Chiều, tôi nhận điện thoại của mẹ, nói cuối tháng con em út cưới, sau những lời dặn dò nói tôi nhớ đưa cả vợ con về, cuối cùng mẹ cũng hỏi "anh chị lo cho em nó được bao nhiêu?"
Lập tức trong tôi dâng lên nỗi tức nghẹn, miệng tôi có biết bao câu định nói, cuối cùng tôi chỉ thốt ra được: "Chúng nó cưới sao chúng con phải lo?". Tôi cúp máy. Những uất ức, bực bội lẫn thương cảm cứ xoay vòng dày xéo tôi tưởng như không chịu nổi, tôi chỉ muốn gào lên: "Mẹ ơi cho con sống với!"
|
Mẹ ơi cho con sống với! Hình minh họa |
Vợ tôi con một, gia đình lại có điều kiện nên từ nhỏ đã được học hành bài bản, nhưng vợ không giống các cô tiểu thư khác mà có tính tự lập từ rất sớm. Nên không có gì phải ngạc nhiên khi ra trường sáu năm, ở tuổi hai chín, vợ đã tự xây được nhà riêng cho mình.
Trong khi tôi là anh cả của năm đứa em, nhà khó khăn nhưng bố mẹ cố gắng chắt chiu với ý nghĩ, lo xong cho tôi, tôi sẽ quay lại phụ lo cho đám em. Thành ra khi bắt đầu đi làm, lương tôi chỉ giữ lại một phần ba đủ trả tiền nhà trọ và trang trải chi phí tối thiểu, còn lại tôi gửi về cho bố mẹ.
Hai con người, hai hoàn cảnh như vậy, không biết ông trời sắp xếp sao mà lại gặp nhau, quen nhau gần hai năm chúng tôi làm đám cưới. Cho đến tận lúc ấy tôi mới biết nhà vợ giàu, trong thời gian quen tôi, vợ lặng lẽ xây nhà không cho tôi biết, sau này vợ có nói, đằng nào cưới nhau xong cũng cần nhà ở, hoàn cảnh anh thế, em không muốn làm anh khó nghĩ. Và vợ còn đùa, “nếu anh ngại, cứ coi đó là tài sản trước hôn nhân của em, mai kia mình có sẽ xây nhà khác của chung”.
Ý tứ như em, tôi còn biết nói gì?
Từ ngày xác định, tôi và em đã ở trong ngôi nhà em xây, tôi báo tin cho gia đình biết và mời bố mẹ cùng các em lên chơi. Quê tôi cách chừng hai trăm cây số nhưng đường xá khó đi, phải chuyển hai lần xe nên tôi cũng ít khi về. Bố mẹ tôi rạng ngời sung sướng, đám em tôi như đám mèo hoang chạy nhảy khắp ngôi nhà ba tầng, chúng thậm chí không lên giường ngủ mà nằm luôn dưới sàn gạch vì mát.
Và bố mẹ tôi khi biết vợ say xe đã nói, vậy thì con không cần về, có bố mẹ và các em lên thăm là được!
|
Các em tôi sung sướng hớn hở. Hình minh họa |
Thăm rồi mỗi lần về, bố mẹ và các em tôi mặt mũi hớn hở tay xách nách mang đủ thứ. Khi thì cái nồi cơm điện, khi cái nồi áp suất, khi cái tủ nhựa lắp ghép, cái xe tập đi, cái xe thăng bằng thằng cu Tít không dùng nữa..., đám em thì túi to túi nhỏ quần áo mỹ phẩm, tôi nói vợ sao lại chiều các em thế, vợ chỉ nhợt nhạt cười.
Khi ấy tôi lại không nhận ra.
Tôi còn không nhận ra rất nhiều chuyện, như hồi đám cưới em Ba, vợ nói bận công tác không về được. Hồi đám cưới em Tư, vợ cấn bầu con gái. Khi tôi về một mình, khi cùng con trai, tôi cũng không mảy may lăn tăn vì sao vợ tôi không về, bố mẹ và các em tôi cũng không nói gì. Thậm chí khi ấy tôi còn ngu ngốc cảm thấy hạnh phúc vì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong nhà tôi quá tốt.
Cho đến ngày đám cưới em Năm, nó học hành đầy đủ nhưng lười, ngại đi xa. Bố mẹ tôi lại chiều nó nhất, cưng nó có phần hơn các chị em gái. Chẳng có xu nào trong tay nhưng nó đòi cưới, bố mẹ tôi cũng phải nghe. Chi phí cho một đám cưới dù ở quê cũng mất hơn trăm triệu, vợ chồng tôi đã cho ba chục triệu và tôi lén gửi thêm hai chục cho mẹ nữa. Tưởng vậy là yên, tôi đâu nghĩ bố mẹ tôi còn lên tận nhà bố mẹ vợ... hỏi vay. Bố mẹ vợ tôi nhận ra ông bà thông gia nên cho vay ngay, vì thế khi có ý định sửa nhà, bố mẹ tôi quen đường lại tìm đến hai lần nữa và vay với số tiền không nhỏ.
Ngày bố mẹ tôi làm tân gia, đứa em họ bên vợ bị tai nạn nên ba bố con tôi về với nhau. Nhìn ngôi nhà cao ráo sáng sủa tôi cũng mừng cho bố mẹ. Nhưng niềm vui của tôi không được lâu khi con gái lúc thì níu áo cô Ba, lúc lại níu áo cô Sáu nói áo này của mẹ con mà? Tôi nhìn kỹ, đúng là các em tôi đang mặc váy áo vợ tôi từng mặc. Em Sáu cười: "Là mẹ Mun cho cô mà!"
|
Các em tôi đang mặc váy áo vợ tôi từng mặc. Hình minh họa |
Nhìn những đồ vật trong nhà, thứ nào tôi cũng thấy ngờ ngợ, quen quen. Định thần lại tôi mới nhận ra, chúng từng ở trong nhà tôi. Tính vợ tôi biết, nếu cho ai thứ gì vợ thường cho đồ mới, vợ còn có tính không dùng chung đồ với ai. Những váy áo này, hẳn các em tôi lên chơi mặc thử, và với tính nết của vợ, vợ tôi đành cho luôn.
Tôi lôi các em ra hỏi, và chúng xác nhận. Tôi thấy xấu hổ với vợ, vợ tôi không hề nói gì, với điều kiện của vợ, mua lại mớ váy áo mỹ phẩm khác không khó, nhưng vợ không hé răng nói câu nào. Nhớ vẻ hớn hở mỗi lần ra về của bố mẹ cùng các em, tôi không biết phải ăn nói làm sao.
Tiệc xong, chỉ còn người trong gia đình, hai đứa con tôi đã ngủ trong phòng, tôi họp cả gia đình và tuyên bố: Từ giờ đừng ai lên thăm nhà tôi nữa, hoặc nếu có lên, vui lòng đừng xin xỏ thứ này thứ kia mang về.
Mẹ tôi, lúc này đã không còn là bà nông dân quần ống thấp ống cao nữa, mẹ đã biết mặc quần áo có đính kim tuyến lóng lánh, chỉ tay mặt tôi: "Anh nói vậy là sao, anh tính đội vợ lên đầu chê chúng tôi quê mùa tham lam hay sao? Là vợ anh tự cho chứ chúng tôi đâu xin? Mà xin thì đã sao, chúng tôi là người nhà của anh, là cha mẹ, em chồng của vợ anh chứ phải người lạ đâu? Tôi chưa bắt vợ anh làm dâu đã may lắm rồi! Anh có bao giờ nghĩ, vợ anh con một, nhà cao cửa rộng thế, sau này thuộc về ai chưa?"
|
Tôi hoảng sợ với toan tính của mẹ. Hình minh họa |
Tôi hoảng sợ với toan tính của mẹ, thảo nào bà dám đến gõ cửa nhà thông gia để mượn tiền, thảo nào bà vui vẻ miễn cho vợ tôi những chuyến thăm nhà.
Bố mẹ vợ cũng không hề nói gì về khoản nợ, mỗi lần chúng tôi sang thăm, ông bà vẫn vồn vã nhiệt tình. Có thể tiền bạc với gia đình họ không quan trọng, nhưng cách cư xử của họ mới làm tôi nể phục.
Tôi âm thầm tích cóp, hai tháng một lần chuyển tiền vào tài khoản của mẹ vợ trả bớt khoản tiền bố mẹ tôi đã vay. Tôi biết bố mẹ vợ không nói, vì không muốn tự tôn đàn ông của tôi bị tổn thương, là họ thật sự yêu thương quý mến tôi, nhưng tôi đâu thể biết mà làm ngơ.
Tôi gọi về cho mẹ, nói thẳng là vợ chồng tôi sẽ cho em Sáu ba chục triệu, số còn lại bố mẹ có thì cho, không thì tụi nó phải lo liệu. Tôi cũng nói thẳng với mẹ, bỏ ngay ý định đến nhà thông gia vay tiền, tôi nói dối mẹ là tôi đã dặn bố mẹ vợ không cho mẹ mượn tiền nữa!
Mẹ gào lên bên kia đầu dây, nói tôi là đứa con bất nghĩa, được ăn được học thành ông thành bà rồi lại khinh bố mẹ nghèo. Tôi day day trán, "bài ca" này không biết khi nào mẹ tôi "ca" xong, cũng đã hơn chục năm nay...
Thành Trung (TP. HCM)