Bến phù du

22/05/2016 - 07:06

PNO - Chị không còn cảm thấy ngột ngạt vì anh không quay quắt cùng bất hạnh chị riêng mang. Chị đã giải thoát được hai người.

Chị tới. Vẫn áo khoác đen, kính đen, khẩu trang che kín mặt mày. Một mẫu số không hiếm trong đám đông. Vậy mà anh vẫn nhận ra, dù chiếc xe nhẹ nhàng lướt qua anh không đầy năm giây. Anh nhìn lên bầu trời. Những đám mây nặng hơi nước. Hình như mây sắp rớt xuống miền chân trời. Anh có cảm giác ngộp thở, dù ngoài kia gió đang tung tóe bụi vỉa hè. Dường như có một sợi dây vô hình nào đó đang siết chặt lồng ngực.

- Cũng mỏi mệt quá rồi, tôi muốn mọi chuyện kết thúc càng sớm càng tốt.

- Theo thủ tục, chúng tôi phải hòa giải ba lần.

Anh quay lại nhìn. Lúc này anh mới nhớ còn có người phụ trách hòa giải.

- Anh ấy sống quá vô trách nhiệm và ích kỷ, hòa giải cũng vậy thôi. Chị gay gắt.

Anh lại nhìn ra ngoài trời. Không còn thấy màu mây sắp rớt nữa. Chạy trong mắt anh là những gì còn đọng lại. Nơi đó vườn nhà rộng thênh. Tiếng bầy chìa vôi léo xéo trên tàng mận da người. Gió đưa mấy tàu lá chuối khô kêu loạt soạt. Nắng chui tọt vào hàng ba, nhún nhảy trên mấy sề chuối khô được anh đậy qua một lớp vải the mỏng. Thứ này chị thích. Chuối xiêm được lột vỏ, tước xơ, rửa qua nước gừng giã nhuyễn rồi ép mỏng, phơi khô. Khi nhà có bạn tới chơi, chị chỉ cần cho vào lò vi sóng ba mươi giây là có thứ để đãi khách. Ấm trà gừng nóng anh luôn để sẵn trong cái vỏ dừa khô.

Ben phu du
Ảnh mang tính minh họa: Internet

“Trà gừng ấm bụng, ăn uống khỏi lo”. Có khi họ ngồi rôm rả cả buổi. Thì sẵn cá dưới ao, rau sống quanh năm xanh tốt hè nhà, móc thêm mấy trái me chín ngoài vuông giằm nước mắm, cho vào ít trái ớt hiểm đỏ xanh là có ngay một bữa cá chiên xù cuốn bánh tráng. Khách thấy niềm vui của anh rờ rỡ trên mặt, nên câu chuyện của chị và khách cứ đậm đà thêm.

Họ gặp nhau lúc anh đã gần chạm ngõ ngũ tuần, chị chỉ mới “băm” chừng năm, bảy nhát. Những đổ vỡ của lần hôn nhân trước khiến anh dè dặt. Bà con chòm xóm thấy cảnh gà trống nuôi con ai cũng đốc, lại thêm hai đứa nhỏ sợ anh hiu quạnh khi cả hai ra trường rồi đi làm xa. Bếp nhà không có tay đàn bà sớm tối sẽ lạnh. Còn bà chị cứ thủ thỉ cô này nhu mì hiền hậu, giỏi giang, lại thương con nít!

Rồi một đám cưới được diễn ra trong vòng thân mật bên anh và rình rang bên chị. Dù sao thì chị cũng là con nhà có máu mặt vùng đó, làm “lẹt quẹt” người ta chê. Về với chị, những lời độc địa thế gian anh bỏ ngoài cổng rào thả đầy dây tơ hồng: thà nằm chuồng heo đừng theo quê vợ. Bởi với anh, hạnh phúc vợ chồng vẫn là trên hết.

Nhưng đã hơn bốn, năm mùa mưa sùi sụt trong vườn, những bài thuốc gia truyền chị đã cùng anh thử hết rồi, mà cái bụng vẫn không thèm đội áo. Thêm mớ giấy xét nghiệm gần đây của bệnh viện phụ sản nổi tiếng càng làm chị lao đao. Bác sĩ nói bao nhiêu cái “phải chi” làm chị chóng mặt. “Cũng tại anh hết!”. Lúc đầu chị đòi đi bệnh viện, anh chùng chình. Anh là người vốn tin vào số mệnh.

- Từ từ coi sao em. Đâu có gì gấp. Hễ cái số có là có, chạy đâu cũng không khỏi.

- Nhưng mình lớn tuổi rồi.

- Không có con thì mình xin con nuôi cũng được mà!

- Xin ai? Xin con của anh phải không? Chị dằn dỗi.

Nghe vợ hờn trách anh buồn mà không nỡ giận. Chị vẫn không cam lòng:

- Chứ không phải sao, lần nào anh cũng hẹn, giờ mới ra nông nỗi vầy nè.

- Thì anh cũng cố gắng hết sức. Em cũng thấy mà.

- Tui biết, anh có con rồi nên đâu cần có nữa.

Đó là cái tội lớn nhất của anh. Nó làm cho chị cảm thấy mình bị ngược đãi. Anh có con rồi là anh tròn vẹn cuộc đời. Còn chị, mọi thứ chông chênh, như thừa thãi, như vô sản giữa vật chất phủ đầy.

Bệnh viện lại thành chỗ quen thuộc. Ông già vợ tuyên bố: tốn nhiêu tao cho. Mừng vui vì chuyện thụ tinh trong ống nghiệm thành công chưa hết chị lại choáng váng khi bác sĩ phát hiện cái nang trong dạ con không thích nghi để thai đóng tổ. Nhờ người mang thai hộ thì còn gì là con mình?

Chị dàu dàu. Con chó phèn trong nhà đi lại cũng rón rén. Gió níu chân anh ở miết ngoài cái chòi lá sau vườn. Mấy đứa nhỏ tới thăm anh thành ra cũng thậm thà thậm thụt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI