Bền lòng neo chữ bên sông

17/11/2022 - 06:07

PNO - 2 mái trường thuộc 2 xã, 2 huyện, nhưng chỉ cách nhau dòng Đà Giang xanh biếc. Ở đó, có cô giáo gần 20 năm lái đò đưa học sinh đến lớp, có những người thầy đêm đêm bì bõm dưới sông kéo cá cải thiện bữa ăn cho trò.

17 năm lái đò đưa đón học sinh

Trường mầm non Đồng Ruộng (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) có 3 điểm lẻ, 1 điểm chính. Trong đó, bản Nhạp gần như biệt lập. Để đến được điểm trường của bản, phải lội qua dòng suối ngoằn ngoèo. Xung quanh bản Nhạp là dãy núi Pu Canh. Đường đến lớp của học sinh chỉ có 2 cách: Đi đường bộ mấy chục cây số hoặc đi bộ 3km ra bến sông, rồi ngồi thuyền 3-4km nữa. Khó khăn đó đã khiến không ít trẻ em bản Nhạp thất học suốt thời gian dài. 

Cô Quách Thị Nụ lái thuyền đưa đón học sinh suốt 17 năm qua - ẢNH: N.M.T.
Cô Quách Thị Nụ lái thuyền đưa đón học sinh suốt 17 năm qua - Ảnh: N.M.T.

17 năm trước, ngay ngày đầu tiên nhận công việc ở Trường mầm non Đồng Ruộng, cô giáo Quách Thị Nụ đã xin xuống điểm trường bản Nhạp. Cô còn đề xuất với ban giám hiệu trường mầm non, trường tiểu học và các gia đình - để cô được chèo thuyền đưa đón các em đến trường, tránh dòng nước lớn. Chiếc thuyền tự chế từ tre và xi măng ra đời, theo cô Nụ lênh đênh đưa, đón học sinh. 

Mùa đông, 5g30 sáng, mặt sông còn ken dày hơi nước, cô Nụ đã sẵn sàng dưới bến. Con thuyền chầm chậm rẽ nước, xuyên qua những vạt sương mờ. Bà con sống rải rác dọc các triền đồi ven sông, nên mỗi cháu đợi cô ở một bến. Gương mặt tròn phúc hậu, cô đưa áo phao, xếp cặp sách, hộp cơm của các cháu gọn một góc thuyền. Bọn trẻ đã quen nếp dậy sớm, đứa nào cũng hớn hở bắt đầu ngày mới. Chiếc thuyền máy này được đổi từ đôi bò của gia đình cô Nụ. 9 năm trước, thuyền tự chế xuống cấp, cô Nụ dè dặt nói với chồng cho cô bán bò, sắm thuyền mới để hành trình đến trường của các em được an toàn. Thương con em trong bản, hiểu tấm lòng của cô, cả chồng và cha mẹ chồng đã đồng ý. 

Ngày hè, cô Nụ mất 30 phút cho quãng đường đưa các em đến lớp. 7 năm đầu, thêm 30 phút lượt về để cô Nụ vào điểm trường mầm non bản Nhạp dạy học. Mùa đông tối đất tối trời, sương giăng khắp lối, thời gian cho những chuyến đò ấy phải dài thêm rất nhiều. 9 năm nay, cô Nụ được giao nhiệm vụ phó hiệu trưởng, nhưng những chuyến đò chở con em bản Nhạp trên hành trình tìm chữ vẫn do cô sắp xếp đón đưa. Cô Nụ tâm sự: “Tôi được đi học, được đào tạo, là đã hơn rất nhiều người, nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm điều gì đó cho con em Đồng Ruộng. Những ngày mưa lũ, bão bùng, đi trên sông mà lơ là tay lái là nguy hiểm lắm. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải neo chữ lại cho các em, là tôi tự động viên mình cố gắng”.

24 năm kéo cá nuôi học trò

Từ xã Đồng Ruộng, nhìn sang bên kia sông là xã Tân Thành, huyện Mai Châu. Nhưng đường bộ dẫn đến 2 xã lại theo 2 phía ngược nhau. Lần lượt cách tỉnh lỵ Hòa Bình 80km và 110km, cả Tân Thành và Đồng Ruộng đều là những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Dân (xã Tân Thành) nằm ở chân đồi, sát bờ sông Đà. Dưới sông thường trực vó bè. Những chiếc vó ấy đã đồng hành cùng thầy và trò Trường Tân Dân từ năm 2009 đến nay.

Thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Dân - ẢNH: N.M.T.
Thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Dân - Ảnh: N.M.T.

Thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng nhà trường - vẫn nhớ như in những ngày đầu lên đây nhận công tác: “Tất cả giáo viên đều sống ở thị trấn Mai Châu, hoặc các huyện khác, thầy cô gần nhất cũng cách trường đến 70km. Con đường nhỏ, xấu, lắt léo từ lưng chừng núi này qua lưng chừng núi khác. Một bên là vực sâu hun hút. Đi giữa mùa đông sương mù dày đặc, chúng tôi càng muốn gỡ từng cái khó, cái khổ cho con em đồng bào Tày, Mường nơi này”. Người dân xa quốc lộ, xa trung tâm; học sinh đến trường, gần 70% phải vượt quãng đường rừng từ 7-15km. Kinh tế khó khăn, đường rừng cách trở, có những khóa, khi lên lớp Chín, mỗi lớp chỉ còn vài em theo học.

Các thầy cô họp bàn, đưa phương án kéo cá lòng hồ sông Đà mang bán lấy tiền mua gạo để “lôi kéo” học sinh trọ học. Cá nhiều nhưng không biết bán cho ai, vì  bà con trong vùng đều tự sản tự tiêu; xuống đến chợ huyện thì mất 4 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chính các thầy cô đi gõ cửa từng quán ăn, nhà hàng dưới thị trấn và thành phố, nhờ họ hỗ trợ - thường xuyên tiêu thụ. Tiền bán các loại cá đặc sản để mua gạo, những loại cá khác làm thực phẩm nuôi học sinh. Thế là ngoài công việc giảng dạy, các thầy còn kiêm “nghề” đánh cá rồi ướp đá lạnh chở đi giao khắp các nhà hàng.

Khi mô hình bán trú được triển khai, những học sinh nhà xa trên 10km được ở lại trường, hằng tháng, mỗi em được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo và hơn 500.000 đồng tiền ăn. Xã đặc biệt khó khăn nên cả học sinh bán trú hay không bán trú đều còn nhiều thiệt thòi. Mỗi phòng nội trú có 4 giường đơn ọp ẹp mà 8 em phải ngủ chung; bởi số học sinh bán trú nhiều gấp đôi số giường. Có nhiều em nhà rất nghèo, vì cách trường dưới 10km mà hằng ngày vẫn phải vượt rừng, lội suối đến lớp. Thương trò, các thầy lại đều đặn 23g đêm và 5g sáng bì bõm dưới sông kéo cá, để ít nhiều bù đắp, hỗ trợ cho các em. Ông Đinh Văn Kiệm - Chủ tịch UBND xã Tân Thành - xúc động: “Các thầy cô giáo đều là người ở xa, về công tác nơi đây nhìn đâu cũng thấy khó khăn, thiếu thốn. Bao năm qua, rất nhiều thế hệ con em Tân Thành đã lớn lên, trưởng thành trong sự chắt chiu yêu thương, đùm bọc, dạy bảo của các thầy cô”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI