Bên trong Dải Gaza, cái chết luôn rình rập những người vô tội

28/10/2023 - 17:34

PNO - Những người dân vô tội đang sống ở Dải Gaza cho biết, cuộc sống của họ bây giờ không khác gì địa ngục khi thấm đẫm máu và nước mắt.

 

Xe tải chở thi thể ở Gaza. HƠN 7.000 NGƯỜI PALESTINE ĐƯỢC CHO là đã thiệt mạngCredit : MAHMUD HAMS/AFP via Getty Images
Xe tải chở thi thể ở Gaza đang dừng lại để người thân nhận dạng 

Những ngày qua, Noha Al-Khozondar đã chen chúc cùng 40 người Palestine khác trong một căn hộ duy nhất. Cô nói, tình hình thật tồi tệ, ngay cả nhà vệ sinh cũng không xả nước được và việc tắm rửa gần như không thể bởi không có nước.

Khu chung cư bốc mùi hôi thối và chìm trong bóng tối vì mất điện liên tục.

Cô Al-Khozondar, 32 tuổi cho biết: “Điều kiện sống ở Gaza ngày càng trở nên tồi tệ. Chúng tôi không nhìn thấy ánh sáng. Điện đã bị cắt và vì vậy không thể bơm nước”.

Trên khắp Dải Gaza, nơi trẻ em chiếm gần một nửa dân số 2,3 triệu người, các gia đình Palestine đang phải sống trong điều kiện kinh khủng tương tự. Theo Bộ Y tế Palestine, trỏng tuần qua, 7.300 người đã thiệt mạng khi Israel thả hàng ngàn quả bom xuống Dải Gaza để trả đũa vụ tấn công của Hamas ngày 7/10.

Rất khó để xác nhận số người chết chính xác, nhưng rõ ràng là rất nhiều thường dân đã thiệt mạng. Để có thể nhận diện nhau hoặc nhận dạng thi thể người thân, nhiều gia đình đã làm những "dấu nhận biết riêng" như mang dây đeo tay cùng màu, viết tên lên người để phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Bệnh tật đang lan rộng khi mọi thứ đều thiếu thốn, một số bệnh viện đang trên bờ vực sụp đổ do thiếu nhiên liệu, việc khử trùng dụng cụ phẫu thuật cũng không thể thực hiện. Để đối phó tình hình, các bác sĩ phẫu thuật phải dùng gel rửa tay có cồn để làm sạch lưỡi dao, hoặc thậm chí dùng giấm để kháng khuẩn.

Ngày ngày trôi qua, lại càng có thêm nhiều video cho thấy những đứa trẻ vô hồn được kéo ra khỏi đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy.

Hàng ngàn người dân Gaza đã phải di dời nhưng một số gia đình đang chọn ở lại nhà vì theo họ không nơi nào ở Gaza là an toàn. Nếu phải chết, cũng có thể chết trong nhà.

“Tôi hết tiền rồi. Chúng tôi kiệt quệ, chúng tôi không có điện nước. Trong các cuộc không kích, các con tôi hoảng sợ, tôi cố gắng giúp chúng vơi đi nỗi sợ nhưng không thể. Chúng là những đứa trẻ vô tội" - Al-Khozondar nói.

Shahrat Al-Khozondar, một người họ hàng của Noha, cho biết: “Chúng tôi không tìm được bánh mì, nước uống, tất cả những thứ thiết yếu của cuộc sống. Nhưng hiện chúng tôi không muốn thức ăn hay tiền bạc. Chúng tôi muốn cuộc xung đột này kết thúc. Chúng tôi không muốn chết” - Mohammad Maher, 40 tuổi, nói.

Tarneem Hammad - nhân viên cứu trợ ở Gaza của tổ chức phi chính phủ Viện trợ y tế cho người Palestine - cho biết, điện bị cắt đồng nghĩa với việc cô hết lương thực chỉ sau 3 ngày.  “Vào ngày thứ ba, tủ lạnh của chúng tôi trống rỗng vì bị cắt điện, mọi thứ bên trong đều hư hỏng. Giờ chúng tôi ăn mỗi ngày 1 bữa vì nhiều tiệm bánh mì đã bị đánh bom".

Bà Shahrat Al-Khozondar cho biết, khi điện nước đều bị cắt, một số người Palestine đã phải tự đào giếng cho mình trong tuyệt vọng. "Chúng tôi hiểu điều này nguy hiểm như thế nào… nhưng họ không còn lựa chọn nào khác".

Khoảng 150 trường học và các cơ sở khác do Cơ quan Cứu trợ và việc làm Liên hiệp quốc (UNRWA) dành cho người tị nạn Palestine điều hành, đang được nhiều người sử dụng làm nơi trú ẩn, với hy vọng rằng các tòa nhà sẽ không trở thành mục tiêu. Những nơi trú ẩn đã vượt quá sức chứa bình thường tới 12 lần. 

Theo Liên hiệp quốc, một trường học ở Rafah hiện đang có 4.000 học sinh, một trường khác ở trung tâm Gaza có 13.000 học sinh và trường thứ ba ở Khan Younis có 21.000 học sinh trú ẩn.

Các quan chức UNRWA cho biết, 40 cơ sở của họ ở Gaza đã bị hư hại do đánh bom trong khi 35 công nhân của họ đã thiệt mạng. Juliette Touma, người đứng đầu cơ quan truyền thông của UNRWA, cho biết số hàng viện trợ được chuyển tới Gaza chưa đủ. 

Một người phụ nữ ôm đứa con trai ba tuổi của mình, Ekrem Salih Abu Shemale, người đã chết sau cuộc không kích của Israel ở Thành phố Gaza, Gaza vào ngày 26 tháng 10 năm 2023 [Abed Zagout/Anadolu qua Getty Images]
Người phụ nữ ôm xác đứa con trai 3 tuổi của mình, đứa bé đã chết sau cuộc không kích của Israel vào Gaza hôm 26/10

Trong một tuyên bố chung, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Unicef ​​cùng với các nhóm viện trợ khác đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để viện trợ có thể đến tay những người cần nhất một cách an toàn. 

Rohan Talbot - giám đốc vận động của tổ chức Viện trợ y tế cho người Palestine - cho biết, tại các bệnh viện, bệnh nhân đang được điều trị trên sàn vì thiếu giường và các biện pháp vệ sinh cơ bản không được thực hiện. “Mọi người đang được điều trị trên sàn mà không được gây mê hoặc giảm đau vì không còn gì để điều trị cho họ” - ông nói. 

Ông Talbot nói rằng, tới một thời điểm nào đó, cuộc xung đột này sẽ kết thúc, nhưng hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra, bởi những thường dân vô tội và đã chịu đựng mất mát, đau khổ quá nhiều.

"Tất cả những gì tôi muốn là một lệnh ngừng bắn. Thế là đủ rồi. Tôi và mọi người muốn được an toàn. Tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường, không đánh bom, không máy bay không người lái, không sợ hãi, không đau khổ, không máu và nước mắt" - Haya Al-Khozondar, 25 tuổi nói.

Trọng Trí (theo Telegraph, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI