 |
Abby Wu - người đã trải qua hơn 100 ca phẫu thuật, là một trong những người có ảnh hưởng đến phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc |
Tìm kiếm vẻ đẹp ngây thơ
Abby Wu - một phụ nữ 35 tuổi sống ở Bắc Kinh - tiết lộ, cuộc phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên của cô cách đây là 11 năm, khi cô mới 14 tuổi. Đến nay, cô đã trải qua gần 100 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, và chưa có ý định dừng lại.
"Sau khi điều trị bằng hormone để chữa bệnh, cân nặng của tôi đã tăng từ 42kg lên 62kg chỉ trong vòng hai tháng. Sự thay đổi này đã khiến giáo viên dạy kịch của cô không hài lòng. Cô giáo tôi nói: 'Em từng là ngôi sao nhưng giờ em quá béo rồi. Hoặc là từ bỏ, hoặc là giảm cân thật nhanh'" - Abby, lúc đó đang chuẩn bị cho kỳ, nhớ lại.
Và mẹ của Abby đã "ra tay". Bà đưa cô đi hút mỡ ở bụng và chân.
Abby nhớ lại lời mẹ nói khi cô mặc áo bệnh nhân ngồi chờ ở phòng khám, hồi hộp về ca phẫu thuật. "Cứ dũng cảm bước vào. Con sẽ trở nên xinh đẹp khi bước ra".
Sau lần đầu tiên, Abby gần như bị nghiện phẫu thuật. Trong suốt thời gian qua, cô đã trải qua hơn 100 ca phẫu thuật, tiêu tốn nửa triệu đô la. Ngoài ra, cô còn đồng sở hữu một thẩm mỹ viện ở trung tâm Bắc Kinh, và đã trở thành một trong những gương mặt dễ nhận biết nhất của cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung Quốc.
 |
Abby Wu trước khi bắt đầu phẫu thuật thẩm mỹ |
Ngồi trước gương bên trong căn hộ sang trọng của mình ở Bắc Kinh, cô nhẹ nhàng thoa kem che khuyết điểm lên vết bầm tím từ lần tiêm làm thon gọn khuôn mặt gần đây - một thủ thuật cô thực hiện hàng tháng để giúp khuôn mặt trông săn chắc hơn. Trước đó, cô đã có 3 cuộc phẫu thuật thu nhỏ hàm, và đã loại bỏ quá nhiều xương.
Nhưng Abby khẳng định cô không hối hận về những cuộc phẫu thuật, và tin rằng mẹ cô đã đưa ra quyết định đúng đắn vào những năm trước. "Tôi ngày càng tự tin và vui vẻ hơn. Tôi nghĩ mẹ tôi đã đưa ra quyết định đúng".
Từng bị coi là điều cấm kỵ, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên vô cùng phổ biến trong 20 năm qua tại Trung Quốc. Hàng năm, 20 triệu người Trung Quốc chi trả cho các thủ thuật thẩm mỹ. Phần lớn là phụ nữ trẻ tìm đến phẫu thuật. 80% bệnh nhân là phụ nữ và độ tuổi trung bình của người được phẫu thuật là 25.
Mặc dù ngoại hình luôn được coi trọng trong văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là đối với phụ nữ, nhưng tiêu chuẩn về cái đẹp ở nước này đang thay đổi. Những năm gần đây, những thủ thuật gây lo ngại lại đang gia tăng khi phụ nữ lại thích chạy theo "vẻ đẹp trẻ thơ".
Để có gương mặt trẻ thơ, họ sẽ tiêm botox vào phía sau tai để tạo ảo giác về khuôn mặt nhỏ nhắn, thanh tú hơn. Họ phẫu thuật mí mắt dưới, lấy cảm hứng từ ánh mắt vô hồn của các nữ anh hùng trong anime, giúp mở rộng đôi mắt để có vẻ ngoài ngây thơ. Môi trên ngắn lại làm thu hẹp khoảng cách giữa môi và mũi, được cho là dấu hiệu của tuổi trẻ....
Những xu hướng làm đẹp này cùng nhiều xu hướng khác được những người nổi tiếng và người có sức ảnh hưởng chia sẻ, quảng bá trên mạng xã hội, nhanh chóng thay đổi những gì được coi là mong muốn và bình thường.
 |
Một quảng cáo của ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ SoYoung ca ngợi rằng: "Một người phụ nữ chỉ hoàn hảo khi cô ấy xinh đẹp" |
Là một trong những người có sức ảnh hưởng đầu tiên về phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, Abby đã ghi lại các quy trình phẫu thuật của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn.
Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua hơn 100 ca phẫu thuật, khi cô quét khuôn mặt mình bằng tính năng "gương thần kỳ" của thuật toán làm đẹp tên SoYoung, ứng dụng này vẫn chỉ ra "khuyết điểm" và gợi ý một danh sách dài các ca phẫu thuật được khuyến nghị.
"Nó nói là tôi có bọng mắt và nên phẫu thuật cằm, thu gọn mũi mặc dù tôi đã làm rồi. Tôi có nên phẫu thuật mũi lần nữa không" - Abby có vẻ thích thú.
'Nó đã hủy hoại sự nghiệp của tôi'
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đang mở ra trên khắp Trung Quốc. Nhưng thực tế là họ lại thiếu bác sĩ có trình độ và rất nhiều phòng khám hoạt động mà không có giấy phép.
Theo báo cáo của iResearch, một công ty nghiên cứu tiếp thị, tính đến năm 2019, 80.000 cơ sở tại Trung Quốc cung cấp các thủ thuật thẩm mỹ mà không có giấy phép và 100.000 người hành nghề thẩm mỹ đang làm việc mà không có đủ trình độ chuyên môn.
Kết quả là, ước tính có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày bên trong các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc.
Bác sĩ Yang Lu - một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và là chủ một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép tại Thượng Hải - cho biết, trong những năm gần đây, số lượng người đến phẫu thuật để sửa chữa những ca phẫu thuật hỏng ngày càng tăng.
"Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân có ca phẫu thuật đầu tiên thất bại, vì họ đến những nơi không có giấy phép. Thậm chí một số người còn phẫu thuật ngay tại nhà" - Bác sĩ Yang cho biết.
Yue Yue, 28 tuổi, là một trong số những người đã trải qua ca phẫu thuật không thành công. Năm 2020, cô đã tiêm collagen trẻ hóa, làm cho khuôn mặt trông đầy đặn hơn - từ một phòng khám không có giấy phép, và chất làm đầy đã cứng lại khiến mặt cô như đông đá.
Trong cơn tuyệt vọng, Yue Yue đã tìm đến các phòng khám mà cô tìm thấy thông qua mạng xã hội, nhưng việc sửa chữa chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi trải qua gần chục lần phẫu thuật sửa lỗi, cô đã tìm thấy bác sĩ Yang vào năm 2024 và đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật sửa chữa. Nhưng các ca phẫu thuật của Tiến sĩ Yang chỉ chỉnh sửa được phần nào, và gương mặt cô vẫn bị tổn thương vĩnh viễn.
 |
Yue Yue (phải) cho biết những ca phẫu thuật hỏng đã gây tổn hại đến sự nghiệp của cô trong lĩnh vực nhân sự |
Hàng năm, có hàng chục ngàn người giống như Yue Yue trở thành nạn nhân của các phòng khám thẩm mỹ không có giấy phép ở Trung Quốc.
Năm 2020, ca phẫu thuật mũi hỏng của nữ diễn viên Gao Liu - khiến đầu mũi cô chuyển sang màu đen. "Khuôn mặt của tôi bị biến dạng và tôi rất suy sụp. Nó đã hủy hoại sự nghiệp diễn xuất của tôi".
4 năm qua và 2 lần phẫu thuật sửa chữa, mũi của Gao Liu vẫn không đều. "Tôi thực sự hối hận. Tại sao tôi lại làm thế?" - cô nói.
Ủy ban Y tế Trung ương Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết vấn đề các bác sĩ không đủ trình độ thực hiện nhiệm vụ vượt quá chuyên môn của họ trong những năm gần đây - bao gồm cả việc ra lệnh cho các cơ quan y tế địa phương cải thiện quy định và ban hành các hướng dẫn chặt chẽ hơn - nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn. Bởi ở Trung Quốc ngày nay, vẻ ngoài đẹp đóng vai trò quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp.
 |
Abby và những người bạn yêu thích phẫu thuật thẩm mỹ |
Trên các nền tảng tuyển dụng việc làm phổ biến cho thấy, nhiều nhà tuyển dụng liệt kê các yêu cầu về ngoại hình cho các vị trí, ngay cả khi chúng không liên quan nhiều đến công việc.
Ví dụ như một vị trí lễ tân yêu cầu ứng viên phải "cao ít nhất 1,6m và có ngoại hình ưa nhìn", trong khi công việc hành chính lại yêu cầu "ngoại hình hấp dẫn và phong thái thanh lịch".
Thậm chí, một số công ty còn gây sức ép, buộc phụ nữ trẻ vay tiền để phẫu thuật, hứa hẹn sẽ có cơ hội trở thành người có sức ảnh hưởng. Nhưng đằng sau hậu trường, các công ty này thường có những thỏa thuận riêng với các phòng khám - lấy một phần tiền từ mỗi ứng viên mà họ gửi đến làm phẫu thuật.
Mặc dù vẫn còn tranh cãi về vẻ đẹp chân thực hay qua phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người trẻ Trung Quốc vẫn đang bỏ ra số tiền lớn để có ngoại hình ưa nhìn và dễ dàng tìm việc hơn. Như Abby chẳng hạn, dù trải qua hơn 100 lần phẫu thuật lớn nhỏ, nhưng cô vẫn không có ý định dừng lại.
Thảo Nguyễn (theo BBC)