Bên trong quỷ dữ, có thể có con người

02/03/2018 - 20:07

PNO - Xem 'Three billboards outside Ebbing, Missouri', ta có thể rút ra một mệnh đề khác: bên trong con quỷ dữ, rất có thể còn ẩn nấp một con người.

Trong số chín đề cử tranh giải Phim hay nhất của Oscar 2018, bên cạnh Call me by your name thì Three billboards outside Ebbing, Missouri (Truy tìm công lý) xứng đáng được gọi tên ở bậc cao nhất. 

Ben trong quy du, co the co con nguoi

Three billboards outside Ebbing, Missouri hiện có đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính Frances McDormand

Nếu như Call me by your name thuyết phục giới chuyên môn về độ duy mỹ, tinh tế, an lành và cảm xúc của đạo diễn đặt vào tác phẩm; thì bộ phim của Martin McDonagh mang đến câu chuyện dữ dội, đầy sức công phá. Cùng lấy bối cảnh ngoại ô, không gian sống ở hai phim hoàn toàn khác nhau.

Call me by your name, khung cảnh nước Ý hiện lên màn ảnh hết sức bình yên, dịu dàng. Đến gia đình của chàng trai mới lớn Elio và những người dân quanh vùng cũng như thể chỉ cần tận hưởng cuộc sống, quây quần bên nhau, san sẻ tình yêu thương và thu hoạch những trái đào chín mọng. Trong Three billboards outside Ebbing, Missouri, không khí ngột ngạt ập đến ngay từ những phút đầu phim.

Ba tấm biển quảng cáo rách nát nằm bên xa lộ vắng gần thị trấn Ebbing (Missouri, Hoa Kỳ) báo hiệu một vùng đất trì trệ, ứ đọng. Chúng được người đàn bà cộc cằn Mildred Hayes thuê lại, sơn lên đấy màu đỏ rực của máu cùng những nội dung gây tò mò, hé lộ bức tranh về đời sống con người nơi đây.

Người phụ nữ khổ đau ấy đã đưa gì lên các biển quảng cáo? “Raped while dying” (Bị hiếp khi đang hấp hối), “And still no arrests?” (Và vẫn chưa bị bắt?) và “How come, Chief Willoughby?” (Vậy là sao, cảnh sát trưởng Willoughby?). Hóa ra, đã bảy năm, Hayes vẫn căm phẫn trước sự thờ ơ của cảnh sát, sau cái chết của cô con gái vì bị hãm hiếp, hành hạ. Nơi đặt những tấm biển quảng cáo cũng là nơi con gái bà lìa đời.

Nghèo khổ, luôn oán hận cuộc đời, nhưng bà Hayes vẫn trút hết số tiền có được với mục đích để “một số người tập trung làm việc của mình”. Những gì bà mẹ tội nghiệp làm trên hành trình tìm công lý đã khuấy động cả thị trấn và những góc khuất nghiệt ngã dần dần được phô bày.

Nổi bật trên dàn diễn viên rất hợp vai là nhân vật người mẹ Mildred Hayes do diễn viên từng năm lần nhận đề cử và một lần giành tượng vàng Oscar - Frances McDormand đảm nhiệm. Sự hóa thân của bà cộng không khí chung của bộ phim không khỏi gợi liên tưởng đến Fargo - tác phẩm hình sự ra đời năm 1996, nay đã trở thành kinh điển của Hollywood.

Với tính cách cộc cằn, quyết liệt, hay văng tục và không ngại xả những lời khó nghe vào mặt người đối diện, bà Hayes quả là người phụ nữ “cứng cỏi còn hơn sắt đá”. Xem phim, ở khoảnh khắc nào đó, khán giả có thể cảm thấy thật khó để chia sẻ với những hành động của bà. Nhưng sau đó, khi nội tâm, bản chất con người được đẩy lên đến cực điểm, thì những thanh âm mềm yếu, tủi hờn, u uẩn đã có cơ hội được rung lên.

Giá mà người mẹ đau khổ này không quá đơn độc, không mất niềm tin, hẳn bà sẽ nhìn cuộc đời dịu nhẹ hơn. Đạo diễn Martin McDonagh đã rất quyết liệt, tỉnh táo; nhưng cũng đầy trìu mến, bao dung qua cách diễn đạt niềm tin vào con người, vào nhân tính. Người xem bực mình với bà Hayes bao nhiêu, thì trong đôi phút, có thể chùng lòng san sẻ câu chuyện “độc thoại” của bà với chú nai lững thững bên những tấm biển quảng cáo nhức nhối; hay trong một khoảnh khắc giá trị khác, khi bà Hayes nói chuyện với… đôi giày.

Trong tiểu thuyết The Reader, nhà văn Bernhard Schlink viết: “Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện hình là một con quỷ dữ”. Xem Three billboards outside Ebbing, Missouri, ta có thể rút ra một mệnh đề khác: bên trong con quỷ dữ, rất có thể còn ẩn nấp một con người. 

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI