Bên trong "cái nôi" đào tạo vận động viên đỉnh cao của Trung Quốc

21/04/2021 - 06:07

PNO - Trung Quốc có vẻ đã thôi rèn trẻ em bằng những phương pháp quá khắc nghiệt để biến chúng thành những "chiến binh" chinh phục thế vận hội.

Bên trong một khu thể thao phức hợp rộng thênh thang với lá cờ của Trung Quốc và biểu tượng thế vận hội được treo khắp nơi, hai cậu trai “bé như hai hạt đậu” đang gồng mình treo lủng lẳng trên thanh xà ngang cao đến chóng mặt.

Nơi đây chính là cái nôi “sản xuất” ra hàng loạt vận động viên ở đẳng cấp tinh hoa mà đất nước tỷ dân này đang sở hữu.

Những em bé đang tập luyện với mong đợi sẽ trở thành vận động viên đỉnh cao trong tương lai - Ảnh: Nicolas Asfouri
Những em bé đang tập luyện với mong đợi sẽ trở thành vận động viên đỉnh cao trong tương lai - Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP

Ở những góc khác trong căn phòng, người ta nhìn thấy từng nhóm trẻ chỉ mới bốn tuổi đang cố hết sức để thực hiện những động tác xoạc chân hay tư thế trồng cây chuối dưới cặp mắt nghiêm khắc của các huấn luyện viên tại trường đào tạo vận động viên mang tên nhà vô địch thể dục dụng cụ và Olympic Trung Quốc Li Xiaoshuang (tọa lạc tại thành phố Tiên Đào, Trung Quốc).

Những đứa bé này chính là thế hệ tài năng nhí mới nhất được “cỗ máy” đào tạo vận động viên chuyên nghiệp săn tìm và nhào nặn để tạo thành đội ngũ “chiến binh” phục vụ cho mục tiêu thâu tóm thật nhiều huy chương vàng Olympic của Trung Quốc từ trước đến nay.

Trung Quốc có chiến lược đầu tư đào tạo vận động viên đỉnh cao ngay bằng cách tuyển chọn trẻ em từ độ tuổi còn rất nhỏ - Ảnh:Nicolas Asfouri
Trung Quốc có chiến lược đầu tư nguồn lực vận động viên đỉnh cao cho tương lai bằng cách tuyển chọn và đào tạo trẻ em từ độ tuổi còn rất nhỏ - Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP

Không phải ai cũng có thể vào những khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt này, và phóng viên hãng tin AFP là một trong số ít người may mắn được cho phép tiếp cận hàng loạt các trung tâm huấn luyện đặc biệt trên khắp Trung Quốc trong suốt bốn năm qua.

Nhờ vậy, những góc khuất nghiệt ngã ẩn giấu đằng sau nụ cười và hào quang chiến thắng trong cuộc tranh tài thể thao lớn nhất hành tinh này mới dần được hé lộ.

Nhiều vận động viên hàng đầu Trung Quốc được ra lò từ những trung tâm đào tạo đặc biệt như thế này - Ảnh: Nicolas Asfouri
Nhiều vận động viên hàng đầu Trung Quốc được "ra lò" từ những trung tâm đào tạo đặc biệt như thế này - Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP

Mặc dù tính chất khắc nghiệt trong giáo trình tập luyện vẫn không hề thay đổi qua thời gian, thế nhưng người phụ trách chuyên môn tại trường đào tạo vận động viên Li Xiaoshuang tiết lộ rằng, hiện nay họ quan tâm nhiều đến việc tạo ra môi trường tập luyện vui vẻ hơn là “hành xác trẻ em vì mục đích giành huy chương” như trước đây.

“Giờ đây, chúng tôi bớt bị áp lực hơn nhiều. Trong quá khứ, nhiệm vụ bất di bất dịch của chúng tôi là phải tạo ra thật nhiều nhà vô địch”, Phó hiệu trưởng Liu Fen cho biết. “Nhờ sự chuyển biến của xã hội mà suy nghĩ của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi theo. Điều này dẫn đến mô hình đào tạo vận động viên của chúng tôi cũng thay đổi”.

Huấn luyện viên không ngần ngại áp dụng những hình phạt nghiêm khắc khi học trò của mình phạm bất cứ sai lầm nào - Ảnh: Nicolas Asfouri
Huấn luyện viên không ngần ngại áp dụng những hình phạt nghiêm khắc khi học trò của mình phạm bất cứ sai lầm nào - Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP

Ngày khai mạc chính thức của Thế vận hội Tokyo được ấn định vào cuối tháng 7/2021 sau nhiều lần trì hoãn cũng đã chính thức bấm nút “dừng” cho hành trình đào tạo lứa vận động viên đỉnh cao kéo dài hàng năm trời của Trung Quốc. Giờ đây là lúc họ sẵn sàng để chờ thời điểm “thu hoạch” chiến công sau cảm giác tủi nhục phải nếm trải vì hụt mất một huy chương vàng trong kỳ Thế vận hội mùa hè 2016 diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil).

Tại sảnh chính của một trung tâm đào tạo quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh, người ta nhìn thấy một biểu ngữ cỡ lớn màu đỏ chiếm lĩnh toàn bộ bức tường dài với dòng chữ: “Phải chiến thắng kỳ Thế vận hội Tokyo”. Những vận động viên trẻ tuổi đã thôi chương trình tập luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để cho phép mình được thảnh thơi uống nước và xem lại các phần thi đấu của bản thân trước đó như một cách “ôn bài” trước ngày “xung trận”.

Liệu Trung Quốc có làm nên chuyện cho kỳ Thế vận hội sẽ được khai mạc vào tháng 7/2021? - Ảnh: Luo Yuan/Xinhua
Liệu Trung Quốc có "làm nên chuyện" cho kỳ Thế vận hội Tokyo sẽ được khai mạc vào tháng 7/2021? - Ảnh: Luo Yuan/Xinhua

Vẻ thảnh thơi của họ cho thấy, hầu như không có bất kỳ sơ suất nào có thể xảy ra khi mà mỗi vận động viên đã phải trải qua những chuỗi ngày tập luyện căng thẳng đến nỗi “ngay cả trong mơ vẫn chưa ngừng tập”.

Và, những gương mặt trẻ măng đầy tự tin kia chính là các cô bé, cậu bé mà những năm trước đó vẫn còn chưa quen với việc ngủ riêng khi không có bố mẹ bên cạnh.

Nguyễn Thuận (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI