Bên trong các cơ sở làm đẹp bí mật ở Afghanistan

29/09/2024 - 06:41

PNO - Tại Afghanistan, những cơ sở làm đẹp vi phạm bị phạt rất nặng. Dù vậy, một số phụ nữ vẫn tiếp tục điều hành cơ sở làm đẹp một cách bí mật.

Tháng 7/2023, Taliban ra lệnh đóng cửa tất cả cơ sở thẩm mỹ ở Afghanistan và tuyên bố rằng một số dịch vụ như trang điểm, vẽ chân mày… đã can thiệp vào nghi lễ rửa tội trước khi cầu nguyện theo giáo luật Hồi giáo. Tuy nhiên, không có quốc gia Hồi giáo nào khác trên thế giới cấm các tiệm làm đẹp và những người chỉ trích cho rằng cách đối xử với phụ nữ của Taliban đang thách thức các giáo lý Hồi giáo chính thống.

Một khách hàng đang được tỉa lông mày tại một tiệm làm đẹp bí mật ở Kabul - Nguồn ảnh: Al Jazeera
Một khách hàng đang được tỉa lông mày tại một tiệm làm đẹp bí mật ở Kabul - Nguồn ảnh: Al Jazeera

Trong một căn hộ gần trụ sở của Taliban, Breshna(*) (24 tuổi) đang di chuyển một cách cẩn thận, kín đáo. Cô đang chuẩn bị cắt tóc cho một trong những khách hàng. “1 tuần nữa, cháu gái tôi sẽ kết hôn. Đây là một khoảnh khắc trọng đại. Cô hãy giúp tôi trông thật rạng rỡ” - một nữ khách hàng ngoài 50 tuổi nói.

Nghề làm tóc là chuyên môn của Breshna nhưng trên hết, đó còn là sinh kế. Tiếng máy sấy tóc vừa giúp cô an tâm vừa khiến cô lo sợ. “Nếu Taliban nghe thấy chúng ta thì sao? Tôi sợ rằng chuông cửa có thể reo. Họ có thể đến bất cứ lúc nào” - cô thì thầm trước khi đưa chiếc gương cho khách hàng.

Không gian an toàn dành riêng cho phụ nữ… đã biến mất

Các tiệm làm đẹp là một trong những địa điểm cuối cùng mở cửa cho phụ nữ với tư cách là khách hàng và nhân viên. Ở một quốc gia có hơn 12.000 tiệm làm đẹp phát triển mạnh, lệnh cấm của Taliban đã gây ra tác động kinh tế tàn khốc đối với 60.000 phụ nữ làm việc trong ngành này.

Sự sụp đổ của Kabul vào tay Taliban năm 2021 đã dẫn đến việc đình chỉ trực tiếp viện trợ nhân đạo quốc tế, trước đây từng hỗ trợ 75% các dịch vụ công của Afghanistan. Nạn đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật, thảm họa liên quan đến khí hậu (bao gồm lũ lụt và động đất), tình trạng nghèo đói gia tăng và sự sụp đổ của hệ thống y tế quốc gia đang khiến người dân Afghanistan đối mặt với nạn đói trong gang tấc.

Một cơ sở thẩm mỹ ở Kabul đóng cửa vào ngày 24/7/2023, sau khi Taliban tuyên bố lệnh cấm đối với các tiệm làm đẹp ở Afghanistan - ẢNH: ALI KHARA (Reuters)
Một cơ sở thẩm mỹ ở Kabul đóng cửa vào ngày 24/7/2023, sau khi Taliban tuyên bố lệnh cấm đối với các tiệm làm đẹp ở Afghanistan - ẢNH: ALI KHARA (Reuters)

Những hạn chế áp đặt lên các nữ nhân viên cứu trợ, hạn chế khả năng làm việc của họ cho các tổ chức nhân đạo khiến việc cung cấp viện trợ cho phụ nữ và con cái họ trở nên gần như không thể. 3,2 triệu trẻ em và 840.000 bà mẹ mang thai và cho con bú phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở mức độ vừa hoặc nặng.

Ngoài việc trao quyền kinh tế, các cơ sở làm đẹp còn tạo ra một cộng đồng rất cần thiết cho phụ nữ Afghanistan. “Đó là một không gian an toàn, chỉ dành cho phụ nữ, nơi chúng tôi có thể gặp nhau bên ngoài ngôi nhà và không có mahram (người giám hộ nam)” - một cựu chủ cơ sở làm đẹp nói.

Dù bị cấm khi Taliban lần đầu nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, các tiệm làm đẹp vẫn mọc lên khắp Afghanistan trong 2 thập niên sau đó. Nhưng đến ngày 25/7/2023, tất cả tiệm làm đẹp đều phải đóng cửa vĩnh viễn.

Những cơ sở làm đẹp vi phạm có nguy cơ bị phạt tiền rất nặng. Dù vậy, một số phụ nữ vẫn tiếp tục điều hành các cơ sở làm đẹp một cách bí mật. Một số người trẻ tuổi hơn cũng bí mật thành lập các cơ sở làm đẹp mới. Trong số đó, có những nữ sinh bị tước quyền được giáo dục kể từ khi trường trung học dành cho phụ nữ bị cấm vào tháng 9/2021.

“Nếu Taliban bắt, tôi sẽ bị đưa đến một văn phòng đặc biệt. Chỉ có Chúa mới biết chuyện gì xảy ra ở đó” - một chuyên viên trang điểm 21 tuổi cho biết và nói thêm: “Họ cũng sẽ phạt tôi 50.000 afghani (704 USD) và cảnh cáo, thậm chí tấn công mahram của tôi. Nếu bị bắt lần thứ hai, bạn sẽ bị đưa vào tù”.

“Khách hàng đã cứu tôi khỏi chứng trầm cảm”

Breshna là một trong số nhiều phụ nữ trẻ Afghanistan bắt đầu làm việc trong ngành làm đẹp sau khi Taliban lên nắm quyền. Là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình học đại học, cô mơ ước trở thành nhà ngoại giao ở tuổi 22. Nhưng khi Taliban trở lại nắm quyền, hy vọng của cô tan vỡ. “Tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Đột nhiên, tương lai của tôi trở nên vô định. Tôi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội quay lại trường đại học nữa” - Breshna nói.

Vài tuần sau khi các trường đại học đóng cửa với phụ nữ Afghanistan vào đầu năm 2022, Breshna tìm được một công việc với mức lương hằng tháng là 14.000 afghanis (197 USD) tại một tiệm làm đẹp. Công việc này khác xa với ước mơ ban đầu của cô nhưng nó giúp cô trang trải chi phí của gia đình và cảm thấy không bị cô lập. “Tôi đã dành gần 2 năm để học các kỹ thuật. Lúc đầu thì khó khăn nhưng tôi đã dần phát triển với niềm đam mê làm tóc. Tôi đã thực sự giỏi nghề này và được khách hàng yêu thích. Khách hàng đã cứu tôi khỏi chứng trầm cảm” - cô bộc bạch.

Không được sợ hãi

Mursal(*) (22 tuổi) cũng đang thách thức lệnh cấm hành nghề thẩm mỹ. Giống như nhiều phụ nữ trẻ khác, cô không thể đối mặt với viễn cảnh ngồi không sau khi phải nghỉ học đại học. Mursal đã vừa đi học vừa làm việc bán thời gian tại một cơ sở làm đẹp để giúp đỡ gia đình. 1 ngày sau khi các trường đại học đóng cửa với phụ nữ, Mursal đã đi làm toàn thời gian và tiếp tục làm việc bí mật khi các cơ sở làm đẹp bị cấm. “Tuy đó là một quyết định nguy hiểm nhưng tôi không hề do dự một giây nào. Nỗi sợ hãi sẽ không nuôi sống được gia đình tôi hay đưa tôi trở lại trường đại học” - cô giãi bày.

Một khách hàng đang làm móng tay tại một tiệm làm đẹp bí mật ở Kabul - Nguồn ảnh: Al Jazeera
Một khách hàng đang làm móng tay tại một tiệm làm đẹp bí mật ở Kabul - Nguồn ảnh: Al Jazeera

Lali(*) - một chuyên viên thẩm mỹ “ngầm” từng hy vọng trở thành bác sĩ - cũng đưa ra quyết định tương tự. Đối với Lali, cọ trang điểm đã thay thế dao mổ. Dù có công việc nhưng sức khỏe tinh thần của cô đang cực kỳ sa sút. Cô nói: “Tôi ước mình không còn tồn tại. Tôi nên cứu mạng người trong bệnh viện chứ không phải mạo hiểm mạng sống của mình để làm công việc này”.

Quyết tâm tiếp tục công việc

Khi mới bước vào thế giới làm đẹp “ngầm”, Breshna chỉ phục vụ một vài khách hàng đáng tin cậy. Tin đồn nhanh chóng lan truyền. Hiện tại, có hơn 15 phụ nữ thường xuyên tìm đến sử dụng dịch vụ của cô.

Breshna rất cẩn thận trong các hoạt động của mình. Cô cho biết: “Thời điểm nguy hiểm nhất là khi tôi mua đồ trang điểm. Vì phải thường xuyên mua sản phẩm mới cho tiệm nên tôi không bao giờ mua quá nhiều ở một nơi để tránh bị những người bán hàng rong bắt gặp”. Tất cả những người làm đẹp bí mật đều có nguy cơ bị hàng xóm, nhà cung cấp đồ trang điểm, thậm chí là khách hàng giả mạo làm gián điệp cho Taliban chỉ điểm. “Khi đi đâu đó, tôi giấu máy duỗi tóc và máy sấy tóc dưới lớp áo trùm burqa hoặc trong túi mua sắm để Taliban nghĩ rằng tôi vừa từ cửa hàng tạp hóa về” - cô nói thêm.

Hamida (*) là cựu cầu thủ bóng đá. Mỗi tháng 1 lần, cô đến một cơ sở thẩm mỹ bí mật để làm móng. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và các chuyên viên trang điểm, cô luôn đeo găng tay đen nhằm che những chiếc móng tay dài đầy màu sắc. Hamida nói: “Taliban không biết rằng chúng tôi vẫn bảo vệ được quyền tự do của mình trước những quy định họ áp đặt”.

“Khi cơ sở làm đẹp chuyển đến một địa điểm bí mật, tôi đã ngần ngại không muốn đến đó. Dẫu sợ nhưng tôi phải tôn vinh lòng dũng cảm của những người vẫn tiếp tục làm việc” - một khách hàng nói.

Bất chấp nỗi sợ hãi và sự giám sát nghiêm ngặt của Taliban, những phụ nữ trên vẫn quyết tâm tiếp tục công việc. “Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Họ cấm chúng tôi vào đại học, chúng tôi sẽ tiếp tục đọc. Họ cấm các tiệm làm đẹp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc” - một chuyên viên thẩm mỹ trẻ tuổi nói một cách thách thức.

Hà Thụy

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI