Bên trong vóc dáng trời cho đẹp

24/01/2023 - 06:08

PNO - “Mọi khó khăn trở ngại sẽ khơi dậy nội lực tiềm ẩn trong mỗi chúng ta”. Câu nói của Jeff Keller có gợi lên cho bạn một cảm giác quen thuộc khi phải đối đầu một việc nan giải?

ẢNH: PHẠM HUY TRUNG
Ảnh: Phạm Huy Trung

1.

Những sáng đẹp trời, tôi và Hạnh Lê thường hẹn nhau uống cà phê ở một quán rất nhiều cây xanh. Hai chị U70 thích ngắm nắng rọi xuyên tàn lá, trải lên bãi cỏ một màu vàng óng ả. Cuộc hẹn của hai bà già không chỉ có chuyện cháu con, mà đôi khi câu chuyện còn bắt đầu từ những tấm ảnh trong điện thoại.

- Chị. Này là đỉnh thứ mấy rồi chị?

- 11. Còn bốn đỉnh nữa là đủ.

- Sợ chị thật!

Đỉnh ở đây là đỉnh những ngọn núi từ Tây Bắc sang Đông Bắc, nơi Hạnh Lê bảo là những đỉnh cuối của đời mình. Một U70 với khát khao vượt lên chính mình trong lần đầu tiên leo đỉnh Tà Chì Nhù, cao 2.985m và sau đó thì liên tiếp những đỉnh khác: Nhìu Cồ San 2.965m, Kỳ Quan San 3.046m, Lùng Cúng 2.913m, Cú Nhù San 2.662m, Nam Kang Ho Tao 2.881m, Fansipan 3.143m…

Hạnh Lê không phải vận động viên leo núi chuyên nghiệp, mà đến tuổi 60 mới bắt đầu thử thách bản thân. Trông chị khá mảnh mai, tính tình dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, chu đáo và cẩn thận đúng vẻ một người mẹ, người bà hiền hậu trong nhà. Sau vài mươi năm làm việc công sở, đi công tác nước ngoài như đi chợ, khi về hưu, chị vui vẻ lo việc nhà, chăm cháu cho con gái an tâm đi làm.

Tuy nhiên, “công việc yêu thương” này không phải không có những lúc căng thẳng thần kinh. Cách xả stress của chị là cầm máy ảnh du lịch một mình, đến những nơi ít người qua lại, tìm vui với thiên nhiên. Và rồi, qua ngưỡng U60, chị biết đến việc vượt lên chính mình khi leo núi. 

Khoảnh khắc đứng trên đỉnh núi nhìn biển mây phía dưới, ngắm mặt trời lên giữa sương mù khiến chị lặng người, thấy mình hoàn toàn thoát tục, thấy việc cực nhọc té ngã trong sình lầy, dầm mình trong mưa nắng, nín thở vượt qua những gộp đá đầy rêu, những dòng suối hung hãn… hoàn toàn xứng đáng. Từ đó, mục tiêu của chị là chinh phục những đỉnh núi tiếp theo, năm rồi 10 và bây giờ là 15 đỉnh. Một con số mà các “bạn đồng leo” của chị còn phải e dè.

Hạnh Lê bảo: “Điều thú vị không phải là đạt được mục đích của mình trong lứa tuổi sắp bị gọi bằng cụ. Mà là biết được ở tuổi cụ, mình vẫn còn tiềm tàng ý chí khuất phục, còn khám phá bao nhiêu điều kỳ lạ của bản thân”.


2.
Người ta hay gọi phụ nữ bằng hai từ “phái yếu”, tôi cho rằng thật hết sức sai lầm. Qua kinh nghiệm bản thân và những mối giao tế trong xã hội, tôi có thể kết luận bên trong vóc dáng trời cho đẹp, phụ nữ mới là “phái mạnh” thực thụ. Trong nhiều tình huống cần đến sự quyết liệt và liều lĩnh, phụ nữ thường quyết định nhanh hơn nam giới, dù kết quả có thể mang đến thiệt thòi cho mình, họ luôn chấp nhận hy sinh.

Tôi khá may mắn khi được gặp rất nhiều nhân vật mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nghề cầm bút của mình. Hầu hết họ là phụ nữ, và đã kinh qua bao nhiêu biến chuyển cuộc sống để tồn tại. Một vài người trong số họ đã ngoi lên từ số phận bùn lầy.

Tàn nhẫn với chính mình, chị mang chút nhan sắc ra bán, và đã vượt qua cơn khốn khó. Khi đã tích cóp được ít tiền, chị không bán nó nữa, mà chọn cách ngồi bán xôi ở một góc chợ, nơi chị bắt đầu cuộc đời “làm người tốt” của mình. Từ thúng xôi, chị lên gánh hủ tíu, rồi thuê một mặt bằng để bán cơm tấm. Cứ như vậy, chị từ từ ổn định cuộc sống dù vẫn ở nhà thuê. Con gái chị đã là học sinh cấp III, ngoan và giỏi.

Có một người đàn ông góa vợ thường đến ăn cơm tấm đem lòng yêu mến cảnh một mẹ một con, đã chăm chỉ đến làm khách quen rồi xin kết bạn với chị, nhưng khi ông bày tỏ tình cảm thì chị lắc đầu. 

Chị bảo: “Tôi không muốn quá khứ của tôi tạo cơ hội cho người ta nguyền rủa nếu họ biết được”. Nỗi sợ của chị quá có lý, nhưng tôi cứ góp ý: “Nếu chị cũng thích ông ấy, thì sao không thử làm một bài toán nhỉ? Cứ nói thật với ông ấy về quá khứ của chị. Nếu ông ấy không chấp nhận được, coi như chị mất một khách hàng ăn cơm tấm. Ngược lại, khi ông ấy thật lòng yêu chị và xem quá khứ ấy chỉ là quá khứ, chị sẽ có hạnh phúc”. 

Khoảng vài tháng sau, khi tôi ghé mua cơm tấm, chị bẽn lẽn kêu: “Dạo này cô đi đâu vậy? Cô không ghé ăn cơm tấm nên tôi không biết cô ở đâu mà tìm”. Bên cạnh chị là “anh ấy”, giờ đã là người đón khách, bưng bê, dọn bàn.

Thấy tôi cười, chị cũng cười: “Ổng chỉ phụ dọn cuối tuần thôi cô. Ngày thường ổng đi làm”. Có vẻ giờ đây chị đã hết cơn bĩ cực, tới hồi thới lai. Mừng cho chị. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3
Một trong những nhà văn ghi đậm dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời tôi, ảnh hưởng đến cả quan niệm sống và ngôn ngữ văn chương là Jack London. Bạn từng đọc Nanh Trắng, Tiếng gọi nơi hoang dã, Tình yêu cuộc sống… chưa? Đó là những tác phẩm làm rung chuyển tận đáy sâu ý thức con người về lòng khao khát sống. Khi đối diện khó khăn, nguy hiểm, con người sẽ bộc lộ được rất nhiều bản năng tiềm ẩn của chính mình.

Chẳng hạn như chị họ của tôi - chị Kim Châu. Vốn con nhà giàu, học giỏi, chị được cha mẹ cho đi học ở nước ngoài từ năm 12 tuổi. Vào những năm 1970, khi Sài Gòn vừa được giải phóng, chị về nước và đối đầu với biết bao sự việc không ngờ.

Ngôi biệt thự của gia đình không còn, cha mẹ và các em của chị ở trong một căn nhà nhỏ, thiếu thốn mọi bề. Mẹ chị buồn đến phát bệnh và qua đời. Cha chị suy sụp vì cái chết của vợ, bỏ vào núi tu. Còn lại bốn chị em thì chị là người lớn nhất mới 17 tuổi, đứa em út chỉ vừa lên 8.

Người thiếu nữ từ bé chỉ quen sống có kẻ hầu, người hạ, chưa hề đụng đến móng tay, giờ đây phải trực diện với việc cơm áo, gạo tiền của gia đình. 

Chị bán những món nữ trang của cha mẹ cho, mua chiếc xe đạp. Cô tiểu thư quen đi xe hơi, đẩy bộ chiếc xe đạp từ chỗ mua ra công viên Tao Đàn để tập đạp. Sau hai giờ đồng hồ té ngã trầy trật, chị đường hoàng đạp xe trên con đường tấp nập xe cộ để về nhà, khoe với đứa em kế: “Chị biết chạy xe rồi”.

Số tiền còn lại, chị sang một xe đẩy bán nước ngọt ở vỉa hè cho đứa em kế đứng bán. Còn chị, mỗi ngày đạp xe gần 50 cây số, đi giao gạo và tạp phẩm để nhận về những đồng tiền ướt đẫm mồ hôi và cả nước mắt.

Da chị nám sạm, hai bàn tay nổi đầy gân - hai bàn tay thon trắng từng nhảy múa trên phím đàn - giờ có thể khuân lên từng bao gạo vài chục ký, có thể tự sửa chiếc xe máy cà tàng, có thể lợp lại miếng tôn bị tốc trên mái nhà và trám lại vách tường bị nứt…

Không ai còn nhận ra một Kim Châu xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi, nói tiếng Anh như gió nữa. Chỉ còn một phụ nữ gầy mảnh, da đen đúa, gương mặt góc cạnh với đôi mắt sáng rực, kiên cường. 

Rồi cũng đến ngày Kim Châu được hưởng quả ngọt từ cái cây chị vun trồng bằng sự hy sinh. Các em chị đều ăn học thành tài, có nghề nghiệp vững chắc, có gia đình đầm ấm.

Còn chị, không màng đến hạnh phúc riêng, chị mở một trường mẫu giáo, vui vẻ làm một bà hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm lớp học năng khiếu về âm nhạc. Tôi vẫn luôn nghĩ đến một thời điểm nào đó chín muồi, cuộc sống sẽ mang đến cho chị một loại quả ngọt khác, một thứ được gọi là tình yêu đôi lứa. Vì trái tim chị nồng nhiệt đến thế kia mà! 

Trong thực tế, nhiều phụ nữ không hề nghĩ rằng họ có thể làm được một việc mà theo họ là rất khó khăn. Họ cũng không đánh giá được bản năng sống tiềm tàng trong chính con người họ. Cho nên đến khi bất ngờ xảy ra một việc đụng chạm đến quyền lợi, sự sống còn của họ và gia đình, họ cũng bất ngờ thấy mình bộc phát bao nhiêu hành động để chống chọi lại sự nguy hiểm ấy. 

Phát triển nội lực tiềm ẩn là việc rất tốt cho quá trình hình thành và phát triển tài năng của bản thân. Đơn giản hơn, nếu có mục đích nào trước kia bạn nghĩ là vô vọng, đừng e dè mà hãy thực hiện nó, một hoặc nhiều lần. Bạn sẽ thấy hóa ra mình làm được, làm tốt và có thêm sức mạnh, sự kích thích lòng ham muốn để thực hiện việc kế tiếp. 

Phạm Thị Ngọc Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI