Bên trong xưởng tạo ra những em bé "đạo cụ" siêu thực

12/02/2025 - 20:59

PNO - Nhiều nước trên thế giới cấm đưa trẻ sơ sinh vào đóng phim, vì thế việc sử dụng những em bé ma-nơ-canh ngày càng được chuộng.

Cinebebe Justine Ray Le Solliec tạo dáng với những đứa trẻ giả dành cho điện ảnh và truyền hình  Ảnh: AFP
Những đứa trẻ giả bằng silicon trông như trẻ thật được dành để đóng thế cho điện ảnh và truyền hình. Ảnh: AFP

Trong một xưởng bên ngoài Paris, nghệ nhân Celine Lallement đang khâu tóc vào hộp sọ của một em bé bằng silicon. Đây là sản phẩm sáng tạo mới nhất của một studio chuyên tạo ra những đứa trẻ sơ sinh siêu chân thực cho ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình.

Được thành lập vào năm 2008 và có trụ sở tại vùng ngoại ô phía bắc Paris, "Cinebebe" sản xuất các đạo cụ với phần lớn là em bé. Thường họ có thể mất hơn 6 tuần chế tạo trước khi chúng được gửi đến phim trường.

"Đây là lông mohair, có nguồn gốc từ loài dê Angora. Nó mịn hơn tóc người lớn nên trông rất giống tóc trẻ em" - Lallement giải thích trong khi cẩn thận luồn từng sợi vào hộp sọ bằng silicon.

Đang thực hiện nhuần nguyễn, bỗng cô dừng lại khi phát hiện ra một vấn đề. "Có hai sợi tóc trong cùng một nang lông, điều đó sẽ không hiệu quả", cô nói trước khi dùng nhíp để sửa lỗi.

Theo Justine Ray Le Solliec, người đồng quản lý xưởng hiệu ứng đặc biệt, tác phẩm mới nhất của Celine Lallement sẽ được sử dụng trong một cảnh quay phim ở Anh.

Với đôi má hơi đỏ, những đường gân nhỏ dưới mí mắt, nếp gấp da và lỗ chân lông, thật khó để phân biệt những em bé ma - nơ - canh với một đứa trẻ thực sự.

Ray Le Solliec cho biết: "Bạn có thể phải trả khoảng 700 euro (726 USD) để thuê một em bé chụp ảnh trong một ngày, và từ 9.000 euro đến 15.000 euro để mua một em bé, tùy thuộc vào thời gian cần thiết để thực hiện".

Từ trẻ sơ sinh sinh non 26 tuần đến trẻ mới biết đi 18 tháng tuổi, ma-nơ-canh thu nhỏ của Cinebebe được sử dụng trong khoảng 100 buổi biểu diễn/ tác phẩm truyền hình, điện ảnh mỗi năm, chủ yếu ở Pháp và Châu Âu.

Tác phẩm của họ đã xuất hiện trong loạt phim ăn khách Emily in Paris của Netflix, cũng như bộ phim bom tấn của Pháp năm 2024 Bá tước Monte Cristo.

Công ty sử dụng khuôn đúc bằng silicon cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng tạo ra bụng bầu, ngực, nhau thai, thai nhi, dây rốn và thậm chí cả mô hình xương chậu kích thước thật để dùng cho cảnh sinh nở.

"Ở Pháp, các quy định cấm trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi tham gia quay phim", Ray Le Solliec giải thích. "Đối với trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến 3 tuổi, thời gian quay phim bị giới hạn ở một giờ mỗi ngày, điều này có thể là thách thức khi nhiều cảnh quay có sự tham gia của trẻ em".

Ngoài các quy định, hoạt động kinh doanh của họ đã tăng tốc kể từ khi lệnh phong tỏa do COVID-19 được ban hành vào năm 2020 và 2021.

"Điều này giúp ích cho chúng tôi, vì trẻ em không được phép vào phim trường trong thời gian đó. Vì thế, họ sử dụng trẻ em đạo cụ nhiều hơn", cô nói thêm.

Sau đại dịch, doanh thu của họ tăng gấp đôi mỗi năm, mặc dù có "sự chậm lại nhẹ" vào năm 2024 so với năm 2023, với tốc độ tăng trưởng là 35%.

Celine Lallement cho biết, bước tiếp theo của họ là mở rộng ra quốc tế, và dự kiến ​​mở văn phòng tại London vào giữa năm 2025.

Mục tiêu sản xuất của họ là tạo ra những em bé có mắt mở, cũng như những em bé lớn hơn để phục vụ cho các cảnh quay đóng thế.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI