Hơn một năm nay, từ một cán bộ tuyên giáo trẻ đến với Hội với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ P.Phú Trung, Q.Tân Phú, chị Trịnh Tam Mai thấy mình may mắn vì được đồng hành cùng các dì, các chị, vui cùng Hội và hơn hết là có thể giúp đỡ những phụ nữ yếu thế, kém may mắn. “Công tác Hội đến với tôi thật bất ngờ nhưng giờ tôi lại thấy mình may mắn. Làm được điều gì cho các dì, các chị vui thì tôi cũng vui”.
Bỡ ngỡ ngày đầu
Tháng 4/2018, chị Tam Mai chính thức tiếp nhận công tác Hội. Chị bỡ ngỡ và lo lắng vì chưa có kinh nghiệm trong công tác đoàn thể và hoạt động phong trào, lại không phải là người địa phương.
Chị Tam Mai giúp các dì thử và tặng áo dài cho phụ nữ.
|
|
Để tiếp cận và làm quen với hoạt động Hội, bên cạnh sự chịu khó và nỗ lực trong công việc, chị mạnh dạn hỏi và học kinh nghiệm từ những dì, những chị đi trước, từ quận Hội, đồng nghiệp ở các phường và tham gia vào mọi hoạt động. Có thời điểm ngày nào chị cũng ở lại cơ quan đến 8 - 9 giờ tối để làm báo cáo cũng như để chuẩn bị cho những tình huống đột xuất cần hỗ trợ cho cấp dưới. Kinh nghiệm dần được tích lũy qua từng hoạt động.
Đi sát với Hội mới thấy thương chị em vất vả, ngày đi làm, chiều tối về cơm nước, con cái... , thời gian dành cho bản thân còn khó nói gì đến việc tham gia hoạt động Hội. Từ đó chị Mai cố gắng tổ chức các hoạt động ở từng khu phố, cụm dân cư để chị em có thể tham gia nhiều hơn.
Thương chị, các dì, các chị ở chi tổ Hội nhắc: “Ngày nào cũng ở lại làm việc tới đêm, chắc có ngày chồng nó bỏ à”. Nhưng được các dì, các chị thương, chị lại thấy mình phải cố gắng hơn nữa. May mắn là chồng và gia đình cũng thông hiểu và tiếp sức. Trong công việc, khi cần chia sẻ, cần hỗ trợ, chồng chị luôn đồng hành. Nhiều lần tham gia hội thi, hội diễn, anh là người chạy mua sắm nguyên vật liệu, rồi phụ vợ và các dì thực hiện.
Bảo vệ phụ nữ yếu thế
Chị Mai nhớ lại câu chuyện của chị Nguyệt (49 tuổi) bị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối, sống lang thang vì con cái bỏ mặc. Biết được hoàn cảnh, chị Mai đến an ủi và kêu gọi các dì, các chị phụ tiếp mình một tay lo cơm nước, vệ sinh cho chị Nguyệt, rồi vận động kinh phí đưa chị đi bệnh viện. Nhưng bệnh tình quá nặng, chị Nguyệt qua đời. Nhắc đến đây, chị Mai nói: “Phụ nữ mình thương lắm, cả đời chỉ biết hy sinh và cam chịu”.
Tương tự, chị T. và anh H lấy nhau được gần 4 năm và có với nhau bé gái hơn một tuổi. Tưởng được chồng yêu thương, không ngờ những hành động “yêu thương” thái quá của chồng đã làm chị T. như bị “giam lỏng” trong chính ngôi nhà của mình. Mọi khoản chi tiêu hằng ngày trong gia đình được anh quản lý theo kiểu “tiền phát gạo đong”. Chị đi chợ hay ra ngoài lúc nào anh cũng kè kè. Ban đầu, dù khó chịu nhưng chị T. tự trấn an “có lẽ do chênh lệch về tuổi tác nên anh H. mới có suy nghĩ và hành động thái quá như vậy”. Nhưng rồi càng ngày chị càng thấy nặng nề. Chị T. đã nhiều lần trao đổi về việc sẽ đi làm nhưng chồng không đồng tình. Chuyện ghen tuông vu vơ cũng đã xảy ra…
Chị Tam Mai (bìa trái) cùng kêu gọi không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
|
|
Quá bức bối nên nhân lúc chồng đi thăm người thân ở nước ngoài, chị T. gọi điện đến Tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình P.Phú Trung, Q.Tân Phú nhờ giải cứu, giúp chị thoát khỏi cuộc sống bị “giam lỏng”. Tiếp nhận cuộc gọi, chị Mai báo cáo vụ việc với Phó chủ tịch UBND phường cũng là Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh. Các chị đã nhanh chóng cùng các thành viên trong tổ và chi hội phụ nữ tìm đến nhà chị T. để tìm hiểu sự việc. Cắt cử người thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện, động viên chị T. bình tĩnh giải quyết vấn đề.
Tổ phản ứng nhanh đã tiếp cận, hòa giải, tìm hướng giúp đỡ và bảo vệ an toàn cho mẹ con chị T. Chị T. cũng đã có thời gian để suy xét lại mối quan hệ vợ chồng và cố gắng hàn gắn. Tuy nhiên, do cách cư xử của chồng không thay đổi nên chị quyết định ly hôn. Hiện, chị T. đang gửi con đi nhà trẻ và xin được việc làm.
Tổ phản ứng nhanh phòng chống bạo lực P.Phú Trung được ra mắt vào tháng 6/2019, Chị Mai là tổ phó, là người trực tiếp tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng suốt 24/24. Do đặc thù của phường có nhiều nữ công nhân nhà trọ, phụ nữ người dân tộc Hoa nên Hội Phụ nữ phường được chọn làm điểm. Thành viên tổ phản ứng nhanh có sự tham gia của các ban ngành đoàn thể phường nhưng nòng cốt chính là cán bộ chi tổ Hội. Các dì luôn bán sát địa bàn dân cư bởi các dì, chị đã thân quen, biết rõ hoàn cảnh của từng gia đình. Để các gia đình, chị em phụ nữ biết đến Hội và biết đến Tổ phản ứng nhanh, các tờ bướm, móc khóa có gắn số điện thoại Tổ phản ứng nhanh được gửi đến từng hộ gia đình.
Chị Tam Mai và những bữa cơm yêu thương dành cho người khó khăn tại chi hội.
|
|
Tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình P.Phú Trung được thành lập cũng là một kênh thông tin quan trong để Hội tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ những trường hợp bất bình đẳng, có nguy cơ hay thật sự mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Đi đến đâu, gặp các dì, các chị, trong các buổi sinh hoạt, chị Tam Mai đều nhắc phụ nữ phải mạnh mẽ, tự tin nhất là khi nghe, biết, thấy hay chính bản thân mình bị bạo hành, gặp khó khăn trong cuộc sống hãy tìm đến Hội. Hội luôn là người bạn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ cùng phát triển.
Thiên Ân