Bên tả ngạn Trà Câu đã khoác màu xuân sắc

16/02/2021 - 07:52

PNO - Tinh mơ, những chiếc tàu vỏ gỗ rẽ sóng hướng vào bờ rồi cập bến cá Mỹ Á, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cờ Tổ quốc gắn trên trụ mui phần phật trước gió. Trên bến, dưới thuyền, âm thanh cười nói, ngã giá bán - mua, hòa cùng tiếng máy tàu nổ giòn tan trong một sớm xuân se lạnh.

Vươn khơi sau bão tố

Nhìn cảnh đó, khó ai ngờ chỉ mới đây thôi, biển bờ còn tan tác. Vùng duyên hải dọc dài từ mũi Bắc đến mũi Nam miền Trung chìm trong bão lũ. Nhắc tới miền Trung, người ta không khỏi kèm theo cái chậc lưỡi, lắc đầu. Đức Phổ cũng chìm trong những ngày tai ách đó. Nhà cửa bật mái, đổ sập, thuyền bè ngổn ngang, ngư dân co cụm, nơm nớp… 

Tàu cá của ngư dân phường Phổ Quang vào bờ sau chuyến ra khơi
Tàu cá của ngư dân phường Phổ Quang vào bờ sau chuyến ra khơi

Ngoái theo những rổ hải sản tươi rói vào bờ trong khi ngư dân Đức Phổ mua nhiên liệu, thực phẩm, lão ngư Võ Xuân Cẩm (Phó chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang) nói: “Vì mấy cơn bão liên tiếp, đâu làm ăn gì được. Giờ phải làm bù lại những ngày nằm bờ, kiếm tiền sắm tết chớ”.

Trong tầm mắt ông Cẩm, ở phía thiệt xa là những chiếc tàu cá tựa chiếc lá mỏng manh giữa biển. Trên từng “chiếc lá” đó, những ngư dân đang miệt mài buông - kéo lưới. Tất cả họ, hồi giao mùa thu - đông vừa rồi đều nếm mùi cuồng phong. Mấy con thuyền đang mưu sinh kia từng nghiêng ngả dữ dội giữa những đợt sóng hung thần. Để đến lúc dìu được nhau vào bờ, ai nấy “mặt xanh như tàu lá chuối”.

Lời kể của vị lãnh đạo nghiệp đoàn nghề cá lồng trong hình ảnh người dân phấn khởi vươn khơi, trên cái ánh bạc của mặt biển mùa nắng mới. Ở đó, cơn thập tử nhất sinh, ngàn cân treo sợi tóc lặp lại trong lời kể. Nhưng nó nghe như một câu chuyện cũ, bởi mọi thứ xung quanh không có vẻ gì từng tai ương đến thế. 

Trường tiểu học và trung học cơ sở Phổ Minh từng bị bão lũ gây hư hại nặng
Trường tiểu học và trung học cơ sở Phổ Minh từng bị bão lũ gây hư hại nặng

“Xác định ở trong vùng lũ” có lẽ là điều làm nên cái ung dung kỳ lạ của người xứ này. “Trời đọa” chưa lâu, làng quê bên tả ngạn sông Trà Câu đã khoác màu xuân sắc. Những mái nhà bị cuồng phong thổi bay được lợp lại, vườn rau non tươi trong nắng vàng. Mấy vạt rau tết không biết gieo từ khi nào mà giờ cũng trở nên xanh mướt. Ông Cẩm nói: “Bữa rày vợ chồng tôi xắn quần lội bùn, gieo và chăm sóc rau. Giờ thì có rau bán cho thương lái để trang trải cuộc sống hằng ngày…”. Bà Nguyễn Thị Phượng, vợ ông Cẩm, góp chuyện: “Ở đây là vùng trũng thấp nên thường bị ngập úng bởi nước lụt từ sông tràn vào. Gần bốn sào rau của vợ chồng tôi ngập nước miết. Nước rút là lo gieo trồng trên những liếp rau thối. Sau lụt mươi bữa là vườn lại có rau xanh…”.

Trường tiểu học - trung học cơ sở Phổ Minh đang rộn rã buổi học cuối cùng của năm. Mấy đứa trẻ từ 12 đến 17 tuổi nhìn ấm ru trong mấy làn áo dày sụ. Nhìn cảnh tượng đó, không ai nghĩ, cũng khoảnh sân đó đã trải qua những ngày không một bóng người, chỉ lênh láng nước. Trường Phổ Minh là một trong những ngôi trường bị dập tả tơi nhất trong bão số 9 cùng ba cơn lũ liên tiếp vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa rồi. Ngày trở lại trường, bọn trẻ chỉ nhìn thấy cảnh tan hoang. Những dãy nhà trống hoác, mái bị thổi bay. Mấy giàn gỗ đổ sập, ngổn ngang trên bàn ghế. Tất cả bị phủ xuống một lớp bùn non và rác mắc lại từ trận lũ. Thầy cô cũng ngơ ngác, mỏi mệt. Sau mấy phút hoang mang đó, cả thầy lẫn trò vào vai những người thợ, khuân vác, cọ rửa, quét dọn. Chính họ, đã trả lại cho ngôi trường cái tinh tươm như chưa từng có bão lũ đi qua.

Ông Võ Thượng Hùng - hiệu trưởng nhà trường - nói: “Chúng tôi xác định ở trong vùng lũ nên sau bão lũ, toàn bộ giáo viên, nhân viên tập trung khắc phục hậu quả. Công an thị xã cùng Đoàn Thanh niên, lực lượng xung kích phường Phổ Minh cũng đến giúp trường dọn dẹp để các em sớm trở lại lớp học…”. 

Ông Chung tưới nước cho rau
Ông Chung tưới nước cho rau

Lợp lại mái nhà bị bão thổi bay là “chuyện thường” với ông Nguyễn Hữu Chung. Lo xong cái nhà, ông bắt tay xới đất gieo hạt giống. Mấy vạt đất trồng rau lúc này từng bị lũ nhấn chìm ba lần. Giờ, trời yên, nắng vàng giục những mầm rau cải, diếp cá… vươn lên khỏi lớp đất nâu non. Vợ ông lom khom cắt những cọng rau mồng tơi, bồ ngót để gói bán cho tiểu thương chuyển vào TP.HCM. "Rau ở đây chủ yếu là cung cấp cho khách hàng trong Sài Gòn. Ban đầu, một số người về thăm quê rồi mang rau vào ăn và cho bạn bè. Họ thấy rau thơm ngon nên bảo đóng thùng rồi gửi xe vào trong đó…” - ông hớn hở khoe. 

Thế nhưng, dấu vết của bão lũ, của sóng gió có còn không trên cư dân lẫn vùng đất được tiếng “lận đận” và khắc nghiệt này? Hẳn phải có. Cụ Nguyễn Xết - Trưởng vạn chài Hải Tân - nói: “Sóng gió vận vào người ở đây, mỗi người một kiểu. Có người điếc đặc lỗ tai cũng chỉ vì cố sức bơi lặn mưu sinh, cứu người”. 

Người “điếc đặc lỗ tai vì mưu sinh, cứu người” đó chính là Nguyễn Dương, với gần 40 năm làm nghề cá ở Hải Tân. Dương còn có cái tên là “Dương i nốc”, được người làng đặt cho vì có vẻ ngoài rắn chắc, thách thức gió sương như thứ kim loại cùng tên. Tài lặn của Dương được truyền tụng ở làng sau một lần anh lặn tìm mũi dao do bạn chài sơ ý làm rơi xuống biển. Trong đợt bão, Quảng Ngãi vừa chớm ảnh hưởng thì đoàn tàu cá của Dương cùng đoàn tàu của ngư dân Huỳnh Sỹ đã bị sóng lớn lật bổ nhào ở cửa biển Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, Dương trao tay lái cho bạn chài, lao lên phía mũi tàu và bị sóng hất văng xuống biển. Trong lúc bạn chài hoảng loạn chắp tay vái thủy thần, Dương bám chặt vào ghè đá, hít từng hơi dài giữa khoảng lặng ngắn ngủi của các đợt sóng rồi nhích dần lên cao. Anh thoát chết kỳ diệu. Chính những bạn chài sơ cứu Dương sau đó cũng không lý giải nổi vì sao Dương thoát được lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Không lạ với tai ương

Chuyện như thế không hiếm ở Đức Phổ, cũng không lạ trên khắp eo biển miền Trung này. Nhưng giờ, trong cái ánh bạc của mặt biển mùa nắng mới, họ lại vươn khơi, hồ hởi như những ngư dân lần đầu ra biển. Hỏi có sợ sóng gió không, hẳn một ngư dân dày gió dạn sương nhất cũng không dám lắc đầu. Sức sống kiên cường nọ không phải đến từ sự không biết sợ, mà đến từ trải nghiệm tận cùng của bất trắc thời cuộc, của bao lần thử lửa, của máu, mồ hôi và nước mắt nơi những cư dân thứ thiệt trên một mảnh đất anh hùng. 

“Xưa bom đạn còn vượt qua được, thì giờ ông trời gieo bão bùng gì cũng phải vượt qua thôi” - bà Trương Thị Dư (ngụ xóm 25, thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ) nói. Quả tình, chính mảnh đất khắc nghiệt vì thiên tai cũng từng là nơi ác liệt nhất vì bom đạn. Có những thế hệ người vừa đi qua chiến tranh vừa lớn lên, dày dạn hơn vì bão lũ. Binh biến hay thiên tai cũng là một cơn thử thách đối với lòng dạ và ý chí con người. 

Những cựu chiến binh xóm 25 kiên cường đi qua lửa đạn chiến tranh
Những cựu chiến binh xóm 25 kiên cường đi qua lửa đạn chiến tranh

Xóm 25 khi ấy chỉ có 36 mái nhà tranh, lọt thỏm giữa đồng, là “cái gai trong mắt” của quân Mỹ, ngụy. Địch xem địa bàn nhỏ xíu này là “điểm nối giữa quân cách mạng với dân chúng” nên tìm cách xóa bỏ bằng những trận càn quét, bắn giết, đốt phá và dồn dân vào ấp chiến lược. Người dân gánh gồng, đùm túm gạo mắm, bồng bế con thơ chạy tránh bom đạn gây tang tóc xóm làng. Bước chân vội vã, ngoái đầu nhìn về phía những mái nhà tranh và rơm rạ bốc cháy, trâu bò ngã gục, oằn oại trước những loạt đạn tai ác. Giếng nước bị ném lựu đạn đánh sập vì nghi ngờ có hầm bí mật đào thông vào bên dưới và phá hủy nguồn nước sinh hoạt của dân. 

Sau những trận càn, người dân trở về xóm cũ dựng lại mái nhà tranh, sửa hầm tránh pháo bị đánh sập. Để sống, người già và trẻ con phải chui xuống hầm để tránh những trận pháo dập tơi bời. Đêm đến, tiếng đại bác, tiếng trẻ con giật mình khóc thét làm hiu hắt man dại cả một cánh đồng đang lặng mình khiếp sợ. Trên cánh đồng, ba hướng Đông, Tây, Nam đều có đồn bốt của địch; phía Bắc là ấp chiến lược có quân lính chốt giữ. Vậy mà xóm 25 vẫn nuôi giấu cán bộ, làm nơi trung chuyển để cán bộ chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Hễ có mai phục, người dân trong xóm sẽ mật báo cho du kích biết bằng những ký hiệu hoặc quy ước trước đó. Ban ngày, họ úp nón lá lên mái nhà, hay đội nón quét rác ngoài vườn, đốt lửa un khói. Ban đêm, họ chong đèn dầu để cán bộ thấy ám hiệu rút lui an toàn. Du kích rút đi, họ lặng lẽ theo sau xóa dấu chân để che mắt lính Mỹ, ngụy. 

Xóm 25 yên bình sau lửa đạn
Xóm 25 yên bình sau lửa đạn

Bà Dư kể lại mấy chi tiết đó, nhân lúc nói những “mưu kế” ứng phó với lũ dữ. Cũng là những kinh nghiệm quen thuộc như người ta có thể nghe thấy ở bất kỳ vùng quê nào ở miền Trung. Đại loại, nước tràn bến sông là phải thu dọn lúa giống, nước vào đến chợ cá là phải dọn vườn, dọn bếp, kê cao chuồng gia cầm. Rồi hễ nước chảy tràn đường là tất tả dọn hết đồ đạc, tập trung con cái. Đàn bà ra tạp hóa mua đồ khô, đèn pin, đèn sáp. Đàn ông kê đồ lên cao, dọn dẹp căn gác để chuẩn bị cho những ngày tránh lũ.

Cứ thế, năm nào bà con vùng lũ cũng có một cuộc “đứng lên”, làm lại sau thiên tai. Những vạt rau mới, những ruộng sâu trâu cày, những bến bờ tấp nập thuyền chài, thuyền buôn. Cũng có gia đình không tròn vẹn sau mỗi mùa bão lũ. Trong lời kể, ông Đào Văn Ngọc lẫn lộn những người nằm xuống vì đạn bom và những người ra đi vì bão lũ hơn nửa thế kỷ qua. Cứ lẫn lộn rồi minh định, ông nói: “Gia đình từng kinh qua nguy biến nhiều rồi”. Giọng ông trầm buồn nhưng bình thản, đại ý, “Mất mát đến thế, vùng đất này cũng đã từng”…

Người già vùng lũ tôi đi qua khi được hỏi về những lần “thất kinh” nhất và những lần hạnh phúc nhất, đều lần lượt nhắc về từng đợt lũ lịch sử, hay những trận càn hồi chiến tranh. Và “hạnh phúc nhất”, luôn chen vào trong những chi tiết quê hương thanh bình, sóng yên biển lặng, ngư dân cập bến an toàn… Những vất vả, khổ ải riêng tư hiếm khi được nhắc, bởi hoặc họ đã quen, hoặc thấy không đáng nhắc vì ai cũng như mình. Chỉ biết, khi mưa tạnh, nắng lên, họ lại gầy lại những vườn hoa trái, thả thuyền xuống biển, gieo hạt xuống đồng. Từng mùa xuân về trên đất này luôn là một mùa xuân trù phú, yên vui. 

Một thời gian ngắn sau lũ, nông dân đã gầy lại những vườn rau xanh mướt
Một thời gian ngắn sau lũ, nông dân đã gầy lại những vườn rau xanh mướt

Minh Kỳ

 

 

 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=