Bến mưa

27/12/2015 - 07:58

PNO - Quãng sông hẹp thường ngày ông chèo qua chèo về chỉ chừng vài câu hò bả trạo vậy mà giờ ông đã đi không biết là bao lâu.

Ông già tỉnh dậy, quờ tay. Câu đầu tiên là ông hỏi:

 - Con Hưởng đâu rồi?

Tư Thơm, Mười Thung ngồi kế bên gần như đồng thanh:

- Nó đây nè!

Hưởng ngồi ngay đầu giường. Nó đã ngồi như thế từ lúc ông già được đưa vào chòi đêm qua. Mười Thung nói nó hết chạy tới chạy lui lo lắng thì ngồi đó, ngủ gục luôn bên cạnh lúc ông già nằm thiêm thiếp. Gió thốc vào căn chòi tạm bợ bằng vách lá chằng ni lông. Mười Thung lôi đâu ra được tấm chăn cũ đắp cho Hưởng, kêu đi nằm mà nó không nghe, cứ ngồi đó nhìn ông già, mắt ngân ngấn nước.

Hưởng về ở với ông già được gần một năm rồi. Bữa ông lên chợ thấy nó nằm co ro ốm đói, bước tới xé cho mẩu bánh mì thì nó hoảng, lủi ống cống trốn. Ông gọi mãi nó mới chịu ló hai con mắt nhìn ra. Ông ngoắc ngoắc nó rồi chỉ vào mẩu bánh. Đoạn ông vờ bỏ đi rồi nép sau khúc quanh, thấy nó lấm la lấm lét đến gần chỗ mẩu bánh. Nó ăn rất nhanh rồi nhìn quanh nhìn quất, ông lại xuất hiện nhìn nó cười, ngoắc ngoắc, xé thêm mẩu bánh mì…

Ben mua

Ông già và nó cứ chơi trò trốn tìm đuổi bắt mấy lần như thế. Những ngày sau lên chợ ông đều ghé ngang chỗ nó, rồi cũng rờ được tay chân nó. Cái thân hình lỏng khỏng của nó từ đó không trốn nữa mà nhác thấy bóng ông là mừng ra mặt.

Một bữa ông ôm hẳn nó về đò, ở với ông, đặt tên là Hưởng. Ông muốn đời nó là “số hưởng”, không như đời ông. Từ đó nó đi về cùng ông qua những khúc sông. Có nó, những chuyến đò ngang vui hơn hẳn, chuyện giữa ông già và khách hay có tên nó. Có nó, thấy rõ nét cười trong đôi mắt ông già suốt những ngày bất kể là nắng hay mưa bên bến Trà Nưa.

Những buổi chiều rảnh, ông già hay lôi nó ra sông tắm. Có khi ông và nó bơi đua, bơi qua bơi lại không nghe tiếng nó, chỉ nghe tiếng ông: “Mày hả Hưởng! Thua rồi nghe con!”, “Hưởng, đợi tau!”.

Bọn trẻ con bên cồn Ca Dao thích Hưởng lắm. Chiều nào ông về bến Cồn đúng lúc cả bọn rủ nhau tắm sông là chúng rủ Hưởng xuống bơi. Tiếng cười vang núi vang chiều. Mặt Hưởng hí hửng phải biết, có lúc nó bơi một đường dài ra chỗ nước sâu khiến bọn con nít phát hoảng kêu la:

- Hưởng, Hưởng, quay vào ngay!

Tiếng la làm ông già đang ngồi rê thuốc phải lật đật chống xuồng chèo ra, sợ nó đuối nước. Ai ngờ ông chèo gần tới nó lại bơi vào. Bơi một mạch trong tiếng reo hò tán thưởng của đám con nít tắm truồng. Từ đó chúng hay gọi Hưởng là “Hưởng Hero”. “Hero” có kiểu biểu lộ sung sướng không giống ai là nằm lăn lê cho bết dính đất cát hết cả. Để ông già lôi về vừa tắm vừa đét mông: “Chừa cái tội nghịch, nghe con!”.

Từ ngày về với ông, người ta quên hẳn xuất thân đầu đường xó chợ của Hưởng. Nó cũng không còn sợ sệt khi thấy người lạ, mắt lúc nào cũng long lanh hay háy, quấn quýt ông già không rời. Ông lên chợ nó cun cút đi theo, ông về cồn bẻ đậu bắp nó cũng luồn vào mấy giồng cây đậu, hậu quả là về ngứa gãi sồn sột.

Ông già thương nó như con, ông ăn gì nó ăn nấy. Mà nó không ăn được rau canh, chỉ ăn cơm với nước mắm cá khô. Có bữa ông hào phóng mang tiền lẻ lên hỏi mấy giẻ xương vụn về nấu cho nó ăn. Hồi trước người bên cồn đi đò ngang hay gửi ông lúc cái bánh khi túi nước đá chanh. Hồi này ông hay dặn nhà ăn còn dư gì bỏ đi cho ông xin về. Thế là Hưởng thường xuyên có những “bữa cơm có đạm”. Nó phổng phao khỏe mạnh.

Người ta nói chắc ông trời thương nên mang nó đến cho ông, để mà bầu bạn để mà yêu thương, chứ cũng không ai biết nó đến từ đâu. Còn ông già cô đơn hơn nửa đời người, hứng sương gió nắng mưa dãi dầu bao năm trên bến Trà Nưa, nào ai biết ông đã đớn đau gì.

Chỉ thấy mấy mươi năm nay ông trở thành lão chèo đò trên quãng sông hẹp đưa người từ cồn Ca Dao chỉ có mấy trăm nhân khẩu sang chợ và ngược lại. Đời lang bạt như những con sóng bạc đầu trắng xóa, lặng im như đá ngàn năm tạc vào vách núi. Người đã cũ như một phần xương thịt của miền sơn cước Trà Nưa.

…Nhưng bây giờ ông đang nằm đây. Thương tích đầy mình trong căn chòi vá chằng vá đụp bên cồn Ca Dao. Vì con Hưởng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI