7/2024, tiếp chuyển tại một số khu vực trung tâm thành phố gồm quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, TP Thủ Đức đến và đi bến xe Miền Đông mới. Quá trình theo dõi sẽ tiếp tục mở rộng nếu có sự phát triển tốt. Giai đoạn 2 tiếp tục áp dụng đối với các bến xe liên tỉnh còn lại như bến xe Miền Tây, bến xe Miền Đông, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga. Thời gian triển khai dự kiến từ đầu năm 2025.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các địa phương, công an lập danh sách các vị trí dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định và tăng cường xử lý vi phạm. Đặc biệt, sở đang phối hợp với TP Thủ Đức xem xét, bổ sung thêm một số điểm đón trả khách trên địa bàn TP Thủ Đức để phục vụ cho hành khách thuận lợi hơn khi ra vào các bến xe.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI